“Ông bà cháu cùng đến bảo tàng”- Những thể nghiệm thú vị

Chào mừng ngày Gia đình Việt Nam 28-6, nhằm thu hút sự quan tâm của các thế hệ gia đình Việt Nam đến với bảo tàng, đặc biệt là thế hệ trẻ, đồng thời tạo điều kiện để các em học sinh, thanh thiếu niên, nhi đồng có những hoạt động vui tươi bổ ích trong dịp hè, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã tổ chức chương trình giao lưu “Ông bà cháu cùng đến bảo tàng”.

Chào mừng ngày Gia đình Việt Nam 28-6, nhằm thu hút sự quan tâm của các thế hệ gia đình Việt Nam đến với bảo tàng, đặc biệt là thế hệ trẻ, đồng thời tạo điều kiện để các em học sinh, thanh thiếu niên, nhi đồng có những hoạt động vui tươi bổ ích trong dịp hè, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã tổ chức chương trình giao lưu “Ông bà cháu cùng đến bảo tàng”.

Đến tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh một sáng cuối tuần, không ít du khách trong nước và quốc tế đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi chứng kiến hình ảnh những gia đình ba thế hệ cùng tham quan bảo tàng và trò chuyện thân tình. Chốc chốc, ông bà dừng lại để kể cho các cháu nghe những câu chuyện đời thực của mình và cũng để giải đáp những thắc mắc của các cháu.

Bà Đoàn Thị Nhung, vợ cựu chiến binh Lê Kỳ Quang, kể lại: “Cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã gây ra bao nhiêu đau khổ cho người dân Việt Nam mà chứng tích là những hình ảnh mà các cháu vừa xem qua. Năm 1972, trong lúc quân dân miền Nam lập nhiều chiến công thì Mỹ mang bom bắn phá miền Bắc ác liệt, ông nhà đi kháng chiến, tôi là cô giáo dạy học ở trường huyện. Ấn tượng mà tôi nhớ nhất là chiếc mũ rơm của các cháu đội khi đi học, chiếc mũ rơm đã đi vào thơ ca Mang mũ rơm đi học đường dài/Chuyện thần kỳ dân tộc ta là vậy… (Bài ca Xuân 67 - Tố Hữu)”.

Và rồi bà nhắn nhủ: “Nhiệm vụ của các cháu là phải cố gắng học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chung tay bảo vệ hòa bình”. Còn cựu chiến binh Sư đoàn 330 Mai Thanh Sơn thì kể cho các bạn trẻ về một số loại vũ khí, về cách tránh mìn ba chấu trong những ngày tháng ông và đồng đội chiến đấu tại chiến trường Tây Ninh.

Em Mai Nguyễn Thiên Hoàng, 17 tuổi, học sinh Trường Trung cấp Đông Nam bộ (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương), sau chuyến tham quan bảo tàng đã bày tỏ: “Được thấy, được nghe những câu chuyện này, em càng tự hào về truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc, biết ơn sự hy sinh của các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc và nhắc mình càng phải nỗ lực học tập, phấn đấu nhiều hơn nữa góp phần xây dựng đất nước phát triển, giàu mạnh”.

Cũng bày tỏ sự kính phục của mình, em Đàm Nguyễn Quỳnh Như, 11 tuổi, nói: “Em sẽ phấn đấu học giỏi, vâng lời ông bà, thầy cô và cha mẹ. Em mong cả thế giới đừng có chiến tranh vì em rất yêu hòa bình”.

Thay lời bày tỏ, ông Mai Thanh Sơn vừa đàn vừa hát cùng hai cháu song sinh Mai Quốc Khánh, Mai Quốc Nam (8 tuổi) tặng chương trình bài ca nổi tiếng Má Sáu. Ánh mắt của người cựu chiến binh rạng ngời những niềm vui và tiết mục này nhận được những tràng pháo tay cổ vũ nhiệt tình của hàng trăm bạn trẻ.

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, cho hay: “Đây là lần đầu tiên chương trình được tổ chức. Chúng tôi muốn thể nghiệm và rút kinh nghiệm để chương trình được tổ chức quy mô hơn, hoàn thiện hơn nữa và dự kiến sẽ ra mắt công chúng và khách thưởng lãm vào dịp kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam vào năm 2012”.

Minh An

Tin cùng chuyên mục