* Petrolimex lỗ, nhưng lương Chủ tịch HĐQT 58 triệu đồng/tháng
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng sáng 12-11, vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái kém chất lượng tràn lan trên thị trường; vấn đề chất lượng cuộc sống của người dân tại khu vực dự án, công trình thủy điện đã được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra.
Rà soát tất cả dự án thủy điện
Vấn đề được nhiều ĐB quan tâm tại buổi chất vấn là an toàn các công trình thủy điện. Các ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Tô Văn Tám (Kon Tum) còn đề cập đến chất lượng cuộc sống của những người dân tại các dự án, công trình này chưa được cải thiện dù mục tiêu đưa ra khi xây dựng là cuộc sống tái định cư của người dân ở chỗ mới phải tốt hơn. “Tại kỳ họp thứ ba, Chủ tịch QH đã đề nghị có chính sách tạo đột phá, giải quyết khó khăn. Bộ Công thương đã có nhiều đoàn công tác nhưng tình hình cuộc sống người dân chưa được cải thiện. Đề nghị bộ trưởng cho biết sẽ làm gì để thực hiện kết luận chỉ đạo của Chủ tịch QH” - ĐB Nguyễn Thái Học chất vấn.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận nhiều nơi, cuộc sống của người dân không được cải thiện, tái nghèo. Trước thực tế đó, Bộ Công thương đã kiểm tra tại một số địa điểm đặt công trình thủy lợi mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và đã phát hiện những bất cập này. Bộ đã yêu cầu EVN điều chỉnh kịp thời. Hiện EVN đang hoàn tất các thủ tục, báo cáo địa phương để có hướng đáp ứng nhu cầu bà con. Bộ Công thương sẽ khảo sát lại cuộc sống người dân tái định cư sau khi bị thu hồi đất làm các công trình thủy điện để từ đó đề xuất chính sách đặc thù hơn đảm bảo giải quyết cho đồng bào một cách tốt hơn.
ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, khi rà soát các dự án thủy điện Bộ Công thương đã quên dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Dự án này thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ. Nếu dự án này tác động đến môi trường, xã hội quá lớn, Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét.
Nghe vậy, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương đến hết năm 2013 hoàn thành và có báo cáo về việc rà soát tất cả các dự án thủy điện, an toàn đập, rừng, tái định cư của người dân để từ đó đưa ra phương án dự án nào tiếp tục, dự án nào phải điều chỉnh hoặc phải dừng.
Hàng giả tràn lan
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) muốn người đứng đầu ngành công thương đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trong thời gian tới. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhấn mạnh, xăng dầu kém chất lượng, hoa quả dư lượng hóa chất cao... đã khiến quyền lợi của người tiêu dùng bị vi phạm nghiêm trọng, khiến nhà sản xuất chân chính bị ảnh hưởng.
Thừa nhận thực tế này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng đây là hiện trạng không mới, đã tồn tại tương đối dài. Các cơ quan chức năng đã làm được nhiều việc nhưng vẫn chưa khắc phục được việc hàng kém chất lượng tràn lan trong lưu thông ảnh hưởng sức khỏe người dân. Để giải quyết, bộ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng, tăng cường xử phạt, nâng cao đạo đức nghề nghiệp lực lượng quản lý thị trường, giáo dục, tuyên truyền... Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhìn nhận, tình trạng gian lận diễn ra khiến chất lượng xăng dầu có vấn đề, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận. Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ KH-CN trong việc phối hợp kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm, xử lý nghiêm sai phạm.
