Buổi chiều qua mau quá. Mới chạng vạng đó mà giờ đây đã tối sậm mặt. Gió lành lạnh từ ngoài dòng kênh Ðông thổi về hầy hậy cũng không xua được nỗi niềm sâu thẳm tận đáy lòng của ông Ba Dực, buồn thiếu điều đứt ruột mà không biết bày tỏ cùng ai. Mùa lúa ở Củ Chi đã xong rồi, ngày mai hai cha con về Phụng Hiệp lo chuyện cưới vợ cho thằng Còi con trai của ông. Tết cũng đã gần kề…
Hổng lẽ mình buồn vì phải xa Củ Chi. Có già đâu, năm nào cũng lên đây ở hai ba tháng làm lúa mướn, xong rồi về, năm sau lên tiếp, có gì đâu mà buồn. Hay là mình phải chia tay với bà Hai Ngọt, bà trưởng ban công tác Mặt trận ở ấp này. Người có đôi mắt đen lay láy, buồn buồn như đêm khuya vắng lặng chỉ có vầng trăng lẻ loi trên cánh đồng Củ Chi mùa gặt lúa. Còn nụ cười lúm đồng tiền duyên dáng và dễ thương như hoa súng, tươi tắn, rực rỡ giữa cánh đồng Củ Chi nắng chang chang. Tội nghiệp, hồng nhan bạc phận, hoàn cảnh góa bụa, một mình nuôi con mà còn gánh vác đa đoan chuyện xã hội…
Phải nói Hai Ngọt quá mặn mòi dù đã hơn 40 tuổi rồi. Có phải mình đã bị dung nhan ấy hớp hồn hay say đắm bởi giọng ca vọng cổ y hệt như tên của bà, ngọt như mía lùi, trời ơi nó mùi tận mạng. Ông đàn cho bà hát, mà cứ mơ mơ màng màng tưởng mình đang đàn cho một nữ nghệ sĩ cải lương chính cống nổi tiếng như Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ… Nhớ tới Hai Ngọt, ông Ba Dực chậc lưỡi, người mà lúc ban đầu làm ông bực bội vô cùng. Nhưng mà lạ một điều, nghe bả nói riết rồi thấy… có lý, nghe lời làm theo, rồi còn có cảm tình với bả nữa chớ, bao nhiêu tức giận mất tiêu hết. Số là hôm nọ ông biểu thằng Còi ra chợ Củ Chi mua cặp rượu, hộp bánh, gói trà với ký nho, tất cả đều là hàng ngoại, để làm lễ vật mang về ra mắt nhà gái ở Phụng Hiệp, cúng trên bàn thờ ông bà mấy ngày tết cho nó nở mày nở mặt. Bà nhìn ông như người từ hành tinh lạ nào mới tới, bà nói người Việt Nam phải ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hơn nữa hàng Việt Nam cũng đâu có thua gì hàng nước ngoài. Biết Ba Dực không hài lòng với những lời lẽ của mình, bà trưởng ban công tác mặt trận liền nhỏ nhẹ: "Tôi chỉ nói là ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nghĩa là… ưu tiên thôi. Còn anh thích xài hàng ngoại có ai cấm cản đâu".
Tranh sơn dầu của Họa sĩ Trịnh Hữu Hòa.
