Chúng tôi đi dưới cái nắng tháng 10 giữa vùng đất Củ Chi, chợt nghe lòng bâng khuâng khi tiếng trống tan trường xa xa vọng về, tiếng trống như len vào từng hàng cây ngọn cỏ và len vào lòng chúng tôi nỗi bồi hồi, xao xuyến khi trở lại miền quê cùa một thời rạng danh Đất Thép Thành Đồng. Hàng tre nghiêng bóng mát rượi, màu xanh đã phủ trùm Củ Chi, màu xanh che mát bước chân của những người khách về thăm lại quê hương Đất Thép.
1. Người hướng dẫn chúng tôi đi thăm bà con xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi là hai anh Lâm Tiến Dũng, Nguyễn Văn Phích - Chủ tịch và Phó Chủ tịch UB MTTQ xã. Nơi chúng tôi ghé vào đầu tiên là nhà của bà Võ Thị Huệ, số 6A đường 123.
Căn nhà ba gian của bà Huệ khá khang trang, nền lát gạch bông, lợp ngói. Trong nhà không thiếu thứ gì, tivi, tủ lạnh, đầu video, kể cả máy vi tính. Đặc biệt, trước cửa nhà bà Huệ còn treo tấm bảng “Điểm sáng văn hóa” to như tấm bảng quảng cáo. Như thấu hiểu sự thắc mắc của chúng tôi về tấm bảng này, bà Huệ vừa rót nước mời khách vừa giải thích: “Mấy ông mặt trận xã chọn vài địa điểm tiêu biểu để làm nơi sinh hoạt của bà con trong ấp, gọi là “Điểm sáng văn hóa” để bà con lui tới uống trà, cà phê, đánh cờ tướng, bàn chuyện đồng áng, quyên góp hỗ trợ những hộ nghèo gặp bệnh tật, ma chay, kể cả việc góp ý, xây dựng những hộ có vấn đề”. Bà Huệ chặc lưỡi: Coi vậy mà hiệu quả lắm, giữa lúc tinh thần thư giãn, thoải mái, bà con rất dễ tiếp thu những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước mà khỏi cần triệu tập họp tổ dân phố.
Nói xong, bà quay sang anh Nguyễn Văn Phích, Phó Chủ tịch UB MTTQ xã Tân Thạnh Đông, thân mật: “Không biết từ lúc nào, bà con trong xã này, cứ quen miệng gọi mấy chú Dũng, chú Phích là “ông mặt trận”, có lẽ vì mấy chú ấy làm công tác mặt trận lâu năm, gần gũi với người dân. Nhờ gắn bó như vậy mà ông mặt trận mới hiểu rõ hoàn cảnh từng nhà, bày cách giúp người nghèo chúng tôi thoát khỏi cảnh khốn cùng”. Bà Huệ nói như khoe: “Căn nhà của tôi cũng như gần 200 hộ trong xã này được “ông mặt trận” vận động xây tặng đó. May nhờ có ông mặt trận giúp đỡ người nghèo, hướng dẫn chúng tôi cách làm ăn, vay vốn nuôi bò sữa. Ban đầu một con, rồi bò đẻ thêm bê, bò cái thì để nuôi, bò đực bán lấy thịt, cứ như vậy ngày một tăng số lượng, có lúc đàn bò nhà tôi lên đến 18 con. Nhiều nhà khác có đến 20 - 30 con, nhờ vậy mà kinh tế gia đình của bà con trong xã có dư chút đỉnh, đủ lo cho con ăn học”.
2. Nghe tiếng người nói xôn xao, anh Phan Văn Vàng nhà kề bên bà Huệ, biết có ông mặt trận xuống thăm liền qua chơi và vui vẻ cho biết: “Do đàn bò tăng trưởng quá nhanh, người dân không biết xử lý nước thải chăn nuôi như thế nào, đã làm ảnh hưởng môi trường sống. Giữa lúc bà con bó tay thì “ông mặt trận” tìm đến hướng dẫn chúng tôi làm biogas. Trước giờ tụi tui có biết dùng phân bò làm chất đốt đâu. Bây giờ dùng rồi mới thấy vừa tiện lợi lại vừa kinh tế. Vậy là mọi người làm ngay”.
