TPHCM đã ban hành nhiều quy chế quản lý kiến trúc như Quyết định 135 về xây dựng nhà liên kế trong khu đô thị hiện nay, quy chế quản lý kiến trúc 4 ô phố sát dinh Thống Nhất… Tuy nhiên, dấu ấn của những quy chế này chưa rõ nét trong việc phát triển đô thị của TPHCM. Xung quanh vấn đề này, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM.
° Phóng viên: Theo ông, các quy định về quản lý kiến trúc mà TPHCM ban hành đã đi vào cuộc sống?
° Ông TRẦN CHÍ DŨNG: Các quy định về quản lý kiến trúc của TPHCM đã được triển khai thực hiện ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn TP và các quận, huyện đang cấp phép xây dựng căn cứ theo các quy định này. Thậm chí, đã có khá nhiều phản hồi từ thực tế về các quy định này. Ví dụ, Quyết định 135 về xây dựng nhà liên kế trong khu đô thị hiện nay cho phép nhà ở trong các khu thương mại được tăng thêm chiều cao để có thể tận dụng tầng trệt làm nơi giữ xe hoặc kinh doanh, buôn bán mặt hàng nào đó. Trên thực tế, nhiều nhà không nhất thiết phải cao như thế… Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang thu thập ý kiến của các quận, huyện và nghiên cứu điều chỉnh lại quy định này nếu có điều chưa hợp lý.
Một phản hồi khác từ cuộc sống, đó là có quy chế quản lý kiến trúc, các quy định về xây dựng, về tầng cao công trình được công khai cho dân và đặc biệt là các nhà đầu tư biết. Việc này đã góp phần hạn chế nhiều tiêu cực trong cấp phép xây dựng. Khi xin giấy phép xây dựng, căn cứ vào các quy định về quản lý kiến trúc, người dân và các nhà đầu tư cơ bản đã biết công trình của mình được xây dựng ra sao. Hơn nữa, quy chế quản lý kiến trúc còn là một trong những giải pháp để thực thi quy hoạch. Do vậy, vai trò của quy chế quản lý kiến trúc trong phát triển đô thị hiện nay ở TPHCM là rất lớn.
° Như vậy, tại sao không ban hành thêm các quy chế quản lý kiến trúc ở những nhóm nhà khác, những ô phố quan trọng khác ở TP? Tại sao quy chế quản lý kiến trúc dọc 3 tuyến đường huyết mạnh của TPHCM là Võ Văn Kiệt, Xa lộ Hà Nội và Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài đã được nghiên cứu cách nay nhiều năm song không thấy triển khai thực hiện?
° Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã tham mưu cho UBND TPHCM làm quy chế quản lý kiến trúc chung cho toàn TP. UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc triển khai nghiên cứu thêm quy chế kiến trúc dọc đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 13; một số trục cảnh quan bờ sông Sài Gòn, khu vực Công viên 23-9… Quy chế quản lý kiến trúc dọc ba tuyến đường: Xa lộ Hà Nội, Võ Văn Kiệt, Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài đang được hoàn thiện, chắc chắn trong thời gian không xa sẽ được triển khai trong thực tế.
° Trong dự thảo quy chế về quản lý kiến trúc khu vực trung tâm hiện nay mở rộng của TPHCM (bao gồm quận 1, 3 và một phần quận 4 và một phần quận Bình Thạnh, rộng khoảng 930ha) mà Sở Quy hoạch - Kiến trúc vừa trình TPHCM và được UBND TPHCM cơ bản đồng ý với các đề xuất chủ đạo có một phần quy định khá chi tiết về việc bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị. Như vậy, nếu UBND TPHCM chấp thuận với đề xuất của sở về lập quy chế quản lý kiến trúc chung cho toàn TP thì có thể hy vọng việc bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị sẽ tốt hơn?
° Trong dự thảo quy chế quản lý kiến trúc khu vực trung tâm hiện nay mở rộng của TPHCM có cả danh mục lẫn kế hoạch bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị. Nếu dự thảo được UBND TPHCM phê duyệt thì việc bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị ở đây sẽ là bài học cho việc bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị ở các khu vực khác của TPHCM.
° Cảm ơn ông!
AN NHIÊN