° Doanh thu năm 2012 đạt 8.500 tỷ đồng đạt 130% so với kế hoạch đề ra
° Hơn 100 tỷ đồng thưởng Tết Quý tỵ cho toàn bộ CB-CNV
Năm 2012 đã khép lại với nhiều sóng gió cho ngành cá tra Việt Nam, cũng là năm “hạn” của một số doanh nghiệp lớn trong ngành khi lần lượt phá sản. Thiếu vốn sản xuất là khó khăn lớn nhất, kế đến chi phí đầu vào sản xuất tăng cao, nhu cầu thị trường sụt giảm…cũng đã làm cho nhiều doanh nghiệp lẫn nông dân nuôi trồng lâm vào cảnh “sống dở chết dở”. Tuy nhiên, càng gặp khó khăn, thách thức, sóng dữ thì Công ty Cổ phần Hùng Vương (MCK: HVG) lại càng chứng tỏ sức mạnh và bản lĩnh của một doanh nghiệp đầu đàn có bề dày về truyền thống lẫn kinh nghiệm về nuôi trồng, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu cá tra để vững chắc trụ vững và gặt hái những thành quả đáng khích lệ trong bối cảnh chung toàn ngành hiện nay. Xung quanh việc này, ông Dương Ngọc Minh-Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Cổ phần Hùng Vương đã có buổi trao đổi cởi mở, thẳng thắn với chúng tôi về thực trạng cũng như hướng phát triển của con cá tra trong năm 2013.
“Năm 2012 là một năm đầy khó khăn với hầu hết các doanh nghiệp SX-KD thủy sản. Điều này đã được Hùng Vương dự báo ngay từ đầu năm 2012 trong cuộc họp Hội nghị VASEP (Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam) tại TPHCM do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông Thôn Việt Nam Cao Đức Phát chủ trì. Chính từ những nhận định đó mà Hùng Vương đã chuẩn bị đón nhận khó khăn này ngay từ quý 3-2011. Bắt đầu từ quý 4-2011, HĐQT, Ban TGĐ Hùng Vương đã ra nghị quyết và phổ biến xuống toàn thể các công ty trực thuộc trong hệ thống về việc tăng thu, giảm chi, giải quyết tồn kho, hạn chế vay, sử dụng nguồn lực nội tại để SX-KD… Bước vào năm 2012 khi gặp phải khó khăn thì các công ty trực thuộc Hùng Vương đã phần nào hạn chế bị lôi cuốn vào vòng xoáy bất ổn trong ngành và chủ động trong vấn đề về vốn, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu với một chu trình khép kín đã xây dựng trong những năm qua… Vì vậy kết quả kinh doanh của Hùng Vương trong năm 2012 có thể nói là đáng khích lệ….” –Ông Minh cho biết.
° Ông có thể nói rõ hơn về thành quả khích lệ này?
- Trong bối cảnh khó khăn chung, cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn kéo dài trên toàn cầu, đặc biệt là châu Âu (thị trường XK chính của cá tra Việt Nam) cùng với việc thắt chặt tín dụng của ngân hàng đối với doanh nghiệp thủy sản và biến động liên tục của ngành… thì kết quả kinh doanh về mặt doanh thu của Hùng Vương trong năm 2012 đạt 8.500 tỷ đồng (130% so với kế hoạch đề ra), lợi nhuận hơn 350 tỷ đồng. Tuy lợi nhuận không như mong muốn do chi phí đầu vào tăng, lãi vay cao, chi phí vận tải tăng đột biến và phải tăng lương để giữ chân lao động lành nghề... nhưng chúng tôi cho đây là kết quả từ những nỗ lực của tập thể CB-CNV toàn công ty. Đây cũng là nền móng vững chắc để Hùng Vương tiếp tục vượt “khó” trong năm 2013 và phát triển - xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cổ đông, nhà đầu tư.
° Như vậy, theo ông thì năm 2013, con cá tra có tiếp tục gặp “khó”?
- Đúng vậy, năm 2013 ngành thủy sản Việt Nam nói chung và con cá tra nói riêng sẽ tiếp tục rơi vào cuộc khủng hoảng mới. Điều này cũng đã có dự báo từ tháng 8-2012 và hiện nay đang dần rõ nét. Cái khó khăn năm trong 2012 tiếp tục kéo theo cho đến năm 2013 đưa đến việc thiếu vốn, người nuôi lỗ, nhà máy không khả năng tiếp tục đầu tư cũng như có tiền để thu mua nguyên liệu sản xuất…Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành sử dụng vốn vay ngắn hạn sang đầu tư trung và dài hạn, vì vậy họ đang bị “mắc cạn” đồng vốn. Còn ngân hàng thì vẫn rất e ngại trong cấp vốn đầu tư cho ngành chế biến ca tra. Theo đánh giá của Hùng Vương thì nguyên liệu cho ngành cá tra sẽ thiếu hụt do con giống của vụ 1 năm 2012 vẫn còn tồn đọng nhiều, nông dân bỏ trống ao trên 30% (đầu tư cho vụ mới năm 2012 thì năm 2013 mới thu hoạch-PV), dẫn đến cá nguyên liệu chỉ để phục vụ cho XK đến hết tháng 6-2013. Từ quý 3-2013 sẽ xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho đến cuối năm và năm 2013, kỳ vọng XK cá tra đạt 1,5 tỷ USD.
° Vậy với vai trò là Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt (VASEP), ông thấy cần phải làm gì để vượt “khó” và cụ thể là Hùng Vương?
Năm 2013 khi Hội cá tra đồng bằng Sông Cửu Long ra đời, các tỉnh nên ngồi lại với nhau để bàn về chiến lược trong việc quy hoạch để đảm bảo cho vấn đề tiêu thụ. Có quy hoạch về sản lượng, tiêu chí sản xuất cá tra, tiêu chí nuôi trồng… sẽ quản lý được đầu vào cũng như đầu ra cho con cá được xem là “độc quyền” của Việt Nam trên thị trường thế giới. Có như vậy người nông dân nuôi trồng, doanh nghiệp SX-KD-XK cá tra mới sống được và phát triển bền vững. Thêm vào đó VASEP cũng sẽ tiếp tục kiến nghị với Chính phủ về quy định ngành sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cá tra là ngành nghề đặc thù và có điều kiện. Vì thực tế đây là mặt hàng đóng góp kim ngạch xuất khẩu trên 1,7 tỷ USD/năm trong khi diện tích mặt nước chỉ sử dụng khoảng 6.000ha và thu hút trên 100.000 ngàn lao động.
Riêng Hùng Vương, ngay từ quý 4/2012 chúng tôi đã có sự chuẩn bị cho việc sản xuất cho cả năm 2013 đối với các nhà máy với sản lượng 200 ngàn tấn. Đảm bảo công ăn việc làm cho hơn 12 ngàn công nhân và đó cũng cũng là cơ hội cho Hùng Vương khi cung không đủ cầu.
° Ông có thể chia sẽ về thu nhập và khoản tiền thưởng Tết sắp đến của CB-CNV Hùng Vương cũng như các hoạt động từ thiện-xã hội của công ty?
Mặc dù tình hình doanh nghiệp thủy sản đều gặp khó khăn, không riêng gì Hùng Vương, nhưng do có dự báo tốt về mọi mặt nên Hùng Vương vẫn đảm bảo cho đời sống CB-CNV, bình quân lương trên 5 triệu /tháng. Với tình hình năm nay lợi nhuận chưa đạt như kỳ vọng, nhưng HĐQT, Ban lãnh đạo Hùng Vương vẫn quyết định dành hơn 100 tỷ đồng để khen thưởng cho CB-CNV có quá trình công tác từ 1 năm trở lên với mức thưởng thấp nhất là 5 triệu đồng. Ngoài ra Hùng Vương cũng “dành riêng” một khoản là 2 tỷ đồng để công tác từ thiện xã hội mỗi dịp xuân về. Đây cũng là việc làm “Uống nước nhớ nguồn” mà công ty Hùng Vương thực hiện suốt 10 năm qua kể từ ngày thành lập công ty năm 2003.
Bài, ảnh: HỒNG MINH