Là khách mời tại Liên hoan Phim tài liệu truyền hình và phóng sự chuyên đề lần thứ 3 - 2014, ông Misao Ishigaki, Tổng Giám đốc Hãng NDN (Nhật Bản), một hãng thông tấn có gần 60 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chương trình truyền hình, đã có những chia sẻ trong việc thực hiện phim tài liệu với phóng viên Báo SGGP.
- Phóng viên: Ông đã xem những phim tài liệu nào của Việt Nam và cảm nghĩ của ông về những bộ phim này thế nào, thưa ông?
>> Ông MISAO ISHIGAKI: Tôi đã xem được hai bộ phim tài liệu 35 ly (phim nhựa), một phim về Đường 9 Nam Lào và phim thứ hai về việc tiếp tế lương thực, vũ khí cho ĐBSCL trong chiến tranh. Cả hai bộ phim này đều được chuyển sang Nhật làm hậu kỳ và đã được chiếu tại Nhật trước năm 1975. Tôi nhớ thời ấy, chúng tôi vác máy chiếu đi chiếu lại bộ phim này trên khắp nước Nhật và cũng từ đó tạo ra phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam tại Nhật rất mạnh mẽ. Cá nhân tôi thấy rất ấn tượng và cảm động về hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến tranh giữ nước, giành độc lập của các bạn. Ngoài hai bộ phim này, tôi không có điều kiện để xem những bộ phim tài liệu hiện nay của Việt Nam, nên cũng chưa thể có nhận xét gì.
- Theo ông, làm thế nào để có phim tài liệu hay, ấn tượng?
Việc chọn đề tài là khó nhất. Đề tài phải gắn liền với thực tế cuộc sống, mới nhận được sự quan tâm và tình cảm của khán giả. Sau đó phải tính đến việc phim làm xong bán được và thu được bao nhiêu? Nhưng theo tôi nghĩ, ở Việt Nam, hiệu quả kinh tế với phim tài liệu còn thấp, chủ yếu phim của các bạn nhắm đến tâm lý người xem và vì thế, việc chọn đề tài càng quan trọng hơn. Làm sao để phim phản ánh được thực tế cuộc sống và những vấn đề thời sự được đông đảo mọi người quan tâm. Như thế, phim đã có sự thành công rồi.
- Theo kinh nghiệm của ông, làm thế nào để phim tài liệu có doanh thu?
Tôi cho rằng, tại Việt Nam, tìm doanh thu cho phim tài liệu có thể còn dễ dàng hơn so với Nhật Bản. Tại Nhật Bản, phim tài liệu chiếu không có quảng cáo, nguồn ngân sách đều từ chính phủ. Ở Việt Nam, HTV có khai thác quảng cáo và có nguồn tài trợ phát sóng, điều ấy sẽ giúp giảm chi phí sản xuất.
- Hãng NDN từng hợp tác với HTV thực hiện bộ phim tài liệu dài 6 tập “Nhật Bản - Cái nhìn từ Việt Nam”. Từ việc hợp tác này, ông có nhận xét gì về đội ngũ những người làm phim tài liệu của HTV hiện nay?
Máy móc kỹ thuật và sự nhiệt tình của họ là rất đáng nể. Tôi đã trực tiếp làm việc cùng họ và học được nhiều điều, trong đó tôi cho rằng góc nhìn của người làm phim trẻ tuổi hiện nay có nhiều điều rất thú vị. Điều mà chúng tôi cảm nhận được đó chính là: Tuy có sự khác biệt về quốc gia nhưng sự nhiệt tình, sự đam mê với nghề sản xuất phim tài liệu thì không có gì thay đổi.
- Hãng NDN có tiếp tục những dự án hợp tác làm phim tài liệu với HTV không, thưa ông?
Ngoài 6 tập phim hợp tác đã hoàn thành và công chiếu, chúng tôi muốn tiếp tục được hợp tác làm phim với HTV. Chúng tôi đang đề xuất với lãnh đạo HTV thực hiện một phim tài liệu về tình hình biển Đông hiện nay. Vấn đề này cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, chính là tính khả thi của dự án này.
- Tại Nhật Bản có tổ chức liên hoan phim tài liệu như Liên hoan Phim tài liệu và phóng sự chuyên đề của Việt Nam hay không?
Giải toàn quốc thì không có, nhưng tùy từng vùng chúng tôi có tổ chức liên hoan phim tài liệu. Tham dự Liên hoan Phim tài liệu và phóng sự chuyên đề của các bạn lần này, tôi cho rằng, đây là một liên hoan rất có ý nghĩa, vì đã tập hợp được rất nhiều người làm phim tài liệu trên cả nước và mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm về những khó khăn, thuận lợi của công việc làm phim tài liệu. Những chia sẻ ấy là hết sức quan trọng với những người làm nghề.
| |
NHƯ HOA (thực hiện)