Vài ngày tới, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến Mátxcơva, Nga, với mục đích nhằm thuyết phục Nga thay đổi quan điểm trong việc ủng hộ Chính phủ Syria. Cho đến giờ này, chiêu bài phát hiện vũ khí hóa học tại Syria như đã từng áp dụng cho cuộc chiến tại Iraq của Mỹ chưa thể phát huy tác dụng. Mỹ đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía Nga. Syria cũng lên tiếng yêu cầu LHQ mở cuộc điều tra chính thức để minh chứng cho những cáo buộc này. Rõ ràng, việc can thiệp quân sự vào Syria là chưa thể thực hiện.
Báo New York Times cho rằng, đã đến lúc Chính phủ Mỹ nhận ra rằng không thể đơn phương trong cuộc chiến lật đổ chính quyền Assad mà cần phải có sự giúp đỡ đa phương, đặc biệt là từ phía Nga - đồng minh thân cận của Syria. Trước khi quyết định can thiệp, điều cần làm hiện tại là phải thuyết phục thành công về mặt ngoại giao, sau đó yêu cầu Liên đoàn Ảrập, Hội đồng Bảo an LHQ và quốc hội bỏ phiếu về vấn đề này. Các chiến lược ngoại giao phải bắt đầu từ Nga và Trung Quốc, hai quốc gia có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ.
Mỹ từ lâu đã tính đến khả năng nếu không thể can thiệp quân sự, biện pháp được xem xét nhiều nhất là buộc ông Assad phải ra đi và quốc gia có khả năng gây ảnh hưởng đến Chính phủ Syria nhiều nhất hiện nay chính là Nga. Chính quyền Mỹ hy vọng vào chuyến đi của ông Kerry đến Nga cũng như họ đã từng hy vọng và thành công vào chuyến đi của tân Ngoại trưởng Mỹ thuyết phục Trung Quốc gây áp lực với CHDCND Triều Tiên. Liệu phước có trùng lai?
Nếu Nga và Mỹ tìm được sự đồng thuận trong vấn đề này, Nga có thể thuyết phục ông Assad rằng thời gian không còn nhiều và nên ra đi để đảm bảo sự an toàn. Nhưng việc Mỹ có thành công hay không là điều khó chắc chắn bởi lẽ Nga luôn từ chối đề xuất này với quan điểm giải pháp cho Syria phải do chính người Syria quyết định, trong đó có Tổng thống Assad. Theo các nhà phân tích, Syria vốn là thành trì của Nga. Mátxcơva bằng mọi cách sẽ duy trì chế độ Assad nắm quyền để cản trở mọi nguy cơ bất ổn lan tới Nga. Vấn đề khiến Mátxcơva đang đặc biệt quan ngại là cuộc chiến tại Syria sẽ gây ảnh hưởng lớn tại khu vực bất ổn Bắc Caucasus, nơi đang tập trung các phần tử Hồi giáo cực đoan, luôn có âm mưu gây mất ổn định tại Nga.
Cũng theo New York Times, Nga là mấu chốt quan trọng trong việc tìm kiếm sự ủng hộ trong cuộc chiến Syria nhưng Mỹ cần phải khẩn trương thuyết phục với ba quốc gia Ả rập là Saudi Arabia, Qatar và Ai Cập cùng hợp tác hỗ trợ các nhóm đối lập khác nhau để đối trọng với ảnh hưởng của Iran và xây dựng lực lượng nổi dậy lật đổ ông Assad. Ba quốc gia này cũng là ba nước có tiếng nói lớn trong Liên đoàn Ảrập, cơ quan có thể bật đèn xanh cho một cuộc tấn công Syria.
Xây dựng một liên minh quốc tế giữa các quốc gia là Nga, Ai Cập, Saudi Arabia và Qatar chính là lựa chọn duy nhất khôn ngoan chiến lược đối với Mỹ. Nếu không có một liên minh như vậy, ông Obama không nên một mình tấn công Syria. Bên cạnh đó, dù các nhà ngoại giao cũng như quân sự đang tung những chiêu thức tố cáo chế độ của ông Assad nhưng cuộc thăm do dư luận mới nhất cho thấy đa số người dân Mỹ phản đối Mỹ can thiệp vào Syria và họ cũng có suy nghĩ giống Nga: chuyện của Syria phải để cho người Syria tự giải quyết.
Thanh Hằng