Với hàng loạt xuất bản phẩm sai phạm bị phát hiện và xử phạt nặng, thậm chí lần đầu tiên một nhà xuất bản (NXB) chịu mức xử phạt hành chính kỷ lục lên tới gần 1 tỷ đồng, song ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành lại cho đó là tín hiệu vui bởi xã hội chưa quay lưng với ngành xuất bản.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Chu Văn Hòa khẳng định, năm 2015 sẽ có một sự thay đổi cơ bản về xuất bản.
Sách không chỉ là có giá trị hàng hóa mà còn là một món ăn tinh thần hữu ích. Ảnh: T.V.
- Phóng viên: Theo ông, điều gì dẫn đến việc các NXB liên tiếp sai phạm trong thời gian qua?
>> Ông CHU VĂN HÒA: Có 2 nguyên nhân: Do NXB gặp khó khăn trong kinh tế và do cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý. Thực tế, nhiều NXB đang ở trong tình trạng sống dở, chết dở bởi được sinh ra mà không được nuôi dưỡng. Mỗi cuốn sách, ngoài giá trị hàng hóa còn mang giá trị văn hóa; ngoài giá trị vật chất còn có giá trị bảo tồn văn hóa, truyền dạy tri thức, vì vậy phần giá trị bảo tồn này nên được bù lỗ. Tuy nhiên, điều đáng buồn là hiện nay nhiều NXB vẫn phải thuê đất giống như hàng quán. Một số NXB không có tiền trả lương nên phải làm liều. Nếu cơ quan chủ quản không thể hiện hết vai trò trách nhiệm đối với một NXB được thành lập, nghĩa là đem đến xã hội những người làm công tác xuất bản làm việc với mọi giá. Lỗi ấy một phần do cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, chỉ đạo với các NXB, họ không thể không nhìn nhận trách nhiệm của mình.
- Với cương vị của người được giao trọng trách quản lý việc xuất bản, cục có giải pháp giải quyết sự việc này?
Vừa qua, cục đã tham mưu Bộ Thông tin - Truyền thông đề xuất Chính phủ và Quốc hội thông qua một số vấn đề nhằm kiện toàn lại các NXB. Cụ thể như, quy định mỗi tỉnh có không quá một NXB, trừ Hà Nội và TPHCM. Các NXB tự điều tiết hoạt động theo cơ chế thị trường, mỗi NXB chỉ bảo đảm một nhiệm vụ cụ thể. Với các đơn vị chỉ thành lập NXB rồi hoạt động chủ yếu bằng cách liên kết bán giấy phép hoặc không đủ điều kiện sẽ phải đóng cửa. Sắp tới, cục cũng sẽ xác định lại chức năng, nhiệm vụ của các NXB trước khi tiến hành đổi giấy phép theo luật mới; xem xét lại điều kiện, tiêu chuẩn các NXB về mặt bằng, cơ sở vật chất, vốn, đội ngũ biên tập viên, việc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ.
- Có ý kiến cho rằng sở dĩ các NXB vẫn vi phạm phải chăng là do mức xử phạt thấp hơn so với thu nhập mà họ có được từ vi phạm?
Trong quá trình xây dựng luật, cục đã tham mưu về Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, do không có sự thống nhất của các cấp, các ngành nên khi được đưa vào luật không phù hợp thực tế, mức xử phạt hành chính không đủ sức răn đe. Tôi nghĩ, việc bổ sung luật xử phạt vi phạm hành chính là việc làm cấp thiết.
- Theo ông, có nên đưa ra các hình thức phạt bổ sung khác để tăng tính răn đe?
Trước đây, khi xây dựng luật, chúng tôi cũng đã tính đến việc đưa vào các chi tiết như một NXB hoặc một đối tác liên kết liên tục có ba đầu sách vi phạm thì cơ quản quản lý nhà nước có thể cho dừng hoạt động xuất bản, hoặc như biên tập viên sai phạm quá ba lỗi trong một năm thì có quyền rút thẻ của biên tập viên ấy. Tuy nhiên, thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng nếu áp đúng như vậy thì làm khó người làm nghề nên bỏ.
- Khi biên tập viên sai phạm, có thể áp dụng xử phạt hành chính đối với họ?
Phải thừa nhận rằng tại thời điểm này, chất lượng biên tập viên quá kém. Tôi còn nhớ thời kỳ hoàng kim của ngành xuất bản, nếu một người được là biên tập viên trong một NXB nào đó thì đều cảm thấy hãnh diện. Bởi để được ngồi ở vị trí đó, phải là người túc nho, cao niên, sở hữu một kho kiến thức mới được phép sửa chữ nghĩa cho thiên hạ. Những người được đề tên biên tập trong danh mục cuốn sách đều cảm thấy được trân trọng. Nhưng kể từ khi NXB không còn bao cấp, bị bỏ rơi, cơ quan chủ quản coi thường. Lợi nhuận từ cuốn sách với cơ chế hiện tại đã không còn được chia đều cho người biên tập, nên họ đã phải đi “bán chữ” ở chỗ khác và như vậy nhiều NXB chỉ còn lại những biên tập viên rất trẻ chưa có kinh nghiệm và kiến thức. Tuy nhiên, không thể áp dụng xử phạt hành chính bởi chủ yếu các NXB hiện nay đang chịu sự quản lý của nhà nước, nên tất cả các biên tập viên đều có trách nhiệm dưới sự quản lý, xử phạt theo luật của công chức.
- Liên kết xuất bản tạo ra động lực phát triển cho xuất bản nhưng đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều sai phạm trong lĩnh vực này. Cục sẽ có những biện pháp mạnh tay như thế nào?
Tôi cho rằng liên kết xuất bản là tốt và tạo cơ hội để xã hội hóa nhằm tạo sự đa dạng cho ngành xuất bản. Cũng chính vì vậy nên đây là thời điểm đặt ra những thách thức và cũng là thời cơ của ngành xuất bản, không có đất cho kiểu làm ăn chụp giật. Lâu nay một số NXB núp dưới bóng “liên kết” nhưng thực ra là bán giấy phép lấy tiền và không thèm nhìn mặt “con” mình đẻ thuê, cho nên có nhiều ông giám đốc NXB khi bị phát hiện sai phạm mới tá hỏa hỏi: “Có phải sách của “nhà” tôi không?”, bởi vì trước đó họ không coi sóc kỹ.
Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, trách nhiệm phát triển ngành xuất bản và quản lý xuất bản không phải duy nhất một cơ quan là Bộ Thông tin - Truyền thông mà đó chỉ là cơ quan trực tiếp tham mưu và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc này… Theo tôi, cần sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và hệ thống ngành dọc bao gồm công an, hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành liên quan phải phối hợp với nhau, các địa phương thì phải quản lý trên địa bàn. Đặc biệt, các cơ quan chủ quản là nơi được nhà nước cho phép thành lập các NXB.
MAI AN (thực hiện)