Phải căn cơ

Giảm nghèo tại các phường, xã khó khăn

Liên quan đến nội dung bài “Gian nan thoát nghèo” trên báo SGGP ngày 17-5, một số cơ quan chức năng đã có ý kiến về vấn đề này.

  • Ông Huỳnh Đăng Linh Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM: “Bao cấp” gần hết các nhu cầu

Ở 18 phường, xã nghèo trọng điểm (trong số 21 phường, xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 10%) của TP, gần như tất cả nhu cầu của người nghèo đặt ra trong năm đều được TP hỗ trợ; còn lại nhu cầu về học bổng cho trẻ em cấp 1 và bảo hiểm y tế là xã phải tính toán tự lo cho dân. Dự kiến, tổng nhu cầu của người nghèo tại 18 phường, xã trọng điểm năm 2013 mà Ban vận động “Vì người nghèo” TPHCM hỗ trợ là gần 83 tỷ đồng. Xã Nhị Bình đã mạnh dạn đăng ký cuối năm cơ bản không còn hộ nghèo và đó là mục tiêu khả thi. Không phải xã Nhị Bình chủ quan đặt mục tiêu như thế mà theo yêu cầu của TP, phải tập trung nhiều nguồn lực của TP để hỗ trợ người dân địa phương nâng cao thu nhập. Có 2 cách: đối với các hộ dân có lao động, có nguồn lực để thoát nghèo thì địa phương, TP sẽ giúp toàn diện để nâng thu nhập lên trên 12 triệu đồng/người/năm; đồng thời phải rà soát, chuyển các hộ không có nguồn lực thoát nghèo (TPHCM có trên 1.000 hộ - PV) sang diện bảo trợ xã hội mới đảm bảo mục tiêu phấn đấu cuối năm 2013 TP cơ bản không còn hộ nghèo.

Về ý kiến cho rằng mức hỗ trợ diện bảo trợ xã hội rất thấp (240.000 đồng/người/tháng), “đẩy” người quá nghèo sang diện bảo trợ xã hội, liệu trong khi TP sẽ đảm bảo tỷ lệ giảm nghèo thì người quá nghèo có phải tự xoay xở; nhưng thực tế các hộ quá nghèo không có nguồn lực để thoát nghèo. Để các hộ này nằm trong diện hộ nghèo thì cũng không thể nào làm cho người ta có thu nhập được: cho vay vốn, họ cũng không tự tạo việc làm được; giới thiệu việc làm, họ cũng không làm được… Chuyển họ sang diện bảo trợ xã hội, ngoài chăm lo của nhà nước, các địa phương còn vận động nguồn lực xã hội chăm lo trực tiếp. Đã là diện bảo trợ xã hội thì không có mức chuẩn, cho bao nhiêu, nhận bao nhiêu trên tinh thần đảm bảo cuộc sống cho họ. Chỉ đang kẹt là phải kiến nghị với Trung ương vì theo Bộ LĐTB-XH thì vẫn phải tính họ trong diện nghèo.

  • Ông Trương Văn Lương, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá TPHCM: Xã Nhị Bình không thể đạt mục tiêu

Xã Nhị Bình chưa thể cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2013. Muốn “cán đích” chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 thì phải có cơ sở. Hiện xã Nhị Bình còn tới 344 hộ nghèo, trong đó có 107 hộ chỉ có thu nhập dưới 8 triệu đồng/người/năm và giữa tháng 5-2013, xã mới rà soát lại nhu cầu của người nghèo để có biện pháp hỗ trợ thì không thể nào cuối năm nay lại cơ bản không còn hộ nghèo. Dự kiến, đến năm 2015, Nhị Bình mới cơ bản không còn hộ nghèo có thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm.

Cuối năm 2013, TPHCM sẽ kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2% tổng hộ dân và kết thúc chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 nhưng đối với 21 phường, xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 10% tổng hộ dân, sẽ không có phường, xã nào đạt mục tiêu trên.

  • Ông Nguyễn Văn Cảnh Chủ tịch UBMTTQ huyện Cần Giờ TPHCM: Cần có cách tính thu nhập sát với thực tế

Thời gian qua không có một khuôn mẫu đánh giá mức thu nhập của người nghèo cho rõ ràng. Chính việc đánh giá không công bằng khiến trong nội bộ người dân còn bức xúc. Và việc xác định thu nhập một cách cảm tính dẫn đến tỷ lệ người dân thoát nghèo cũng vô chừng; “giao bao nhiêu được bấy nhiêu, nếu đầu năm giao chỉ tiêu giảm 5% hộ nghèo thì cuối năm sẽ giảm được 5%. Tôi đề nghị cần có cách tính thu nhập sao cho sát với thực tế và có các mô hình giảm nghèo căn cơ.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục