Sau nhiều buổi tranh luận căng thẳng, cuối tuần qua Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đi đến thống nhất tăng 12,4% cho lương tối thiểu vào năm 2016. Theo đó, lương tối thiểu của các khu vực tăng tối đa thêm 500.000 đồng/người/tháng, kể ra cũng là một mức tăng đáng kể, nhưng so với đời sống thực tế thì mức tăng này chưa thấm tháp gì, thậm chí sẽ nhanh chóng “bão hòa” so với mức tăng của giá cả.
Người lao động có thể hưởng được niềm vui với sự tăng lương được một khoảng thời gian ngắn, rồi sau đó mọi thứ có thể lại trở như cũ, với những gánh nặng về việc ăn mặc, chỗ ở, giải trí, cuộc sống của gia đình…, mà phần đông đang phải chật vật mới đủ sống. Trên thực tế, nhiều người phải chấp nhận tăng ca, làm việc 10 - 12 giờ/ngày, 7 ngày/tuần, 28 - 30 ngày/tháng để có thể có thêm thu nhập. Như vậy, thời gian nghỉ ngơi, giải trí, học tập, chăm sóc gia đình… còn rất ít.
Cũng vì thu nhập thấp, sự chuyên tâm của người lao động đối với công việc sẽ không bảo đảm, dẫn đến chất lượng và hiệu quả công việc không cao, dễ xảy ra tai nạn lao động, sai sót của sản phẩm…
Một số người còn tranh thủ “làm thêm” ngay trong công ty, như bán card điện thoại, bán bảo hiểm, đồ ăn vặt (vào lúc nghỉ giữa ca, nghỉ trưa…), nhận làm việc ngoài bằng công cụ, phương tiện của công ty… Cá biệt có hiện tượng không lành mạnh như “móc ngoéo” với quản lý một số bộ phận để được vào làm những chỗ có thể “mánh mung” được hoặc tìm cách ăn cắp vặt… Dù cách nào thì sự gắn bó, trách nhiệm với nơi làm việc cũng thường không cao, nên dễ làm cho giới chủ ít tín nhiệm, ít muốn tăng lương và chính điều này lại là nguyên nhân của cái kết quả trước đó, tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Còn với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, cũng có tình trạng tương tự. Thu nhập thấp khiến nhiều người khó toàn tâm, toàn ý với chức trách, nhiệm vụ của mình, có khi làm việc theo kiểu “được chăng hay chớ”, làm tà tà tới tháng lãnh lương, không dốc hết sức, không chú trọng cải tiến để nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. Thậm chí, người làm việc tốt còn dễ bị người khác soi mói, đố kỵ. Để đối phó, nhiều người tranh thủ “chân trong chân ngoài” mà “chân ngoài dài hơn chân trong”, tức là tranh thủ các mối quan hệ để kiếm việc thêm. Một bộ phận cán bộ công chức, viên chức thiếu nhiệt tình với công việc và ít quan tâm đến sự bức xúc của người dân, thậm chí còn có hành vi sách nhiễu, vòi vĩnh hoặc đòi hối lộ. Không phải tất cả, nhưng thu nhập thấp là một trong những nguyên nhân của hiện tượng “tham nhũng vặt” mà dư luận thời gian qua rất bức xúc.
Thu nhập lúc đi làm đã thấp thì lương hưu lại càng thấp. Cách tính lương hưu dựa trên lương bình quân của nhiều năm (hiện là 15 năm) gây rất nhiều thiệt thòi cho người lao động, bởi những năm trước lương rất thấp; trong khi đó, lương chỉ là một phần, thậm chí là phần không nhiều của thu nhập nên với nhiều người, lương hưu hoàn toàn không đủ sống. Vì vậy, một số người lao động khi nghỉ làm chấp nhận lĩnh “một cục”, sau đó tìm việc khác làm hoặc có lĩnh lương hưu thì cũng không xem đó là thu nhập chính, mà phải đi làm thêm, buôn bán nhỏ hoặc dựa vào con cái, tức là có thể trở thành gánh nặng cho xã hội. Còn với một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, trước khi về hưu đã tìm những cách khác nhau để cải thiện thu nhập, tích lũy bằng bất động sản, vàng…, gọi là “để dưỡng già” chứ không chỉ dựa vào lương hưu. Chính tâm lý này thúc đẩy một số người có những hành động không thực sự đúng đắn, tích cực, để cố làm sao có thể có nguồn tích lũy.
Như vậy, trong xã hội có rất nhiều người đang sống bằng những nguồn thu nhập không chính danh. Đã không chính danh thì không kiểm soát được; không kiểm soát được thì rất khó đánh giá cũng như có biện pháp điều chỉnh phù hợp; đã không chính danh thì rất khó phòng chống tham nhũng có hiệu quả.
Để có thu nhập chính danh, về lâu dài phải cải cách triệt để vấn đề tiền lương, bao gồm việc tính các thang, biểu lương (hệ số lương, mức tăng và thời gian tăng cho từng bậc…), mức lương tối thiểu cho từng khu vực, rạch ròi về các phụ cấp, chế độ bảo hiểm… Gần hơn, phải quan tâm nhiều hơn đến các chế độ an sinh xã hội, như chăm sóc sức khỏe (bảo đảm người khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế được đối xử tốt và không phải đồng chi trả quá nhiều), chế độ giáo dục cho bản thân và con em người lao động (trong đó, tổ chức công đoàn quan tâm thực hiện theo chức năng của mình), tính lại chế độ lương hưu sao cho bảo đảm người lao động đã đóng lương hưu đúng quy định thì phải đạt được mức sống tối thiểu… Quá trình xây dựng chế độ lương và các vấn đề liên quan cần lắng nghe ý kiến của người lao động, tổ chức đại diện người lao động, đồng thời có những khảo sát khoa học, cụ thể.
TRỊNH MINH GIANG