PCCC tại chung cư cao tầng: Cần sự chủ động từ người dân

Thời gian gần đây, nhiều vụ cháy xảy ra tại các chung cư cao tầng khiến người dân bất an, lo lắng. Để làm rõ hơn nguyên nhân vì sao chung cư dễ xảy ra hỏa hoạn, cũng như các giải pháp của cơ quan chức năng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, chúng tôi đã phỏng vấn đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC TPHCM xung quanh nội dung này.
PCCC tại chung cư cao tầng: Cần sự chủ động từ người dân

Thời gian gần đây, nhiều vụ cháy xảy ra tại các chung cư cao tầng khiến người dân bất an, lo lắng. Để làm rõ hơn nguyên nhân vì sao chung cư dễ xảy ra hỏa hoạn, cũng như các giải pháp của cơ quan chức năng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, chúng tôi đã phỏng vấn đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC TPHCM xung quanh nội dung này.

- Đồng chí đánh giá như thế nào về công tác PCCC hiện nay? Các quy định của chúng ta liệu đã có đủ và chặt chẽ chưa?

- Đại tá Trần Thanh Châu: Khách quan mà nói thì hiện nay hệ thống pháp luật về PCCC của chúng ta đã tương đối đầy đủ. Tuy vậy, để áp dụng xử phạt vẫn còn nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Tôi chỉ ví dụ một vụ việc điển hình, đó là trường hợp Chung cư Thái An 3 & 4, chủ đầu tư đưa người dân vào sử dụng khi công trình chưa hoàn thành, chưa được nghiệm thu PCCC. Nếu áp dụng đúng theo Luật thì phải ra quyết định tạm đình chỉ công trình này, không cho người dân tiếp tục vào ở nhưng thời điểm kiểm tra đã có hơn 740 hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu đã vào ở. Nếu đưa thì đưa đi đâu đây, ai sẽ chịu trách nhiệm với cuộc sống tạm bợ khi đó của họ?

Đại tá Trần Thanh Châu (đứng) kiểm tra công tác PCCC tại cơ sở.

Các phương tiện dành cho công tác PCCC thì thường có giá thành rất cao, thậm chí tính bằng triệu USD trong khi đất nước ta vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay được sự quan tâm của Bộ Công an, của Thành ủy TP, Cảnh sát PC&CC TP cũng đã được trang bị nhiều phương tiện PCCC hiện đại, tuy nhiên số lượng vẫn còn thiếu nhiều. Thêm một điều đáng mừng là lãnh đạo TP cũng đã hứa sẽ trang bị cho Cảnh sát PC&CC TP trực thăng cứu hộ trong thời gian tới để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi có cháy nổ lớn ở các chung cư, nhà cao tầng.

Có một điều không thể không nhắc đến đó là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC, theo tôi hiện nay vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Trong đó vẫn còn một số tiêu chuẩn, quy chuẩn còn chậm được soát xét, sửa đổi nên một số quy định không còn phù hợp với việc xây dựng các nhà cao tầng. Nguyên nhân của tình trạng trên là do các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên chưa có sự đồng nhất trong việc xây dựng hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC.

Còn đối với công tác thẩm duyệt về PCCC cho các chung cư, nhà cao tầng công trình thì đã có quy trình chặt chẽ và được chúng tôi kiểm tra, giám sát thường xuyên. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, để hệ thống PCCC vận hành tốt, bảo đảm an toàn cho các chung cư, nhà cao tầng thì rất cần thường xuyên duy tu, bảo dưỡng và cũng cần có sự tham gia tích cực của chính người dân sinh sống tại tòa nhà đó nữa.

- Theo đồng chí, đâu là những tồn tại phổ biến dẫn đến việc không đảm bảo an toàn về PCCC tại các chung cư cao tầng hiện nay?

- Qua điều tra, thống kê TP hiện có 642 công trình nhà cao tầng (cao trên 25m hoặc từ 10 tầng trở lên). Riêng loại hình nhà ở chung cư có 297 công trình, trong đó có 286 công trình đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC và đã được nghiệm thu về PCCC là 277 công trình. Ngoài số nhà ở chung cư nêu trên, TP còn rất nhiều chung cư thấp tầng. Trong đó chung cư từ 5-9 tầng là 257 công trình; chung cư dưới 5 tầng là 128 công trình. Ngoài ra, TP có khoảng trên 50 công trình chung cư cao tầng được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC 2001 có hiệu lực không đảm bảo yêu cầu an toàn PCCC.

Thống kê từ năm 2012 đến năm 2015, trên địa bàn TP để xảy ra 34 vụ cháy ở chung cư, nhà cao tầng. Nguyên nhân gây cháy, nổ chủ yếu là do bất cẩn trong sinh hoạt và sự cố về điện. Trong đó cháy do sự cố điện chiếm tỷ lệ 70,5%.

Những bất cập chủ yếu vẫn là ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của một bộ phận cán bộ, công nhân viên và người dân chưa cao. Một bộ phận người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở, chủ hộ gia đình và cá nhân chưa làm tốt trách nhiệm của mình trong công tác PCCC. Tổ chức các hoạt động PCCC tại chỗ ở nhiều nơi chưa được đẩy mạnh. Mô hình tổ chức, nội dung hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thành lập Ban quản lý, Ban quản trị cũng như Đội PCCC tại chỗ ở chung cư tái định cư gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định cụ thể. Ngoài ra, nhiều nhà chung cư cao tầng xây dựng trước năm 1975 hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng người dân còn tự ý xây dựng, cơi nới, lấn chiếm thêm khiến lối thoát nạn bị ảnh hưởng; công tác quản lý địa bàn, cơ sở, hướng dẫn cơ sở kiểm tra an toàn PCCC còn hạn chế…

Cảnh sát PC&CC TP kiểm tra thiết bị PCCC tại một chung cư cao tầng.

- Hiện nay trên địa bàn TP có không ít nhà cao tầng đã và đang đưa vào sử dụng tuy chưa được nghiệm thu về PCCC. Vì sao như vậy?

- Qua kiểm tra hiện nay có 12 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động cụ thể như: (Tòa nhà văn phòng 34 Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Luật TP, Chung cư 410, Tòa nhà Công ty TNHH CSC Việt Nam, Chung cư Hùng Vương, Chung cư Bùi Minh Trực, Chung cư Kim Tâm Hải, Chung cư Thái An 3 & 4, Chung cư Khang Gia, Chung cư 584, Chung cư Bắc Bình, Chung cư Nguyễn Quyền).

Nguyên nhân chủ yếu là chủ đầu tư của các chung cư thường bàn giao căn hộ theo tiến độ cam kết trên hợp đồng nên các căn hộ thường được các hộ dân sử dụng trước khi cơ quan Cảnh sát PC&CC kiểm tra nghiệm thu nên chưa bàn giao hệ thống PCCC; chưa tổ chức thành lập lực lượng PCCC cơ sở, hướng dẫn các biện pháp an toàn PCCC cho cư dân nếu xảy ra sự cố. Nhà thầu thi công không theo đúng thiết kế về PCCC; không lập hồ sơ hoàn công; trình độ năng lực của đơn vị thi công về PCCC còn hạn chế…

- Việc tiếp cận, cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy của lực lượng chức năng đối với các chung cư cao tầng có khó khăn thế nào? TP đã được trang bị những gì để xử lý khi xảy ra sự cố, thưa đồng chí?

- Số tầng và diện tích của công trình cao tầng tăng lên thì tính chất, mức độ nguy hiểm về cháy, nổ càng cao. Công tác thoát nạn và chữa cháy đối với chung cư cao tầng rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát PC&CC phải sử dụng nhiều loại phương tiện chuyên dùng và xe thang chỉ là một trong những phương tiện được sử dụng để phục vụ chữa cháy và cứu người.

Hiện nay, tại các đơn vị chữa cháy đều được trang bị xe thang chữa cháy có vươn tới chiều cao 56m (20 tầng). Theo quy định của Quy chuẩn xây dựng Việt Nam đối với các nhà cao từ 10 tầng trở lên phải có 1 thang máy phục vụ cho lực lượng chữa cháy và nhà cao từ 40 tầng trở lên phải có tối thiểu 2 thang máy phục vụ cho lực lượng PCCC khi cần thiết, bên cạnh đó, việc tiếp cận đám cháy bằng cầu thang bộ bên trong và bên ngoài công trình luôn được lực lượng Cảnh sát PCCC sử dụng.

Ngoài ra, theo quy định công trình nhà chung cư cao tầng bắt buộc phải thiết kế lắp đặt đầy đủ hệ thống báo cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống hút khói… tại tất cả các tầng. Bên ngoài công trình phải thiết kế họng nạp nước tại tầng trệt để xe chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC tiếp nước vào trong hệ thống chữa cháy bên trong công trình. Các hệ thống thiết bị chữa cháy tại các nhà cao tầng phải đồng bộ với thiết bị của lực lượng Cảnh sát PCCC.
Do vậy, dù cháy ở bất cứ tầng nào, lực lượng cảnh sát PC&CC TP cũng đều có khả năng tiếp cận được vị trí xảy ra cháy để cứu chữa. Tuy nhiên, vị trí đám cháy càng cao thì thời gian tiếp cận của lực lượng chữa cháy càng lâu, nên khả năng hoạt động kịp thời của hệ thống chữa cháy tự động tại các nhà cao tầng có ý nghĩa rất quan trọng.

- Xin cám ơn đồng chí!

 Khi có sự cố cháy, nổ trong nhà cao tầng, người dân cần:

1. Việc đầu tiên người dân sống trong chung cư cao tầng hoặc những người đến lần đầu cần phải xác định để ý vị trí cầu thang bộ thoát nạn ở đâu.

2. Khi có cháy hãy bình tĩnh dùng các thiết bị chữa cháy có sẵn dập tắt đám cháy. Nếu không dập được cháy hãy tìm các lối thoát nạn sẵn có theo đèn chỉ dẫn. Tuyệt đối không dùng thang máy vì khi xảy ra hỏa hoạn có thể nguồn điện bị ngắt, bạn sẽ bị kẹt trong đó. Đồng thời trên đường đi, hãy báo cho hàng xóm hoặc những người khác ở các phòng lân cận biết đang có cháy xảy ra.

3. Nếu phải băng qua lửa thì hãy dùng chăn, áo thấm nước ướt trùm lên người. Bò hoặc đi khom người khi di chuyển trong vùng có nhiều khói. Nếu có điều kiện, hãy dùng khăn thấm nước để bịt lên mũi sẽ giúp hạn chế hít phải khí độc. Lưu ý: Nếu phải mở cửa hãy kiểm tra nhiệt độ trước khi mở (bằng cách sờ tay vào cửa). Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở.

4. Khi mở cửa, nên tránh mặt, né người sang một bên đề phòng lửa tạt. Khi vào phòng nếu thấy có khói lùa vào hãy dùng vải, giẻ ướt chặn lấy chân cửa.

5. Nếu không tìm thấy lối ra cửa chính, hãy di chuyển ra ban công hoặc mở cửa sổ. Rồi từ ban công/cửa sổ hãy hô to cho mọi người biết. Sau đó gọi ngay cho lực lượng phòng cháy chữa cháy (số 114) để thông báo vị trí cụ thể của mình.

6. Trong khi chờ đợi lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp, hãy tìm các phương tiện cứu nạn có sẵn trong tòa nhà được trang bị từ trước như thang, dây thoát hiểm để xuống.

7. Hãy quan sát kỹ để tìm kiếm phương tiện, đôi khi tấm rèm, ga xé dọc, quần áo gió buộc lại cũng có thể là phương tiện giúp bạn thoát nạn. Lưu ý, tuyệt đối không hoảng hốt, nhảy từ trên cao xuống sẽ rất nguy hiểm.


Linh Đan - Minh Phương (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục