Ông Lê Tôn Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM: Đa dạng hóa các hoạt động bảo tàng

  Bảo tàng là nơi tập trung nhiều hiện vật, hình ảnh, tư liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử đất nước. Thế nhưng, hiện nay các bảo tàng ở TPHCM nói riêng và bảo tàng cả nước nói chung vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của du khách. Số bảo tàng thực sự có sức hút chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ðây là bài toán nan giải với các nhà quản lý. Ðể lý giải những hạn chế này, SGGP thứ bảy đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tôn Thanh (ảnh), Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM.
Ông Lê Tôn Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM: Đa dạng hóa các hoạt động bảo tàng
Ông Lê Tôn Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM: Đa dạng hóa các hoạt động bảo tàng ảnh 1

Bảo tàng là nơi tập trung nhiều hiện vật, hình ảnh, tư liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử đất nước. Thế nhưng, hiện nay các bảo tàng ở TPHCM nói riêng và bảo tàng cả nước nói chung vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của du khách. Số bảo tàng thực sự có sức hút chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ðây là bài toán nan giải với các nhà quản lý. Ðể lý giải những hạn chế này, SGGP thứ bảy đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tôn Thanh (ảnh), Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM.

- Thưa ông, số lượng khách ghé thăm bảo tàng tại Việt Nam năm nay so với các năm có gì thay đổi?

- Với 156 di tích trên cả nước, địa đạo Củ Chi, Hội trường Thống Nhất, các bảo tàng nói chung… hiện lượng khách đến với bảo tàng hàng năm khá lớn. Cụ thể, Bảo tàng TPHCM tiếp đón gần 3 triệu khách tham quan hàng năm, trong đó 800.000 người nước ngoài, chỉ xê dịch với mọi năm là tăng hoặc giảm trong khoảng 10%. Tất nhiên, đó chưa gọi là đạt được theo mong muốn của mình.

Hiện nay, một số bảo tàng nước ta vẫn đang phát triển và có một lượng khách khá lớn như Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh nằm trong Top 10 điểm đến yêu thích nhất. Nhìn chung, hiện nay các bảo tàng khá phong phú, vẫn có sức thu hút. Bên cạnh đó, việc xây dựng bảo tàng hoàn thiện hơn vẫn chưa làm được vì hiện tại hầu hết đều tận dụng các công trình, kiến trúc cũ để làm bảo tàng và chưa đủ không gian để phát triển lớn mạnh hơn.

- Một số khách cho rằng các bảo tàng Việt Nam chưa thực sự thu hút để họ có thể ghé thăm lần nữa. Ông nghĩ sao về ý kiến đó?

- Chúng ta có thể hiểu một số bảo tàng thu hút một lượng khách đặc thù như Bảo tàng Hồ Chí Minh thì chủ yếu là vào mùa lễ hội, đoàn viên thanh niên tổ chức mới có nhiều người đến tham gia. Còn ngày thường, khách lẻ thường xuyên hầu như rất ít. Hiện nay, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM đã đưa ra phương án xây dựng bảo tàng ở Thủ Thiêm để có không gian rộng hơn, từ đó phục vụ thêm nhiều nhu cầu cần thiết cho khách tham quan. Nhiều người nghĩ đơn giản, mở bảo tàng chỉ cần 1-2ha đất là được thì chưa đúng. Vì trong đó, cần có không gian trưng bày ngoài trời gồm nhiều hiện vật khác nhau, phải đa dạng, nhiều chủng loại, không để trong nhà được. Tiếp đến là không gian trưng bày phần cứng của bảo tàng, nghĩa là khi vào bảo tàng đó, những giá trị văn hóa, lịch sử sẽ đến được và giới thiệu, cuối cùng là không gian trưng bày chuyên đề.

Gian hàng bán quà lưu niệm tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam

- Thưa ông, hiện nay một số bảo tàng phải mở thêm những dịch vụ như tổ chức tiệc cưới, cho thuê chụp ảnh cưới, mở quán cà phê… ngay trong khuôn viên. Điều đó có phải trái chức năng chính của bảo tàng?

- Nhiều ý kiến cho rằng bảo tàng không nên làm thêm các dịch vụ như trên. Tuy nhiên, theo Thông tư 18 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, văn bản của UBND TPHCM cho phép các bảo tàng mở các dịch vụ bổ trợ nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho khách đến bảo tàng tham quan. Có thể thay đổi trong cách bài trí, chia ra khu vực rõ ràng… Nhưng chúng ta cần phải xem xét kỹ hàm lượng văn hóa trong những dịch vụ đó được truyền tải, tổ chức ra sao? Nếu các dịch vụ đó mang hình thức giá trị văn hóa đúng mực thì đáng khuyến khích, bởi nó không chỉ gắn kết con người với lịch sử mà còn tạo thêm không gian để chúng ta chia sẻ niềm vui với gia đình, bạn bè, ngoài ra còn tạo điều kiện mang mọi người đến với bảo tàng hơn, giúp khách tham quan từ tự phát thành tự giác, và có tình cảm gần gũi với bảo tàng.

Qua đây, các dịch vụ bảo trợ cần phải có sự chọn lọc, sản phẩm dịch vụ phải chứa đựng một hàm lượng văn hóa cao hơn những nơi khác và hướng đến việc hỗ trợ bảo tàng phát triển và tồn tại. Tại các bảo tàng Việt Nam, vé vào cổng 2.000 đồng/người, cao nhất 16.000 đồng/người, đa số là miễn phí. Như vậy, kinh phí từ đâu ra để có thể trùng tu và tồn tại? Nhà nước cũng còn nhiều khó khăn. Trong khi nhu cầu ngày càng tăng, yêu cầu của mỗi bảo tàng ngày càng cao, lương nhân viên thấp… nhưng vẫn muốn các bảo tàng làm tốt hơn, đến mức không nên cần kinh phí hỗ trợ từ nhà nước, nhằm kích các bảo tàng phải chịu khó để bán sản phẩm. Vì thế, chúng ta đừng nên vội lên án hay đánh giá quá khắt khe việc này.

Một góc không gian trưng bày tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM

- Thưa ông, trường hợp giáo viên tự tổ chức cho học sinh tham quan bảo tàng để học hỏi, biết thêm về lịch sử, một hoạt động ý nghĩa như vậy mà phía bảo tàng vẫn thu phí và không có chính sách giúp đỡ. Ông có ý kiến gì về việc này?

- Theo nguyên tắc là phải thu phí, tuy nhiên ban giám đốc các bảo tàng sẽ sẵn sàng giúp đỡ khi có yêu cầu hoặc nhận được giấy tờ từ phía người cần hỗ trợ. Hiện nay đã có chỉ đạo là các đơn vị không nên tổ chức đi tự phát mà không đăng ký trước. Theo tôi, bất cứ một đoàn thể, tổ chức nào nếu có nhu cầu tham quan, học hỏi, chỉ cần viết đơn hay gửi công văn lên ban giám đốc đều được giải quyết, hỗ trợ và tạo điều kiện cho mọi người đến tham quan tốt nhất. Do một số đơn vị có thể chưa biết cách thức hoặc nhân viên bảo tàng chưa nắm được hết những quy định chung đó nên mới xảy ra những việc như vậy.

Học sinh trường tiểu học Việt - Úc chăm chú ghi lại chú thích của từng hiện vật

- Khó khăn hiện nay của các bảo tàng ở nước ta là gì?

- Điều chúng tôi lo lắng nhất là đội ngũ thuyết minh của bảo tàng. Bởi khi người thuyết minh nói không đúng, không đầy đủ là làm lệch thông tin, không đúng bản chất sự việc. Vì bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ lịch sử mà còn là nơi giao thoa văn hóa giữa các nước, nên việc sử dụng người và ngôn ngữ thuyết minh là vô cùng quan trọng. Những đoàn du khách nước ngoài có hướng dẫn viên trực tiếp, chúng ta vẫn chưa kiểm duyệt được hết tất cả, vì lực lượng hướng dẫn viên rất đông, nhưng tính chất chuyên nghiệp chưa cao, việc thuyết trình hướng dẫn tại bảo tàng chưa được đào tạo đầy đủ.

Chúng tôi mong từng bước nâng cao trình độ quản lý, trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất và có thể áp dụng cách thức trưng bày tiên tiến. Ngoài ra, chúng tôi đang lên kế hoạch cho những sản phẩm tặng kèm để khách tham quan có thể nhớ đến bảo tàng. Trong tương lai, chúng tôi dự định mở thêm 2 bảo tàng ở quận 9 và Thủ Thiêm.

Nhà hàng tiệc cưới trong... bảo tàng

NHÓM PHÓNG VIÊN

>> Dịch vụ bổ trợ bảo tàng - Loay hoay đến bao giờ?

>> Bảo tàng dành cho ai?

>> Để bảo tàng không thành kho chứa hiện vật

Tin cùng chuyên mục