Không hài lòng, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) hỏi tiếp: Vì sao hàng nông sản hóa chất độc hại vẫn nhập tràn lan chưa được chặn đứng? Bộ Công thương có kế hoạch gì để hàng hóa trong nước chiếm lĩnh thị trường? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Chính phủ cũng đã chỉ đạo xây dựng hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng việc phối hợp giữa các ngành chức năng để ngăn chặn còn hạn chế, việc xử lý các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe nên tái phạm ngày càng nhiều. Lực lượng quản lý thị trường phải đi đầu trong vấn đề này nhưng người tiêu dùng, dư luận cũng cần có thái độ kiên quyết hơn đối với các sản phẩm chất lượng kém.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: “Sau 1 năm nữa, bằng tất cả sự nỗ lực của ngành công thương và các bộ, ngành liên quan và giám sát của QH, chúng tôi tin rằng sẽ sớm chấm dứt tình trạng nón bảo hiểm kém chất lượng; sớm chấm dứt cơ bản tình trạng xăng dầu kém chất lượng”.
| |
NGỌC QUANG
Tôi đã 2 lần liên tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về cơ sở pháp lý của việc triển khai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Tôi đánh giá cao Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong việc từ cuối năm 2009 đến nay đã rà soát loại khỏi quy hoạch thủy điện trên 100 dự án, vậy cớ gì mà đối với dự án này lại không đặt vấn đề rà soát loại bỏ. Đó là chức năng của Bộ Công thương chứ không phải đợi ý kiến của Thủ tướng. Rất vui khi Chủ tịch QH nói là sẽ có nghị quyết về chất vấn kỳ này. Tôi mong trong nghị quyết này sẽ có nội dung yêu cầu Bộ Công thương thực hiện chức năng của mình đối với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Dự án này đã gây bức xúc trong các nhà khoa học, người dân Đồng Nai từ rất lâu, vì vậy cần có câu trả lời dứt khoát.
Cơ chế lương là do liên bộ Tài chính - Lao động - Công thương đề xuất, không thể nói là không biết rõ. Tôi biết có một văn bản của Phó Tổng giám đốc Petrolimex lý giải lương cao là vì làm trong ngành độc hại, có tư cách chuyên gia nên lương phải cao. Vậy sĩ quan quân đội, giáo viên, bác sĩ có phải chuyên gia không mà người ta lên vùng sâu vùng xa biên giới hải đảo nhưng lương không bằng 20% mức lương tổng giám đốc một tập đoàn thua lỗ nặng, như thế công bằng ở chỗ nào? Cơ chế lương phải đưa ra định mức vừa phải, kinh doanh có lãi thì nhà nước quyết định thêm anh được hưởng tỷ lệ tương ứng bao nhiêu chứ!
Việt Nam là nước có lịch sử lâu đời về làm nông nghiệp và xuất khẩu lúa gạo, nhưng lúa gạo Việt Nam xuất khẩu đến giờ phút này giá rất rẻ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người nông dân. Bộ trưởng vừa trả lời để làm tốt thương hiệu này còn rất nhiều việc. Ví dụ hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta làm thế nào đó để hoàn thiện, để thực hiện tốt sự phối hợp của các bộ, ngành, đồng thời có vai trò của doanh nghiệp tích cực hơn trong việc xúc tiến vấn đề này. Nhưng tôi muốn biết, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích cực xúc tiến vấn đề và tạo thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam thì Bộ Công thương phải làm gì chứ không phải chúng ta cứ nói đợi cái này, đợi cái kia, biết đến bao giờ hạt gạo Việt Nam mới có được thương hiệu?!
Cử tri là người tiêu dùng thì làm gì có điều kiện nghiên cứu, phân tích, phân biệt được đâu là hàng hóa có nhiễm và không nhiễm, đâu là hàng hóa kém chất lượng và đâu là hàng hóa tốt để có thể trở thành người tiêu dùng thông thái, người sản xuất có thể trở thành người sản xuất thông minh? Bộ trưởng cũng như các cơ quan có thẩm quyền nên công bố và khẳng định loại hàng nào không được sử dụng, loại hàng nào được sử dụng và nên chỉ đích danh tên gọi loại hàng hóa sản phẩm đó để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn. Xin nêu rõ là loại hàng hóa đó lưu thông phân phối ở địa chỉ nào và có đủ đáp ứng yêu cầu của thị trường hay không. P.THẢO - A.THƯ |