Ông Đinh La Thăng: Ngân hàng yếu kém khi tăng vốn sẽ có hiệu quả!?

"OceanBank có quy mô vốn thấp, vì vậy chỉ tăng vốn thì PVN mới có điều kiện tham gia. Khi vốn điều lệ tăng lên thì khả năng huy động vốn tăng lên và tính thanh khoản cũng tăng lên...", ông Đinh La Thăng biện minh. 

Chiều 19-3, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) cùng 6 đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tiếp tục thẩm vấn các bị cáo xung quanh việc PVN góp 800 tỷ vốn đầu tư vào Ngân hàng OceanBank.

Trước tòa, bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận đã tham gia ký thỏa thuận góp vốn vào OceanBank. “Bị cáo thống nhất chủ trương PVN mua cổ phần OceanBank xuất phát từ lý do PVN không được thành lập ngân hàng Hồng Việt, để giải quyết hậu quả, OceanBank tiếp nhận toàn bộ bộ máy, con người, vật chất của Ban trù bị. Hai bên phối hợp báo cáo các cơ quan thẩm quyền hoàn thành thỏa thuận. Theo thỏa thuận số 6934 ngày 18-9-2008, PVN góp vốn tối đa 20% vốn điều lệ của OceanBank. Thỏa thuận được ký trên tờ trình của Tổng giám đốc và báo cáo trực tiếp của Nguyễn Xuân Sơn...”- ông Thăng trình bày.

Ông Đinh La Thăng: Ngân hàng yếu kém khi tăng vốn sẽ có hiệu quả!? ảnh 1 Bị cáo Đinh La Thăng trả lời thẩm vấn tại phiên tòa

Cựu chủ tịch HĐTV PVN cũng cho rằng, biên bản ký với OceanBank chỉ có hiệu lực khi HĐQT thông qua, nếu không thì biên bản không có giá trị và trước khi ký với OceanBank, PVN đã khảo sát một số ngân hàng khác. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Sự (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) đã có báo cáo OceanBank là ngân hàng yếu kém, tính thanh khoản thấp. "OceanBank có quy mô vốn thấp, vì vậy chỉ tăng vốn thì PVN mới có điều kiện tham gia. Khi vốn điều lệ tăng lên thì khả năng huy động vốn tăng lên và tính thanh khoản cũng tăng lên..."- ông Thăng lý giải.

Về những lần PVN góp vốn vào OceanBank, ông Thăng khai nhận trước đó đã ký văn bản báo cáo xin Thủ tướng phê duyệt và đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét ủng hộ. Bởi việc đầu tư này là đầu tư ra ngoài ngành của công ty mẹ, theo quy định của pháp luật cần phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. "Khi PVN ban hành Nghị quyết 7289, cũng như các văn bản khác, bị cáo đã tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Thực tế sau khi Thủ tướng đồng ý vào tháng 10-2008 thì cuối tháng 12-2008, PVN chính thức góp vốn vào OceanBank. Việc góp vốn này thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ. Không có quy định nào của pháp luật là ký Nghị quyết trước khi trình Thủ tướng Chính phủ và thực tế PVN đã thực hiện đúng quy định này..."- ông Thăng biện minh.

Ngay sau phần trình bày này, Chủ tọa đã đặt câu hỏi vì sao biết OceanBank yếu kém nhưng vẫn chỉ đạo góp vốn vào ngân hàng này?

Ông Đinh La Thăng trình bày: OceanBank có thanh khoản kém, quy mô hoạt động nhỏ vì vốn ít, còn khi tăng vốn lên thì thanh khoản sẽ tăng và hiệu quả cũng tăng lên. Hơn nữa, đây là ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán nên có rất nhiều cách để đánh giá vì có các báo cáo công khai. Đây là ngân hàng có chất lượng tín dụng trung bình khá. PVN góp vốn là do Chính phủ chủ trương kiềm chế lạm phát nên PVN gương mẫu thành lập ngân hàng để giải quyết hậu quả.

Theo cáo trạng, hậu quả từ hành vi vi phạm của ông Thăng và đồng phạm đã thực hiện dẫn tới việc toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng của PVN góp vốn bị mất hoàn toàn khi OceanBank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua lại Oceanbank với giá 0 đồng. Cáo trạng cũng chỉ rõ, ông Đinh La Thăng là người quyết định chủ trương, chỉ đạo việc thực hiện góp vốn và với tư cách người đứng đầu PVN có trách nhiệm bảo toàn vốn của PVN nên ông Thăng phải chịu trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng PVN góp vốn vào OceanBank.

Tin cùng chuyên mục