Ông Tư Thợ Xuồng

Ông Tư Thợ Xuồng

Vào những ngày tháng 5-1966, nhiều người dân huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, lần đầu tiên được nhìn thấy lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam treo cao trên ngọn cây tung bay trước gió, với hàng chữ “Nhân dân Tam Bình mừng sinh nhật Bác Hồ Chí Minh” tại ngã ba Thầy Hạnh cách dinh quận trưởng Tam Bình khoảng 3km. Người treo cờ chính là ông Tư Thợ Xuồng, tên thật là Trần Tấn Thân, sinh năm 1895, mất ngày 15-1-1979, tại quê nhà Tam Bình, Vĩnh Long.

Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay vào những ngày tháng 5-1966 mừng sinh nhật Bác Hồ, tại Tam Bình, Vĩnh Long. (Tranh vẽ của họa sĩ Trịnh Hữu Hòa)

Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay vào những ngày tháng 5-1966 mừng sinh nhật Bác Hồ, tại Tam Bình, Vĩnh Long. (Tranh vẽ của họa sĩ Trịnh Hữu Hòa)

1- Vào những ngày giáp tết, đình làng quê tôi (Tam Bình - Vĩnh Long) tổ chức cúng kỳ yên lễ Thượng điền, mừng ngày mùa đã xong, tạ ơn đất trời cho người dân no ấm, cầu quốc thái dân an. Đây là lễ cúng kỳ yên vui nhất ở làng tôi. Sau một năm nhọc nhằn trên đồng cạn dưới đồng sâu, giờ đây lúa về đầy bồ, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, bà con tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đá gà, kéo co, kéo tay, hát bội… hấp dẫn nhất và thu hút lượng người tham gia đông đảo vẫn là cuộc thi đua bơi xuồng. Mỗi năm có hơn 100 xuồng dự thi, kể cả các làng lân cận cũng tham gia, mỗi xuồng 2 người bơi. Ngày thi đua bơi xuồng bà con đứng xem nghẹt cả hai bên bờ sông.

Ông Tư Thợ Xuồng có tài đóng xuồng bơi đua rất độc đáo. Chiều dài vẫn đúng quy cách, nhưng dáng thon, có trớn, nhẹ bơi, dẫu nước ngược chỉ đẩy nhẹ mái dầm một cái là xuồng lướt đi phon phon… Tiếng lành đồn xa, cứ gần đến lễ hội Thượng điền, bà con làng gần làng xa, kéo đến đặt ông Tư Thợ Xuồng đóng xuồng để dự cuộc đua. Hơn nữa, quê tôi là vùng sông nước, phương tiện đi lại chủ yếu là xuồng ghe. Chiếc xuồng sau khi đua, trở thành phương tiện đi lại thì có mất vào đâu. Bởi vậy, người dân gần xa gọi ông là “Tư Thợ Xuồng” vì ông thứ tư, có nghề đóng xuồng quá giỏi.

Tuy già, nhưng năm nào ông Tư Thợ Xuồng cũng tham dự đua xuồng, có điều năm nào ông cũng về sau cùng, chẳng có năm nào đoạt giải. Ông cười vui với mọi người: “Mình tham gia cho có phong trào” .

Cuộc thi đua xuồng lễ Thượng điền năm đó (1965) diễn ra rất sôi nổi, tiếng hò hét cổ vũ của dân làng vang dội hai bên bờ sông. Và có một điều nữa mà người dân đang chờ đợi, là truyền đơn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trôi đầy trên sông như những năm trước. Điều ước mong ấy đã có, những tờ giấy đủ màu cắt thành hình hoa hướng dương, hoa mai lấp lánh đầy trên mặt sông khi đoàn đua xuồng vừa bơi qua. Người dân xóm trong xóm ngoài ùn ùn lội xuống sông vớt truyền đơn giấu vội đâu đó, chờ đêm tối vô mùng kín đáo bật đèn pin, mang ra đọc.

Sáng hôm sau, ông Tư Thợ Xuồng đi chợ Tam Bình với điếu thuốc rê trên tay, thì bị lính của dinh quận ập đến bắt ông và đánh đập dã man trước bao cặp mắt ngạc nhiên lẫn căm phẫn của dân làng. Chúng cho rằng ông là người rải truyền đơn trên sông. Nhưng qua cả tháng trời giam giữ, với những cực hình tra tấn tàn bạo, chúng vẫn không khai thác được gì, đành giải ông lên tỉnh. Gần một năm sau, ông Tư Thợ Xuồng được thả, nhìn ông chống gậy lụm cụm đi về nhà, ai cũng chạy đến ôm chầm lấy ông mà khóc. Mọi người hỏi han cớ sự, ông cười hiền lành: “Tao có biết gì đâu mà khai”. Từ đó, do sức khỏe suy sụp, ông Tư Thợ Xuồng không còn đóng xuồng và cũng không tham dự đua xuồng dịp lễ cúng kỳ yên Thượng điền.

2- Trong một đêm tháng 5-1966, trăng lưỡi liềm mờ mờ không vì sao, xóm nhỏ Tường Lễ chìm vào giấc ngủ im lặng như tờ. Gió chướng lao xao hàng tre lành lạnh. Con cá quẫy đuôi ăn móng nghe rõ mồn một. Giữa không gian u tịch, chợt tiếng súng nổ rang bên bờ sông hướng xóm Đình, tiếng súng càng lúc càng ào ạt.

Ông Tư Thợ Xuồng từ hướng ngã ba Thầy Hạnh cách chợ Tam Bình chừng 3km vừa hối hả chạy về tới nhà. Ông vội thay bộ quần áo ướt sũng, lòng bồn chồn ngồi quấn thuốc rê một mình trong đêm tối. Lắng nghe tiếng súng, ông lo lắng đứng ngồi không yên, thỉnh thoảng mở cửa bước ra sân nghe ngóng. Đạn bay đỏ trời từ trong bót lính Bảo An bên chợ Tam Bình bắn xối xả qua bên hướng nhị tì kế bên ngôi đình làng. Tiếng súng mỗi lúc thêm dồn dập, thỉnh thoảng xen lẫn tiếng lựu đạn nổ rung rinh mặt đất. Con chim cú mèo đâu đấy vụt kêu lên hối hả, tiếng chim dường như bị trúng mũi tên chợt tắt giữa chừng.

Nghe ám hiệu, ông Tư Thợ Xuồng giậm chân kêu trời “Lộ rồi sao”. Đó là những người chốt chặn cho ông làm nhiệm vụ, hiện đang gặp nguy. Chờ tiếng súng lơi, ông chạy vội ra bờ sông, tiếng chim cú mèo lại kêu lên yếu ớt rồi im hẳn. Chỉ kịp nghe bấy nhiêu thôi, ông Tư Thợ Xuồng bất chấp hiểm nguy băng mình chạy đi trong đêm tối, nước mắt rơi lã chã. Ông cõng đồng chí mình đã hy sinh băng qua đám ruộng vừa mới cấy xăm xắp nước, chạy về miễu Ngài tại ấp Cái Sơn, xã Mỹ Thạnh Trung xa chừng 5km.

Bà con quanh đó biết chuyện, bùi ngùi chạy đến gấp rút phụ với ông chôn cất người chiến sĩ cách mạng ngay trong đêm đó. Nơi đây, năm xưa ông cũng cõng người đồng chí của mình là ông Lưu Văn Thau hy sinh về an táng (Lưu Văn Thau là anh ruột của anh hùng liệt sĩ Lưu Văn Liệt. Tại TP Vĩnh Long có ngôi trường THPT vinh dự mang tên Lưu Văn Liệt). Ông Lưu Văn Thau là cán bộ công an của huyện Tam Bình thường bí mật đến gặp ông Tư Thợ Xuồng vào những đêm thanh vắng.

Trời vừa tờ mờ sáng, người dân đi chợ Tam Bình đã phấn khởi rỉ tai nhau: “Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng treo tại ngã ba Thầy Hạnh tung bay phất phới, dưới cờ có hàng chữ: Nhân dân Tam Bình mừng sinh nhật Bác Hồ Chí Minh”.

Chiều hôm sau, ông Tư Thợ Xuồng bị lính Bảo An bên chợ qua bắt về quận tra tấn xét hỏi, chúng cho rằng ông chính là người treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhưng vẫn không khai thác được gì, cũng như những lần trước, chúng giải ông về tỉnh. Ông bị giam cầm hơn 3 năm mới được thả về. Bà con lối xóm mừng vui đến hỏi thăm, ông nói chuyện với mọi người bằng nụ cười móm mém vì bị tra tấn gãy hết hàm răng: “Tao già rồi làm sao leo lên cây nổi mà treo cờ. Còn chuyện tao cõng ông Thau hồi xưa, cũng như người bị lạc đạn chết đêm nọ đem chôn, là chuyện thường tình của đạo lý làm người, thấy họ hy sinh tội nghiệp quá. Chuyện xảy ra là vì tao đi soi cá về ngang, nghe súng bắn rát quá, đâu có dám đi, phải núp sau cái mả để tránh lạc đạn. Nói chưa hết câu, cái thằng điều tra đó quánh tao một cái như trời giáng, gãy 3 cái răng. Mặc kệ tụi nó đánh đập tra tấn, tao có biết gì đâu mà khai”.

3- Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, sức khỏe ông Tư Thợ Xuồng yếu lắm. Trước lúc ông thanh thản ra đi, trong một lần về quê ghé thăm ông, tôi băn khoăn bày tỏ: “Ông ơi, con biết ông từ lâu hoạt động cách mạng, nhưng vì sao ngày hòa bình độc lập, ông không khai báo về quá trình hoạt động cách mạng của mình?”. Ông trầm ngâm giây lát, từ tốn: “Ông làm cách mạng là ông đi theo lý tưởng giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà của Bác Hồ. Nay đất nước đã thống nhất, độc lập, tự do, đó là ước vọng lớn nhất của ông đã mãn nguyện, đâu còn điều gì để nói nữa”.

Bây giờ nhớ lại, cũng khoảng thời gian này năm xưa, lòng tôi không khỏi bùi ngùi…

Nguyễn Tường Lộc

Tin cùng chuyên mục