Bà Hai Ngọt đi lâu rồi mà ông Ba Dực vẫn còn nằm trên võng, ông lấy chân đẩy cho chiếc võng đong đưa xua bầy muỗi đói đang vo ve bên tai, vậy mà chúng vẫn bu bám vào mặt, ông phải lấy chiếc khăn rằn quất quất vào mặt mới yên thân với chúng. Ngày mai về quê Phụng Hiệp, gần 2 tháng trời xa cách. Mình sẽ cùng mấy tay đờn tri âm, tri kỷ hát bài Tình anh bán chiếu ngay trên dòng sông Phụng Hiệp, nơi mà ngày xưa có anh chàng bán chiếu đa tình, đa cảm, yêu mà hổng dám nói, đến khi người ta có chồng rồi thì than thân trách phận mình ên. Ba Dực than thầm trong bụng: "Không khéo mình như thằng cha bán chiếu đó hổng chừng". Năm sau ở dưới quê Phụng Hiệp trở lại Củ Chi để làm lúa mướn thì bà Hai Ngọt đã lấy chồng rồi. Lúc đó hổng biết mình đi bán cái gì đây. Chiếu có ai xài nữa đâu, xài nệm Kymdan không hà. Lại nhớ tới bà trưởng ban công tác mặt trận nữa. Ông Ba Dực không nhịn cười được, liên tưởng tới cái hôm bà trưởng ban đi cùng với anh Tấn Nhi, Ủy viên Thường trực Mặt trận huyện xuống mời cả ấp họp. Mở đầu buổi họp, bà tuyên bố: "Hôm nay chúng ta họp với nội dung… vì bạn nhậu". Ai nấy đều ngạc nhiên chưa hiểu ý bà muốn gì thì bà nói tiếp: "Từ xưa, ông bà ta có nói - nam vô tửu như kỳ vô phong". Mấy ông vỗ tay hoan nghênh quá trời. Chưa hết, lần này bà nói chậm rãi cho mọi người nghe rõ từng lời: "Nhưng gió vừa thôi, đủ thổi cờ bay được rồi, Gió giật cấp 12, 13 thành bão táp thì cờ rách hết, thậm chí còn ngã luôn cột cờ.
Như chú Sáu Tửng, hôm qua nhậu quắc cần câu, chạy xe Honda hun cây cột đèn, xe hư, còn chú Sáu gãy chân phải vào bệnh viện. Bởi vậy, tôi kêu gọi các ông hãy vì bạn nhậu, mà chung tay đóng góp giúp chú Sáu Tửng, vì số tiền chú làm lúa bấy lâu nay lo viện phí với thuốc men chắc gần hết rồi. Chúng ta giúp chú Sáu có ít tiền về quê ăn tết". Mọi người chẳng hẹn mà cùng vỗ tay hưởng ứng. Bà trưởng ban công tác mặt trận nhoẻn miệng cười... thấy ghét, giọng nhỏ nhẹ chân tình: "Hàng năm vào những ngày lúa chín, bà con ở các tỉnh miền Tây đến Củ Chi giúp chúng tôi thu hoạch vụ mùa, tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi làm chuyện khác. Nay vụ lúa đã xong, cho tôi thay mặt bà con Củ Chi gởi đến bà con lời cảm ơn chân tình và chúc bà con về quê ăn tết vui vẻ, hẹn mùa lúa tới chúng ta gặp lại". Mọi người đề nghị Ba Dực thay mặt bà con miền Tây đến Củ Chi làm lúa mướn có đôi lời. Ba Dực ngập ngừng: "Thiệt tình, chúng ta phải cảm ơn bà trưởng ban công tác mặt trận với bà con ở ấp này mới đúng. Vì nhà nghèo, chúng tôi phải trôi dạt phương xa làm lúa mướn. Thương hoàn cảnh chúng tôi phải che lều ở lây lất ngoài trời sương gió, bà trưởng ban đã vận động bà con cho chúng tôi được vào nhà ở, coi như người thân trong gia đình. Tình cảm đó, chúng tôi về quê sẽ mang theo mãi mãi. Mong mỏi năm sau Củ Chi sẽ cho chúng tôi đến làm lúa tiếp tục". Buổi họp ra về mà trong lòng ai cũng thấy rưng rưng…
Ba Dực chợt nhớ ra, liền lên tiếng: "Mày có mua gì để về quê cúng trên bàn thờ má mày hông Còi". Nhắc tới má thằng Còi, Ba Dực không khỏi chạnh lòng, nhớ người vợ chịu thương chịu khó ngày xưa, đã cùng ông sống những ngày dẫu nghèo khổ, thiếu trước hụt sau mà vợ chồng vẫn hạnh phúc, đồng cam cộng khổ, cùng chèo chống vượt qua gian khổ. Ngày sinh thằng Còi thiếu tháng, cũng là ngày bà nhắm mắt ra đi, bỏ lại đứa con mới lọt lòng cho ông nuôi đến bây giờ. Không sữa mẹ, thằng bé chậm lớn, thiếu dinh dưỡng nên ông đặt tên cho nó là Còi. Tội nghiệp thằng nhỏ, hai mươi mấy tuổi rồi, vậy mà còi cọc như mới mười bảy mười tám. Thương vợ, thương con ông quyết không đi bước nữa, làm gà trống nuôi con. Mỗi lần nhớ vợ, ông thường lấy cây đàn phím lõm lên phím, so dây, thầm thì như nói chuyện với bà: "Vậy để tui đờn cho bà nghe, đỡ buồn".
Ông cầm đàn ra ngồi trên chiếc sạp tre trước cửa lên dây. Chợt nhìn sang nhà của Chín Mậu vừa sáng đèn, Ba Dực lớn tiếng gọi: "Mậu ơi, qua đây hòa tấu vài bài chơi". Có tiếng trả lời: "Qua liền, qua liền". Ba Dực là thầy đờn của Chín Mậu. Nghe Ba Dực đàn hay quá, Chín Mậu mua cây đàn phím lõm bái Ba Dực làm sư phụ. Ðêm đêm hai thầy trò hòa tấu với nhau cũng là để luyện ngón đàn cho Chín Mậu. Chợt Ba Dực biểu thằng Còi khui chai rượu Tây với hộp bánh Thái Lan cho hai người vừa đàn vừa lai rai. Chín Mậu vội xua tay: "Ðể mang về quê hỏi vợ cho thằng Còi, làm quà mấy ngày tết". Ba Dực cười xòa: "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bà trưởng ban công tác mặt trận ở ấp mình nói như vậy đó. Tao thấy bả nói đúng quá, nên tao quyết định mua rượu đế với bánh kẹo Việt Nam thay thế mấy thứ hàng ngoại này để làm lễ vật dạm hỏi vợ cho thằng Còi. Nghĩ lại từ lâu, mình có tính sính hàng ngoại, thiệt bậy quá". Hai thầy trò tâm đắc cùng so dây réo rắt bài Lưu thủy trường. Chợt có tiếng phụ nữ đang đi ngoài hàng cau trước ngõ lên tiếng: "Cá nhơn dễ sợ nha, đờn mà hổng rủ người ta tới hát". Chỉ cần mới thoáng nghe tiếng nói lẫn trong gió đêm xao xác, Ba Dực mắt sáng rỡ, tay ngưng đàn, nhìn trân trân về hướng có tiếng nói, tim đập thình thịch. Chín Mậu biết thấu tim đen của Ba Dực, cười phe phé, lên tiếng: "Chị Hai Ngọt ơi, mau vào đây hát vài câu vọng cổ, sư phụ tui sắp đứng tim rồi nè".
Cảnh thanh bình ở làng quê Củ Chi.
Ba Dực với Chín Mậu so lại dây đờn, Hai Ngọt lim dim đôi mắt vô câu vọng cổ như tâm sự mênh mang trôi dài trên cánh đồng vừa mới gặt, tiếng đờn thổn thức của Ba Dực cũng bồng bềnh quấn quýt theo tiếng ca như không thể nào rời xa. Tiếng đàn có ý, lời ca có tình. Mượt mà sâu lắng, chân chất hồn nhiên của những người dù dầu dãi nắng mưa mà tâm hồn mang đầy chất nghệ sĩ và yêu đờn ca tài tử.
Tiếng đàn lời ca đã dứt rồi, mà Ba Dực vẫn còn nhìn Hai Ngọt say đắm. Trái tim ngỡ đã ngủ yên ngót 20 năm, hôm nay chợt thức dậy một cách mãnh liệt. Ba Dực nhìn thẳng vào đôi mắt đen lay láy của Hai Ngọt, nói nhẹ nhàng: "Bà nè, tôi đã thú thiệt với Chín Mậu rồi, sau khi tui lo chuyện vợ con cho thằng Còi xong xuôi, tui muốn trở lại Củ Chi sống luôn, hổng dìa Phụng Hiệp nữa". Hai Ngọt mỉm cười, đôi má ửng hồng: "Chuyện đó thì ông xin phép chính quyền địa phương". Ba Dực mạnh dạn nắm lấy bàn tay thẹn thùng của Hai Ngọt: "Thì tui đang nói với... chính quyền địa phương nè. Tui... tui muốn làm... ông trưởng ban công tác mặt trận".
NGUYỄN TƯỜNG LỘC