Thủ tục thanh quyết toán mất nhiều thời gian; các quy định Nhà nước không theo kịp đòi hỏi của xã hội; mức chi không tương xứng với chất xám bỏ ra… Những áp lực đó đang khiến các nhà khoa học hoặc phải “nói dối, khai khống” hoặc thiếu tâm huyết cho các đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, từ năm 2013, TPHCM thực hiện cơ chế đặt hàng, mua trọn gói sản phẩm nghiên cứu. Nhân dịp đầu năm, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Phan Minh Tân về cơ chế mang tính đột phá này.
- PV: Xin ông cho biết, những bất cập nào trong cơ chế quản lý cũ đã và đang gây khó các nhà khoa học?
>> Ông PHAN MINH TÂN: Bất cập lớn nhất phải kể đến sự lỗi thời và bất hợp lý của các quy định hiện hành: Thông tư 44/2007/TTLT/BTC-BKHCN (quy định các định mức chi cho NCKH); Thông tư số 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN (hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án KH-CN sử dụng ngân sách Nhà nước). Có thể ví dụ, Thông tư quy định mức thuê khoán chuyên môn tối đa 12 triệu đồng/chuyên đề (đối với lĩnh vực KHXH) và 30 triệu đồng/chuyên đề (đối với lĩnh vực KHTN). Như vậy, với một đề tài nghiên cứu chừng 500-600 triệu đồng, các nhà khoa học phải chia nhỏ đề tài thành các chuyên đề cho phù hợp với định mức đó. Đây chính là khúc mắc khiến các nhà khoa học “nói dối” suốt thời gian qua.
NCKH là nghiên cứu những cái gì chưa biết. Nhà khoa học sử dụng bao nhiêu nguyên vật liệu, bao nhiêu hóa chất khó đoán định ngay từ đầu. Chưa kể, trong quá trình thực hiện còn phải điều chỉnh theo yêu cầu của hoàn cảnh. Nhưng khi duyệt đề tài, chúng tôi phải “canh” theo quy định mà làm. Từ đó, triệt tiêu quyền tự chủ của chính các nhà khoa học.
- Nếu áp dụng theo cơ chế mới, các nhà khoa học sẽ được lợi gì?
Lãnh đạo TP và các sở, ngành có liên quan đã trăn trở rất nhiều để tìm các giải pháp phù hợp. Rất may trong Thông tư 93 có một điều khoản là Hợp đồng đặt hàng NCKH và phát triển công nghệ. Nghĩa là sau khi dự toán đề tài được phê duyệt, chủ nhiệm đề tài được giao hẳn kinh phí. Họ có quyền chủ động chi tiêu, miễn bàn giao đúng và đủ các sản phẩm theo hợp đồng. Tất nhiên các nhà khoa học phải chịu trách nhiệm với những chi tiêu của mình, đồng thời lưu giữ lại các biên lai, hồ sơ chứng từ có liên quan. Lúc này, sở với vai trò là cơ quan chủ trì, chỉ kiểm tra khi cần thiết hoặc yêu cầu giải trình nếu có sự thay đổi so với dự toán ban đầu. Mọi thủ tục quyết toán với kho bạc sẽ do sở thực hiện.
- Vậy hình thức đăng ký ra sao? Tiêu chí gì dùng để xét kinh phí cho một đề tài NCKH?
Về mặt quản lý khoa học, hình thức đăng ký vẫn theo cơ chế cũ. Bao gồm các quy trình: sơ tuyển/tuyển chọn, xét duyệt, giám định và nghiệm thu. Điểm khác biệt duy nhất của cơ chế mới này là “cởi trói” các thủ tục tài chính rườm rà cho nhà khoa học. Tuy nhiên, sau khi xét duyệt, các chủ nhiệm đề tài vẫn có quyền lựa chọn theo hình thức quản lý mới này hay không. Bởi các Thông tư 93 và 44 vẫn còn hiệu lực. Đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể nào về từng tiêu chí trong xét duyệt kinh phí cho đề tài. Thường sau khi chủ nhiệm đề tài trình dự toán, sở sẽ thành lập Hội đồng để đánh giá từng mục chi trong dự toán có hợp lý không, còn thiếu những gì… và góp ý cho chủ nhiệm đề tài. Sau đó, sẽ có một tổ liên ngành gồm 3 đơn vị: Sở KH-CN, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính thẩm định một lần nữa. Nếu chủ nhiệm đề tài đồng ý thì Giám đốc Sở KH-CN sẽ ký hợp đồng.
- Lâu nay, có thực trạng đề tài trễ hạn nhưng không có chế tài xử lý. Đề nghị ông cho biết, khi áp dụng cơ chế mới này, có khắc phục được tình trạng trên không?
Hợp đồng NCKH không phải là hợp đồng kinh tế. Nên khi có trường hợp trễ hạn đề tài, các cơ chế quản lý chung hiện vẫn chưa có chế tài cụ thể. Đứng về mặt khoa học, đây cũng là một điều đúng bởi nghiên cứu khoa học luôn đi kèm với rủi ro. Không phải cứ nghiên cứu là thành công. Tuy nhiên, từ trước đến nay sở vẫn có những chế tài riêng đối với các đề tài trễ hạn. Theo đó, nếu trễ hạn từ 6 tháng đến tối đa một năm, hợp đồng sẽ bị thanh lý. Tiếp theo đó, sở sẽ lập hội đồng để thẩm định kinh phí. Nếu khoản kinh phí nào chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích sẽ bắt buộc hoàn trả lại cho đơn vị chủ trì, đồng thời không cho phép chủ nhiệm đề tài tham gia nghiên cứu từ 2-3 năm tiếp theo.
Ngoài ra, từ năm 2013, sở đưa vào sử dụng phần mềm để quản lý công tác này. Mỗi chủ nhiệm đề tài được cấp 1 tài khoản. Hàng tháng họ phải gửi về hệ thống bản báo cáo khối lượng công việc đã thực hiện theo khoảng thời gian từng tháng, từng quý. Nếu không sẽ xuất hiện cảnh báo trên tài khoản đó. Sau 3 lần cảnh báo như vậy, sở sẽ xem xét cho dừng đề tài.
- Sở KH-CN TP đang kỳ vọng vào cơ chế mới?
Như đã nói ở trên, một khi tháo gỡ được khâu thủ tục hành chính, các nhà khoa học sẽ yên tâm dành thời gian nhiều hơn cho công việc chuyên môn. Tuy nhiên, đây là cơ chế mới, ở giai đoạn đầu này, sở lên kế hoạch chỉ thực hiện trên khoảng 20 đề tài. Sau khi tiến hành đánh giá và rút kinh nghiệm, nếu thấy ổn sẽ cho áp dụng đại trà trên tất cả các đề tài đăng ký những năm sau.
- Cảm ơn ông!
Tường Hân thực hiện