Ông Dương Ngọc Minh – Phó Chủ tịch VASEP: “Cần tái cơ cấu các doanh nghiệp thủy sản thua lỗ”

Ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam đang đứng trước khó khăn về tài chính và thiếu hụt nguyên liệu. Ở vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt Việt Nam, ông Dương Ngọc Minh đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm tạo sự phát triển ổn định cho ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam trong thời gian tới, nhất là 6 tháng cuối năm 2012.
Ông Dương Ngọc Minh – Phó Chủ tịch VASEP: “Cần tái cơ cấu các doanh nghiệp thủy sản thua lỗ”

Ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam đang đứng trước khó khăn về tài chính và thiếu hụt nguyên liệu. Ở vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt Việt Nam, ông Dương Ngọc Minh đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm tạo sự phát triển ổn định cho ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam trong thời gian tới, nhất là 6 tháng cuối năm 2012.

Lúc này là lúc cần phải tái cơ cấu mạnh mẽ các doanh nghiệp thủy sản thua lỗ thì ngành công nghiệp cá tra mới hy vọng đạt được doanh số XK 2 tỷ USD trong năm 2012. Trong ảnh: thu hoạch cá tra tại Bến Tre

Lúc này là lúc cần phải tái cơ cấu mạnh mẽ các doanh nghiệp thủy sản thua lỗ thì ngành công nghiệp cá tra mới hy vọng đạt được doanh số XK 2 tỷ USD trong năm 2012. Trong ảnh: thu hoạch cá tra tại Bến Tre

° Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 5 tháng đầu năm tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận lại sụt giảm. Theo ông đâu là nguyên nhân chính của tình trạng bất cập này?

- Ông Dương Ngọc Minh: 5 tháng đầu năm 2012, ngành xuất khẩu (XK) thủy sản VN đạt trên 2,5 tỷ USD (tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó cá tra đạt gần 700 triệu USD, tăng 11% so với 2011. Giá XK cá tra vẫn giữ vững, tuy nhiên giá  tôm XK lại giảm. Nhìn chung thị trường và sức mua cá tra vẫn phát triển dù khủng hoảng kinh tế vẫn ảnh hưởng đến khu vực châu Âu. Tuy vậy, các thị trường khác như Mỹ, Brazil, Mexico lại tăng trưởng mạnh với mức 30% so với cùng kỳ. Mặc dù có tăng trưởng nhưng XK thủy sản trong tương lai gặp nhiều khó khăn và chưa ổn định. Nguyên nhân chính do vốn đầu tư cho vùng nguyên liệu bị thiếu hụt nghiêm trọng. Chi phí đầu tư về thức ăn, con giống năm 2012 nói chung cao hơn 2011 (ngành chế biến tôm cao hơn 10%, cá giảm 3%). Song song đó, nhiều DN Thủy sản bị ảnh hưởng do chính sách thắt chặt tín dụng khi mà  90% DN sử dụng vốn cố định và lưu động từ nguồn vốn vay ngân hàng. Còn nông dân cũng lệ thuộc vào vốn NH và vốn tín dụng bên ngoài. Chính vì vậy, chính sách thắt chặt tài chính - tín dụng của NH gây ảnh hưởng dây chuyền đến các khâu chế biến thức ăn và xuất khẩu. Trong đó việc tiếp cận vốn vay của người nông dân trong nuôi trồng vẫn còn chịu lãi suất cao.

° Với vai trò Phó Chủ tịch VASEP, ông đánh giá tình hình hoạt động của các DN thủy sản Việt Nam hiện nay ra sao?

- Vừa rồi Ban Chấp hành VASEP có họp đánh giá hoạt động xuất khẩu thủy sản thời gian tới theo thực tế tại từng DN và sẽ có buổi tổng kết vào trung tuần tháng này. Nếu phân DN thủy sản thành 3 nhóm A, B và C thì những DN chế biến thủy sản có đầu tư khép kín cho đến thời điểm này vẫn phát triển bền vững và tạo ra lợi nhuận tốt thuộc nhóm A. Nhóm B là các DN làm đúng ngành nghề, đầu tư đúng nhưng sử dụng vốn vay đầu tư dài hạn của NH sang đầu tư  ngắn hạn hiện đang gặp khó khăn về vốn lưu động và Nhóm C là các DN đầu tư sai mục đích, không dùng vốn vay để đầu tư cho nuôi trồng chế biến thủy sản mà đi đầu tư sang các lĩnh vực khác như dịch vụ, địa ốc… và hiện đang khủng hoảng về tài chính. Những doanh nghiệp này cần phải ngay lập tức tái cơ cấu.

° Thưa ông, nhiều dự đoán cho rằng, nếu không kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản bằng các chính sách tài chính, trong năm nay, sẽ có 20% doanh nghiệp thủy sản bị phá sản?

- Theo tôi trách nhiệm này cần có sự góp sức của ngân hàng. Ngành ngân hàng cần có sự rà soát lại việc cấp vốn đầu tư cho DN trong thời gian qua để từ đó cùng ngành XK thủy sản cơ cấu lại để ngành hoạt động tốt hơn. Trên cơ sở rà soát, những DN đầu tư đúng hướng, phát triển ổn định NH cũng mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vốn. Những DN làm đúng hướng nhưng sử dụng đồng vốn dài hạn cho các hoạt động ngắn hạn NH cần có sự hỗ trợ để tái cơ cấu vốn. Những DN đầu tư sai mục đích, đã thua lỗ rồi nên cho phá sản để các DN lớn mua lại để hoạt động sản xuất được tiếp tục. Trường hợp này NH nên chấp nhận lỗ, mua lại khoản nợ trước đây để bán lại cho các DN phát triển bền vững. Như vậy bù lại NH vẫn còn khả năng thu hồi nợ.

Hiện tại càng nhiều DN thua lỗ tham gia vào ngành xuất khẩu thủy sản tạo nên tình trạng mất ổn định ngày một nghiêm trọng. Các DN thua lỗ thường chiếm dụng vốn của nông dân cùng sự tiếp tay của các công ty thương mại làm cho tình trạng chất lượng sản phẩm và giá XK thấp gây ảnh hưởng thị trường XK chung. Nếu không mạnh dạn tái cơ cấu ngay từ bây giờ thì những tháng tiếp theo của năm 2012 tình trạng thiếu nguyên liệu chắc chắn xảy ra do ngân hàng không còn mặn mà đầu tư vốn cho ngành SX và chế biến cá tra. Rủi ro về mặt giá cả, khả năng chậm thanh toán khiến nông dân không còn thấy sự hấp dẫn khi nuôi cá. Từ đó tạo ra giá đầu vào, đầu ra không đúng thực tế, tạo cơ hội cho các DN chiếm dụng vốn lẫn nhau, như thế sẽ xảy ra tình trạng không kiểm soát được thị trường.

° VASEP có biện pháp cụ thể nào để cứu ngành cá tra Việt Nam không, thưa ông?

- Vừa qua VASEP cũng có đề nghị ngành Ngân hàng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng cho ngành chế biến cá tra từ nay đến cuối năm 2012 với lãi suất ưu đãi 10%/năm nhằm góp phần đảm bảo công suất khai thác 1,2  đến 1,3 triệu tấn cá tra trong năm 2012, trong đó có nguồn vốn cho vấn đề sản xuất – nuôi trồng – xuất khẩu. Mục đích của gói hỗ trợ này là đưa tận tay nguồn tiền đến người nông dân. Doanh nghiệp sẽ thu mua và thanh toán trực tiếp với người nông dân. Cụ thể nông dân sẽ được thanh toán tiền ngay khi bán cá để tái tạo vốn. Tiếp nữa là hỗ trợ nuôi trồng trong thời gian ngắn hạn. Nếu các hộ nông dân đã có cá trong ao với trọng lượng từ 400 gram trở lên sẽ được hỗ trợ vốn đầu tư về thức ăn. Sự hỗ trợ này nhằm  góp phần đảm bảo sự ổn định cho nguồn nguyên liệu chế biến – xuất khẩu.  Về lâu dài, cần có sự phân loại DN. Nếu DN có sự đầu tư đúng nhưng khó khăn về vốn cần tiếp tục hỗ trợ vốn sản xuất. Còn đối với những DN yếu kém, đầu tư sai mục đích thì cần nên mạnh dạn tái cơ cấu vì càng kéo dài thời gian thì khả năng ngân hàng mất luôn vốn đầu tư càng cao… gây ảnh hưởng đến vị thế, uy tín và giá thành XK của ngành thủy sản Việt Nam  nói chung và con cá tra nói riêng. 

HỒNG MINH thực hiện

Tin cùng chuyên mục