Ông bà cháu cùng đến bảo tàng

Tiếp nối truyền thống
Ông bà cháu cùng đến bảo tàng

Nhằm thu hút sự quan tâm của các thế hệ gia đình Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện để học sinh, thanh thiếu niên học tập truyền thống trong dịp hè, chương trình “Ông bà cháu cùng đến bảo tàng” do Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tổ chức đã mang lại nhiều bài học về giáo dục truyền thống.

Ông bà cháu tại bảo tàng.

Ông bà cháu tại bảo tàng.

Tiếp nối truyền thống

Buổi sáng cuối tuần, hình ảnh các ông bà tóc bạc phơ nắm tay con cháu tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã khiến nhiều du khách nước ngoài chú ý. Chốc chốc, các ông bà phải dừng lại giải thích cho các cháu hiểu. Thích thú với những câu chuyện oai hùng, dũng cảm của các thế hệ ông bà trong chiến tranh, nhiều bạn trẻ tập hợp quanh họ ngày càng đông, chăm chú lắng nghe.

Hình ảnh về chiếc mũ rơm và giao thông hào qua câu chuyện của bà Tạ Thị Dược (cựu thanh niên xung phong) khiến các bạn nhỏ tròn mắt ngạc nhiên, thán phục. Nụ cười rạng rỡ của một nạn nhân chất độc da cam qua bức ảnh thật sinh động, nổi bật trên tất thảy đằng sau cái cơ thể quặt quẹo kia là một ý chí đáng khâm phục: trí não trì trệ và cụt hai tay nhưng anh đã kiên trì đeo đuổi con đường học vấn với kết quả đã đậu cùng lúc ba trường đại học năm 2011.

Nhiều bạn nhỏ dừng lại thật lâu trước bức ảnh cô gái cụt hai chân và một tay viết thư gởi Tổng thống Mỹ Barack Obama, kêu gọi Chính phủ Mỹ thể hiện trách nhiệm với các nạn nhân da cam Việt Nam.

Không khí sôi động hẳn lên khi một cựu binh và các cháu thiếu nhi cùng ca bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Có mặt lúc ấy, ông Tamaka Takashi, Chủ tịch Hội Hữu nghị Okinawa - Việt Nam và các thành viên người Nhật đã khiến mọi người không khỏi bất ngờ khi vừa vỗ tay vừa cùng hát bằng tiếng Việt “Việt Nam Hồ Chí Minh, Việt Nam Hồ Chí Minh”…

Bài học ngoài nhà trường

“Chúng tôi nghĩ rằng những người lớn tuổi có trách nhiệm phải truyền lại những câu chuyện cảm động trong chiến tranh cho con cháu mình. Qua đó, các bạn trẻ hiểu được những gian khổ, mất mát trong chiến tranh, đồng thời cũng nhắc nhở các em hãy luôn cố gắng học tập tốt, xây dựng đất nước và cùng chung tay bảo vệ hòa bình. Sự cảm nhận và những ánh mắt trẻ thơ đã nói lên tất cả tiếng nói yêu chuộng hòa bình trên thế giới”, ông Tamaka Takashi phát biểu.

Thay lời chia sẻ, ông Mai Thanh Sơn vừa đệm đàn vừa hát cùng hai cháu song sinh Mai Quốc Khánh, Mai Quốc Nam (9 tuổi) bài hát nổi tiếng Má Sáu. Thời kháng chiến chống Pháp, nhờ giọng ca trầm hùng, hào sảng và tài đánh đàn guitar điêu luyện, ông Ba Sơn được điều động về tổ văn nghệ của Tiểu đoàn 307 lừng danh. Năm 1954, ông ra Bắc trong Đoàn Văn công Sư đoàn 330, 338.

Từ đó, tiếng đàn và giọng ca đã theo ông đi đến khắp các chiến trường trong cả nước, từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng sông nước miền Tây, dải đất miền Trung đến núi rừng Tây Nguyên, ngày đêm phục vụ người dân vùng giải phóng, kịp thời khích lệ tinh thần bộ đội, chiến sĩ hăng say chiến đấu. Ánh mắt của người cựu chiến binh rạng ngời niềm hạnh phúc khi những tràng pháo tay cổ vũ cứ vang lên không dứt…

Cháu Mai Quốc Khánh thổ lộ: “Nghe những câu chuyện thời đánh giặc gian khổ của ông bà, tụi con biết thêm rất nhiều. Tụi con tự hào về ông bà lắm!”. Bạn Lê Hải Ly, học sinh lớp 12A11 Trường THPT Trưng Vương, tỏ bày ý kiến: “Được xem những hình ảnh sống động, được nghe những câu chuyện thật xúc động từ các ông bà, em cảm thấy rất tự hào về truyền thống anh hùng, kiên cường bất khuất của dân tộc. Càng thêm biết ơn các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, em tự hứa càng phải nỗ lực học tập, góp phần xây dựng đất nước phát triển, giàu mạnh”.

Tiếp theo chương trình “Hành trình đến với bảo tàng” do Thành đoàn và ngành văn hóa tổ chức những năm trước đây mang lại kết quả khả quan, thì nay chương trình “Ông bà cháu cùng đến bảo tàng” bước đầu mở ra một mô hình giáo dục truyền thống sinh động cho lớp trẻ, góp phần cổ vũ nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước.

M.An – K.Linh

Tin cùng chuyên mục