Phản hồi loạt bài “Những cung đường gỗ lậu”

Ông Nguyễn Quý Mỵ, Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng): Dẹp được đầu nậu, rừng mới yên

Báo SGGP số ra ngày 19 và 20-7 đăng loạt bài “Những cung đường gỗ lậu” phản ánh tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép và chống người thi hành công vụ đang diễn ra phức tạp tại khu vực rừng giáp ranh giữa các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đồng Nai, trong đó “nóng” nhất là khu vực huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng – nơi lâm tặc tập kết gỗ lậu để tuồn về xuôi tiêu thụ. Vậy lãnh đạo huyện đã chỉ đạo xử lý tình trạng này như thế nào? Ông Nguyễn Quý Mỵ, Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, cho biết:

Đúng là rừng Đạ Huoai đang bị xâm phạm ở các góc độ như: lấn chiếm, phá rừng để lấy đất sản xuất; khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép. Bên cạnh đó, vấn đề chống người thi hành công vụ cũng rất phức tạp. Thời gian qua, địa phương đã quyết liệt lập lại trật tự về lấn chiếm đất rừng và đến nay cơ bản xóa được nạn phá rừng lấy đất sản xuất. Nhưng việc khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép vẫn diễn ra với hình thức tinh vi, phức tạp và mức độ chống đối người thi hành công vụ rất quyết liệt.

* PV:
Thưa ông, vậy lãnh đạo huyện có hướng chỉ đạo ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ lậu như thế nào?

* Ông NGUYỄN QUÝ MỴ:
Chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện để tổ chức truy quét, xử lý các hành vi này. Khi nhận được thông tin về vi phạm, Chủ tịch UBND huyện đích thân chủ trì, huy động lực lượng công an, quân sự, kiểm lâm, chủ rừng thực hiện truy quét. Bất kể thời điểm nào, ngày hay đêm, có lệnh huy động thì sau 30 phút, lực lượng phải có mặt và thời gian qua thực hiện rất tốt.

Chúng tôi cũng duy trì hoạt động của Đội 12 và cắm chốt tại xã Phước Lộc - địa bàn mà tình trạng phá rừng đang phức tạp. Đối với chủ rừng, chúng tôi chỉ đạo phải tuần tra, truy quét ngay trong rừng, đồng thời tổ chức cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng thường xuyên đi tuần tra, nếu hộ nào không bảo vệ tốt bị trừ tiền hoặc thu hồi rừng để giao lại cho hộ khác.

* Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, việc khai thác, vận chuyển gỗ lậu tại địa phương đều do các đầu nậu tổ chức. Vậy, việc điều ra, xử lý các đối tượng này ra sao?

* Chúng tôi cũng xác định các đầu nậu là đối tượng chính, triệt phá được các ổ đầu nậu thì mới ngăn chặn được tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ lậu. Vì vậy, chúng tôi đã lên danh sách từng đối tượng để triển khai kế hoạch “bóc gỡ”. Tuy nhiên, một khó khăn mà chúng tôi gặp phải là, các đầu nậu thường đứng đằng sau người dân, mà nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, lấy dân nghèo làm bình phong để đối phó với ngành chức năng. Nói vậy không có nghĩa chúng tôi buông xuôi mà quyết tâm triệt phá bằng được những đường dây buôn bán gỗ lậu này, như vậy thì rừng mới yên. 

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục