Hình ảnh những làng ung thư, số lượng bệnh nhân nhất là người mắc bệnh nan y đông nghẹt tại các bệnh viện vốn không còn xa lạ. Ít ai nghĩ rằng, căn nguyên gây nên hệ quả trên lại có một phần không nhỏ từ tình trạng môi trường bị ô nhiễm. PV Báo SGGP ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, nhà nghiên cứu xung quanh vấn đề này.
GS-BS Trần Đông A Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Mỗi năm 200.000 người mắc bệnh ung thư
Ô nhiễm môi trường có thể tác động đến cơ thể con người trực tiếp hoặc gián tiếp. Trực tiếp là do mỗi ngày con người sống trong môi trường nước, không khí ô nhiễm, hít thở hoặc sử dụng nguồn nước đã nhiễm chất thải độc hại. Còn gián tiếp là thông qua chuỗi thực phẩm. Thực phẩm được chăm sóc bằng nguồn nước ô nhiễm, sống trên môi trường đất nhiễm hóa chất và đặc biệt thường xuyên được phun xịt hóa chất bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng, quy trình thời gian. Những chất độc hại này trực tiếp hoặc gián tiếp đều đi vào trong cơ thể người, tích tụ lâu dần sinh ra bệnh.
Trung bình mỗi năm cả nước có 200.000 người mắc bệnh ung thư. Trong đó, 75.000 người chết vì bệnh này mỗi năm. Trên cả nước cũng đã xuất hiện gần 100 làng ung thư. Không phải ngẫu nhiên mà các cơ quan chức năng khẳng định ô nhiễm môi trường đang là nguyên nhân gây nên tình trạng gia tăng số lượng bệnh nhân mắc các bệnh nan y mà đúc kết từ nhiều nghiên cứu cho thấy, những căn bệnh nan y đó đều có sự liên quan mật thiết đến các hóa chất độc hại nhiễm trong nguồn nước, thực phẩm và không khí mà người bệnh tiếp xúc.
Chỉ có điều, cho đến khi phát hiện ra bệnh, người bệnh không thể truy lại căn nguyên vì quá trình tích tụ chất thải độc hại đòi hỏi trải qua khoảng thời gian khá lâu. Đây cũng chính là sự thiệt thòi cho người bệnh trong việc đòi hỏi những quyền được bồi thường liên quan đến việc tổn hại sức khỏe của mình.
Có thể nói, tình trạng ô nhiễm môi trường gây nên những tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng là sự thật không thể chối cãi. Cách đây 10 năm, chúng tôi đã cùng với các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm nhiều lần phản ánh vấn đề này. Trong đó, đề xuất cần có những giải pháp xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm mạnh mẽ hơn. Cần thay đổi quan điểm cho rằng, phải hy sinh lợi ích môi trường cho phát triển kinh tế.
Phải nhìn nhận rằng, ô nhiễm môi trường chính là “sát thủ sinh học”. Có những chất thải ô nhiễm có thể chuyển hóa hoặc cải thiện theo thời gian hoặc có tác động của con người. Tuy nhiên cũng có những chất thải tồn tại vĩnh viễn, gây tổn hại đến sức khỏe cho nhiều thế hệ. Do vậy, những doanh nghiệp có hành vi vi phạm môi trường thì không nên chỉ đơn thuần là bị xử lý vi phạm hành chính mà cần phải bị truy tố trước pháp luật. Đáng tiếc là cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để việc gây ô nhiễm môi trường. Và nếu thực trạng trên không thể khắc phục thì dù nhà nước có đầu tư xây dựng bao nhiêu bệnh viện cũng không thể giải quyết hết tình trạng quá tải vốn đang ngày càng trầm trọng tại các bệnh viện hiện nay.
PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn Hiệu trưởng Trường Đại học TN-MT TPHCM: 100% số liệu quan trắc không đạt quy chuẩn
Ô nhiễm môi trường đã và đang len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống. Riêng tại TPHCM, vấn nạn ô nhiễm môi trường đã trở nên rất đáng lo ngại. Cụ thể, về môi trường nước, tại các điểm quan trắc trên sông Sài Gòn và Đồng Nai ở khu vực dùng cho mục đích cấp nước, một số chỉ tiêu như DO, nồng độ dầu và Coliform đều không đạt quy chuẩn cho phép. Trên các kênh rạch nội thành, kết quả quan trắc cho thấy các chỉ tiêu ô nhiễm hữu cơ (BOD, COD) và Coliform hầu hết đều cao hơn quy chuẩn nhiều lần.
Còn về môi trường không khí, ô nhiễm bụi là vấn đề đáng quan ngại nhất trong đô thị. Chất lượng không khí ven đường luôn có nồng độ bụi tổng cộng (TSP) dao động từ 0,44 – 0,65 mg/m³, 96% giá trị quan trắc không đạt quy chuẩn Việt Nam. Chưa hết, ô nhiễm tiếng ồn cũng là một thông số ô nhiễm rất đáng lo ngại khi có tới 100% số liệu quan trắc không đạt quy chuẩn.
Thực trạng trên đang gây nguy hại nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. Mối tương quan giữa ô nhiễm với sự gia tăng số người mắc bệnh tại TPHCM, nhất là trẻ em đã được chứng minh bằng nhiều nghiên cứu khoa học.
Đơn cử như nghiên cứu “Ô nhiễm không khí đến sức khỏe và đói nghèo”. Đây là một đề tài nghiên cứu công phu, được thực hiện bởi sự hợp tác giữa Sở Y tế, Chi cục Bảo vệ môi trường TP và Viện Tác động sức khỏe của Mỹ nhằm tìm ra các mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí với bệnh hô hấp. Nghiên cứu đã dựa trên các số liệu thống kê về bệnh hô hấp trên trẻ em tại các bệnh viện nhi ở TPHCM và số liệu quan trắc về ô nhiễm không khí tại các trạm quan trắc không khí ở TPHCM trong cùng một khoảng thời gian 5 năm.
Để giảm thiểu những thiệt hại đến sức khỏe cộng đồng do ô nhiễm môi trường gây ra, phải có nhiều biện pháp đồng bộ giữa các bên liên quan như chính quyền (cơ quan quản lý môi trường, cơ quan quản lý y tế, giao thông vận tải, công nghiệp…), doanh nghiệp gây ô nhiễm và người dân.
Ở góc độ môi trường, biện pháp tốt nhất là phải làm sao giảm được mức độ ô nhiễm môi trường. Muốn vậy phải giảm được sự phát thải các chất ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, chất thải rắn và môi trường. Đây là cái gốc của vấn đề, làm tốt được vấn đề này thì sẽ có tác động tích cực đến các vấn đề liên quan.
MINH XUÂN