Ôn thi THPT quốc gia năm 2018: Đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng

Chỉ một ngày sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, ghi nhận nhiều trường THPT trên địa bàn TPHCM trong sáng 25-1 đã lên kế hoạch ôn tập cho học sinh. 
Tuy nhiên, theo nhận định của Sở GD-ĐT TPHCM, để công tác ôn thi đạt hiệu quả, các trường không được cắt xén chương trình; tổ chức ôn tập trên tinh thần nhẹ nhàng, không gây áp lực cho học sinh.
Không quá phụ thuộc bộ đề thi tham khảo
Nhận định chung về đề thi tham khảo các môn của Bộ GD-ĐT, ông Phạm Ngọc Tiến, Phó phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết đề thi có tỷ lệ kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 20% - 25%; kiến thức dàn trải ở cả học kỳ 1 và học kỳ 2 với mức độ vừa và đơn giản, yêu cầu vận dụng thấp. Học sinh chỉ cần nắm bắt và hiểu biết kiến thức là có điểm ở các câu hỏi này. Sở khuyến nghị các trường THPT tổ chức ôn tập kiến thức lớp 11 cho học sinh ở mức độ cơ bản, vừa phải, không đi vào các nội dung quá khó, yêu cầu cao.
Về băn khoăn của giáo viên đối với các câu hỏi vận dụng ở mức độ khó trong đề tham khảo 2 môn Toán và Vật lý, đại diện Sở GD-ĐT cho rằng mục tiêu ôn tập của các trường là giúp học sinh đủ điểm đậu kỳ thi tốt nghiệp: “Việc ôn tập phải dựa trên mặt bằng trình độ chung của học sinh, trong đó tập trung các nội dung ôn tập trọng điểm, không nên mất thời gian đi sâu các câu hỏi vận dụng khó. Học sinh sẽ dựa trên kiến thức ôn tập chung đó, kết hợp thêm mục tiêu, nguyện vọng cá nhân để có kế hoạch ôn tập phù hợp”. 
Ôn thi THPT quốc gia năm 2018: Đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng ảnh 1 Cô và trò Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) trong một giờ lên lớp
Một lưu ý khác của Sở GD-ĐT là các trường không nên quá phụ thuộc vào bộ đề thi tham khảo, vì đó chỉ là gợi ý ban đầu cho các trường tổ chức ôn tập. So với bộ đề thi này, đề thi thực tế có thể có “điểm rơi” kiến thức khác nhau, mức độ khó của các câu hỏi vận dụng sẽ chênh lệch dù với biên độ không quá lớn. Thêm vào đó, rút kinh nghiệm từ đề thi THPT quốc gia năm 2017, năm nay đề thi THPT quốc gia sẽ có sự điều chỉnh mức độ phân hóa ở một số môn, tránh tình trạng một môn thi có phổ điểm quá cao hoặc quá thấp so với các môn thi còn lại.
Các trường cần tránh áp dụng liên tục bộ đề thi tham khảo trong quá trình ôn tập cho học sinh, cũng là một khuyến cáo từ Sở GD-ĐT TPHCM dành cho các trường. Theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, dù tổ chức dạy học hay ôn tập, trường học phải đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng cho học sinh; đảm bảo dạy đủ giờ, đủ thời lượng, không được cắt xén chương trình. Nếu phát hiện đơn vị nào không đảm bảo các yêu cầu bắt buộc về giảng dạy, Thanh tra Sở GD-ĐT sẽ có biên bản xử phạt hành chính.
Chỉ thu phí ôn tập khi kết thúc năm học
Theo quy định chung của Bộ GD-ĐT, các trường có thể kết thúc chương trình dạy học lớp 12 sớm nhất vào khoảng tháng 3 và trễ nhất vào cuối tháng 4-2018, đảm bảo dạy đủ 37 tuần/năm học. Thời gian sau khi hoàn tất chương trình đến tổng kết năm học, giáo viên có thể tổ chức ôn tập cho học sinh. Trong đó, trường dạy học 2 buổi/ngày có thể dùng hoạt động buổi thứ hai để tổ chức ôn tập. Riêng các trường dạy học 1 buổi/ngày thì tổ chức ôn tập theo hình thức ngoại khóa, dạy thêm, học thêm trên tinh thần tự nguyện đăng ký tham gia của học sinh.
Về thắc mắc của một số trường đối với mức thu học phí trong thời gian tổ chức ôn tập, ông Lê Duy Tân cho biết, nếu hoạt động ôn tập diễn ra trong thời gian chính khóa của năm học, các trường không được thu thêm bất kỳ khoản phí nào của học sinh. Trường hợp các trường tổ chức ôn tập sau tuần lễ thứ 37, tức sau khi tiến hành tổng kết năm học đến trước thời điểm học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia, các trường phải xây dựng kế hoạch ôn tập, dự trù kinh phí thực hiện vì ngân sách không có khoản chi cho hoạt động này. Ông Lê Duy Tân cũng lưu ý, khoản thu học phí ôn tập trong trường hợp này phải thực hiện theo sự thỏa thuận giữa đơn vị tổ chức và người học, không được cào bằng mức thu chung cho tất cả học sinh.
“Các trường có thể vận dụng linh hoạt Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT quy định về các hoạt động tài trợ cho giáo dục. Theo đó, phụ huynh tự nguyện đăng ký đóng tiền theo hình thức tài trợ, không quy định mức thu cụ thể. Học sinh nào có nhu cầu ôn tập đều có thể đăng ký tham gia, không phân biệt cha mẹ phải đóng tiền, con mới được học”, ông Võ Duy Tân nhấn mạnh. 
Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, đến năm 2019, đề thi THPT quốc gia sẽ mở rộng kiến thức ở cả 3 khối lớp 10, 11 và 12. Do đó, hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn TPHCM kiến nghị Sở GD-ĐT nên sớm có văn bản hướng dẫn cũng như tổ chức các buổi tập huấn giúp giáo viên làm quen với định dạng ra đề thi mới, tránh tổ chức ôn tập theo hình thức học “tủ”, giải đề mẫu, gây thiệt thòi cho học sinh.
Sau khi có bộ đề thi tham khảo, trong đó chủ yếu thi theo hình thức trắc nghiệm, nhiều đơn vị đã kiến nghị tổ chức ra đề thi lớp 10 và 11 theo hình thức trắc nghiệm để học sinh quen dần với định dạng ra đề thi này. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, các kỳ thi ở 2 khối 10 và 11 vẫn tổ chức thi theo hình thức tự luận kết hợp trắc nghiệm, nhằm giúp giáo viên nắm bắt được khả năng tư duy, mức độ hiểu biết của học sinh, từ đó có định hướng giảng dạy phù hợp.

Tin cùng chuyên mục