Người dân nơi đây tâm đắc về chuyện làm hầm biogas cũng phải thôi, vì được vay không lãi suất 5 triệu đồng để làm hầm. Bên cạnh đó, nếu ai làm đem lại hiệu quả còn được thưởng thêm 1 triệu đồng. Do vậy, đến nay xã đã làm xong 88 hầm biogas, hiện còn hơn 30 hộ đăng ký làm tiếp. Bà Huệ nói thêm: “Ông mặt trận còn kể tụi tui nghe về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mới nghe qua, thấy không lọt lỗ tai vì từ lâu bà con nông dân tụi tui thấy cái gì giá rẻ, bền là mua, đâu quan tâm đến nội hay ngoại. Nhưng từ khi ông mặt trận tổ chức triển lãm tại xã mấy gian hàng Việt Nam, bà con mua về xài thử thấy cũng tốt. Đúng là người thật việc thật. Hàng Việt Nam tốt thì mọi người ủng hộ, gọi là ta về ta tắm ao ta”.
Chúng tôi đến thăm nhà bà Lượng Thị Bợi ngụ tại 3/18, ấp 6. Cơn lốc dữ hồi tháng 7 vừa qua đã làm tốc mái căn nhà của bà. Đêm nằm giữa căn nhà không mái, nhìn sao giăng đầy trời, gió lùa lồng lộng lạnh buốt, bà Bợi chỉ biết than thân, khóc thầm. Từ khi người con trai của bà qua đời, con dâu bỏ nhà ra đi để lại 2 đứa cháu nội còn nhỏ dại cho bà, thân già thiếu trước hụt sau, phải cưu mang hai đứa cháu nội, hoàn cảnh vô cùng khốn khó. Đang khổ sở không biết lấy tiền đâu để sửa chữa lại căn nhà thì ông mặt trận xuất hiện, hỗ trợ 2 triệu đồng giúp bà mua tôn lợp nhà. Bà Bợi vui vẻ nói: “Trăm bề khổ, thứ gì người dân chúng tôi cũng đều nhờ ông mặt trận giúp đỡ”.
3. Chúng tôi ra về trong cái nắng trưa dìu dịu, chợt một xe gắn máy dừng lại trước mặt anh Nguyễn Văn Phích, thông báo có một nhóm thanh niên tụ tập, có dấu hiệu đánh nhau. Anh Phích liền thông báo công an xã đến hiện trường giải quyết. Thì ra đó là một thành viên Thanh tra nhân dân trong mạng lưới an ninh do UB MTTQ xã Tân Thạnh Đông thành lập. Là một trong những xã đông dân nhất huyện Củ Chi, có 8.298 hộ với 33.595 nhân khẩu chia thành 19 ấp, mỗi ấp đều có một thành viên Thanh tra nhân dân “nằm vùng” để nắm bắt và xử lý kịp thời những biểu hiện bất thường trong khu dân cư, nhờ vậy mà tình hình an ninh trật tự nơi đây luôn được đảm bảo.
Đến nay, MTTQ xã đã vận động được gần 4 tỷ đồng để chăm lo người nghèo và tạo điều kiện cho các cháu đến trường - một thành quả không dễ dàng mà đạt được. Nhưng khi chúng tôi hỏi về công tác mặt trận, các “ông mặt trận” chỉ cười hiền, trả lời gọn lỏn: “Lo cho dân, thì biết nói sao là vừa, là đủ. Làm công tác mặt trận trước tiên là phải có tấm lòng, biết xót xa trước những cảnh đời bất hạnh, trong lòng ray rứt không yên khi gặp người hoạn nạn, nghèo khó, trải lòng ra để tìm phương cách giúp họ như giúp người thân”. Điều này, xã Tân Thạnh Đông đã làm đúng tấm lòng của người làm công tác mặt trận…
NGUYỄN TƯỜNG LỘC