ODA tiếp tục là nguồn vốn quan trọng

Năm 2010: Giải ngân được 3,5 tỷ USD
ODA tiếp tục là nguồn vốn quan trọng

Ngày 7-12, Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2010 đã khai mạc tại Hà Nội, với sự tham dự của đông đảo các nhà tài trợ, các tổ chức song phương và đa phương, tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Năm 2010: Giải ngân được 3,5 tỷ USD

Sau con số cam kết kỷ lục 8 tỷ USD cho năm tài chính 2010, năm 2011, Việt Nam sẽ nhận được bao nhiêu từ các nhà tài trợ để bổ sung cho đầu tư phát triển bền vững? Câu hỏi luôn thu hút sự quan tâm lớn của công luận đó sẽ được trả lời vào cuối chiều nay 8-12, khi Hội nghị thường niên Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2010 (CG 2010) khép lại.

Ông Hồ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, nếu loại trừ các khoản giải ngân nhanh theo hình thức hỗ trợ ngân sách, thì khối lượng vốn ODA giải ngân theo các chương trình, dự án năm 2010 dự kiến sẽ cao hơn 30% so với năm 2009, đạt 2,94 tỷ USD. Năm ngoái, giải ngân nhanh lên tới trên 1,843 tỷ USD, còn năm nay đạt trên 558 triệu USD.

Mức giải ngân ODA năm 2010 tiếp tục có những cải thiện nhất định. Đó là nhờ sự điều hành sát sao của Chính phủ, nỗ lực to lớn của các ngành, các cấp và các nhà tài trợ trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn ODA.

Không thể phủ nhận rằng nhu cầu về vốn ODA của Việt Nam còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh năm 2011 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược 10 năm 2011-2020. Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%-7,5% và thực hiện đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, trong đó tập trung vào hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị lớn... trong giai đoạn 5 năm tới, nước ta cần huy động lượng vốn đầu tư phát triển hàng năm tương đương 40% GDP. Trong đó, nguồn vốn nước ngoài chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, theo đại diện các nhà tài trợ, cũng như các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam, không nên lúc nào cũng kỳ vọng hỗ trợ ODA của các nhà tài trợ năm sau cao hơn năm trước.

Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, nhấn mạnh, vai trò và vị thế của Việt Nam đã có sự thay đổi lớn. Việt Nam đã từ một nước nghèo và phụ thuộc đã trở thành một đối tác tích cực trên trường quốc tế. Điều quan trọng nhất hiện nay là Việt Nam cần hết sức tránh “rơi vào sự trì trệ của một quốc gia có thu nhập trung bình (MIC)”. Đây cũng là khuyến cáo của ông John Hendra, Điều phối viên LHQ tại Việt Nam và nhiều nhà tài trợ khác ngay tại phiên họp đầu tiên của hội nghị.

Theo tập quán tài trợ quốc tế, với MIC, Việt Nam sẽ nhận được ít hơn các nguồn vốn vay ODA ưu đãi như hiện nay, các khoản viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật cũng có xu hướng giảm. Mặc dù đây không hoàn toàn là điều bất lợi, bởi Việt Nam vẫn có thể tiếp cận nguồn vốn vay rất dồi dào từ các định chế tài chính khác, tuy ít ưu đãi hơn giai đoạn trước, nhưng hạn mức vay lớn và thời hạn cho vay dài. Song vấn đề lớn đang đặt ra cho Việt Nam hiện nay là hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Sau con số 4,1 tỷ USD vốn ODA giải ngân trong năm 2009, với 3,5 tỷ USD vốn ODA được giải ngân trong năm 2010, sự nghi ngại về khả năng hấp thụ vốn ODA của nền kinh tế Việt Nam đã phần nào được giải tỏa. Tại hội nghị hôm qua, nhiều nhà tài trợ khẳng định, Việt Nam còn có thể làm tốt hơn thế. Điều này có thể hiểu, nhà tài trợ thể hiện lòng tin vào Việt Nam, nhưng cũng mong muốn Việt Nam tiếp tục có những cải thiện mạnh mẽ hơn nữa.

Ổn định kinh tế vĩ mô, giảm tỷ lệ nợ công

Nút giao thông Cát Lái (đại lộ Đông Tây), công trình sử dụng vốn ODA hiệu quả. Ảnh: Cao Thăng
Nút giao thông Cát Lái (đại lộ Đông Tây), công trình sử dụng vốn ODA hiệu quả. Ảnh: Cao Thăng

Rõ  ràng, bên cạnh những thay đổi phù hợp về định hướng chính sách sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian tới, Việt Nam còn phải có nhiều giải pháp tổng thể, toàn diện nữa. Đó là “xây dựng nguồn lực mới, tăng năng suất lao động, tạo sự cạnh tranh bình đẳng hơn giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, hiện đại hóa công cụ pháp luật để quản lý kinh tế vĩ mô, thu hẹp khoảng cách phát triển nông thôn và thành thị...”, như bà Victoria Kwakwa khuyến nghị. Hoặc, đề cập đến nhiều thách thức mà Việt Nam đang phải đối diện (như chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh trở lại từ tháng 9, khiến lạm phát năm nay có thể lên mức 2 con số; dư nợ tín dụng có thể vượt quá mục tiêu 25% thâm hụt thương mại vẫn ở mức cao; dự trữ ngoại hối còn ở mức thấp; tỷ giá VND chịu áp lực mất giá liên tục…), ông Masato Miyazaki, Trưởng phòng, Vụ châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thẳng thắn cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần “ưu tiên xử lý những rủi ro đang nảy sinh đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô; thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ; giảm tỷ lệ nợ công”. Những cải cách để đảm bảo một hệ thống tài chính vững mạnh, hiệu quả và dựa trên nguyên tắc thị trường cũng hết sức cần thiết...

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh: Tuy đã ra khỏi danh sách nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, nhưng Việt Nam vẫn là nước nghèo. Trong thời gian tới, cùng với nguồn lực trong nước, ODA vẫn tiếp tục là nguồn vốn quan trọng đối với Việt Nam (nhu cầu dự kiến giai đoạn 2011 - 2015 là hơn 30 tỷ USD).

Phó Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam trân trọng từng đồng vốn ODA và bảo đảm thực hiện các cam kết với trách nhiệm cao với các nhà tài trợ. Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực tập trung chỉ đạo để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA. Trong 17 năm qua, các nhà tài trợ đã cam kết cung cấp ODA cho Việt Nam trên 56 tỷ USD. Nguồn vốn này đã thực sự là nguồn lực quan trọng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng cường thể chế, phát triển các lĩnh vực xã hội, như y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, phát triển nông thôn, đặc biệt là trong công tác xóa đói giảm nghèo”. 

Cùng với việc tăng cường cung cấp ODA cho Việt Nam, việc mở rộng đối tượng tiếp cận nguồn vốn ODA sang khu vực tư nhân theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) là cần thiết, nhằm khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cùng với Nhà nước.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục