Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Thọ: Sẽ có những vùng lan tỏa của di sản hát xoan

Lần đầu tiên trong lịch sử, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã tạo ra tiền lệ khi đưa di sản hát xoan - Phú Thọ ra khỏi danh sách bảo vệ khẩn cấp và chính thức ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. 
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Thọ, về hành trình lội ngược dòng đầy ngoạn mục của di sản đặc biệt này.
* PHÓNG VIÊN: Hát xoan là di sản đầu tiên khiến Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể buộc phải sửa đổi cho phù hợp sau nhiều năm tồn tại. Ông có thể chia sẻ về hành trình đặc biệt này của hát xoan?
Ông NGUYỄN NGỌC ÂN: 6 năm trước khi hát xoan được đưa vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp, nhiều chuyên gia phải thốt lên xót xa vì di sản này ít được biết đến. Năm 2009, 4 phường xoan chỉ có độ trăm người hát và nhạc công hoạt động không thường xuyên, phân nửa trên 60 tuổi… Trong số 31 nghệ nhân cao tuổi vào độ gần đất xa trời (trên 80 tuổi), chỉ 7 người có khả năng trình diễn và truyền dạy các bài bản cổ của hát xoan. Vì thế, ngay từ thời điểm xây dựng hồ sơ về di sản hát xoan, chúng tôi đã có một lộ trình rõ ràng để từng bước khôi phục và làm sống lại loại hình văn hóa cổ xưa gắn với tín ngưỡng Hùng Vương.
Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Thọ: Sẽ có những vùng lan tỏa của di sản hát xoan ảnh 1 Hát xoan được ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại
Năm 2011, khi hát xoan được ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, chúng tôi đã đặt ra câu hỏi tiếp theo là - hết tình trạng khẩn cấp thì di sản này sẽ được xếp vào dạng nào? Trăn trở ấy của những người làm văn hóa đưa ra để bàn thảo tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10. Tại đó, các chuyên gia quốc tế cũng trao đổi, bàn thảo rất nhiều, vì đó là một trường hợp mới, một kinh nghiệm mới chưa từng xảy ra. Trường hợp chưa từng có tiền lệ này đã khiến công ước phải sửa đổi.
* Cùng với việc vận động để tạo ra tiền lệ mới, điều mấu chốt vẫn phải dựa vào những nỗ lực phục hồi và tạo ra sức lan tỏa của di sản hát xoan?
Có thể nói, nguồn lực và chính sách trong công tác bảo tồn hát xoan giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Căn cứ vào đề xuất với chính quyền địa phương, đề án đã phân loại rất rõ những mục cần kinh phí lớn, cần hỗ trợ của Nhà nước như việc cải tạo, xây dựng lại không gian của hát xoan như tu bổ, sửa chữa lại đình, đền, miếu… 
Trong cùng thời gian đó, cả cộng đồng đều chung tay truyền dạy và đào tạo đội ngũ kế cận nhằm phát huy vai trò của nghệ nhân cao tuổi trong việc đào tạo các thế hệ nghệ nhân kế cận về kiến thức, kỹ năng cơ bản của nghệ thuật trình diễn hát xoan cổ. Tất cả với mục đích giúp hát xoan được lưu giữ, bảo tồn một cách bền vững. Các lớp truyền dạy hát xoan được tổ chức rộng khắp dành cho đối tượng học viên tới tham gia học, bao gồm nhiều thế hệ và thành phần trong xã hội, từ những bậc cao niên, trung niên, thanh niên tới các em thiếu niên, nhi đồng; từ những người dân lao động tự do, nông dân, công nhân, doanh nhân tới các cán bộ công chức, viên chức, hưu trí… 
* Một số địa phương đã hỗ trợ nghệ nhân văn hóa bằng nhiều hình thức như trả lương, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế… Với tỉnh Phú Thọ, việc này được thực hiện như thế nào?
- Bên cạnh những khuyến khích động viên về mặt tinh thần qua việc khen tặng các danh hiệu nghệ nhân dân gian, địa phương cũng có nhiều hỗ trợ về vật chất. Tuy việc hỗ trợ đều đặn hàng tháng qua hình thức trả lương chưa được thực hiện, nhưng phần thưởng bằng vật chất đã được quan tâm hơn, nghệ nhân đi dạy cũng được trả kinh phí theo đúng quy định tài chính hiện hành. 
Không chỉ hỗ trợ bảo hiểm y tế, địa phương cũng quan tâm và giúp tạo ra những khoản kinh phí nhất định giúp các làng xoan cổ có thêm kinh phí để trang trải cho hoạt động truyền dạy và thực hành di sản. Ví dụ như TP Việt Trì hỗ trợ 250 triệu đồng/năm, tỉnh cho 50 triệu đồng/năm tạo thành một khoản lớn để mỗi phường xoan cổ tự trang trải cho các hoạt động, có quản lý, giám sát của cộng đồng.
* Hiện, một số nhà nghiên cứu lo ngại, hát xoan phổ cập trong nhân dân hiện nay là hát xoan mới, không phải cổ? 
- Thực tế xoan cổ rất khó hát, tuy nhiên không thể vì xoan cổ khó mà bỏ để đi dạy xoan mới, đó là phá vỡ di sản. Vì thế, chúng tôi dự tính tổ chức hội thảo hát xoan trong đương đại để tìm giải pháp sao cho phù hợp để xoan vừa giữ nguyên giá trị mà vẫn phát huy được sức sống vốn có trong cuộc sống. Song song tồn tại 2 loại hình hát xoan vừa cổ vừa tân để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho di sản. Riêng 4 làng xoan gốc là phường xoan gốc An Thái, Thét, Phù Đức và Kim Đái sẽ duy trì lối hát cũ, bài bản cũ, cổ. Còn các vùng, làng, các câu lạc bộ được thành lập sau này sẽ là vùng lan tỏa của di sản.

Tin cùng chuyên mục