Phải có chương trình hành động bảo vệ môi trường

Phải có chương trình hành động bảo vệ môi trường

Trong dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Đảng ta nêu rõ: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”. Còn trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 cũng nêu: “Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn đi cùng với bảo vệ và cải thiện môi trường. Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững”. Đó là định hướng đúng đắn cho sự phát triển kinh tế của mọi ngành, mọi địa phương. Nói vậy để thấy, vấn đề bảo vệ môi trường vừa cấp bách lại vừa lâu dài.

Cần biến nhận thức của người dân thành hành động bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Ảnh: H. Việt

Cần biến nhận thức của người dân thành hành động bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Ảnh: H. Việt

TPHCM đứng đầu cả nước về phát triển công nghiệp. Song song đó, TPHCM cũng đang nằm trong tốp 10 TP bị ô nhiễm nhất thế giới. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm sông Sài Gòn, Đồng Nai đang diễn biến khá phức tạp. Đây là hai nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội của TP nói riêng và 12 tỉnh, thành thuộc khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam.

Trước thực tế đó, UBND TPHCM đã tổ chức hai phiên họp thường kỳ Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai nhằm đưa ra những giải pháp kịp thời bảo vệ nguồn nước này.

Đáng ghi nhận là những giải pháp như tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường; khảo sát, thống kê hệ thống kênh rạch đang bị ô nhiễm để đưa ra những giải pháp xử lý thích hợp; tăng cường hệ thống quan trắc, kiểm tra chất lượng nguồn nước mặt; buộc các chủ đầu tư hạ tầng các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu dân cư phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải…

Nhiều biện pháp tuyên truyền, khích lệ của cộng đồng tham gia xây dựng TP văn minh, hiện đại cũng được nhiều quận huyện triển khai sâu rộng. Nhiều dự án vệ sinh môi trường đã được xây dựng và triển khai tại một số quận, huyện giúp TP xanh hơn, sạch hơn làm mát lòng dân và khách quốc tế.

Tuy nhiên, để duy trì được một TP xanh, sạch lâu dài và ngày càng xanh, lại là một thách thức lớn. Các cơ quan chức năng cần phải biến nhận thức của người dân thành hành động, thành thói quen sống văn minh. Và điều này không phải là chuyện một sớm một chiều có thể làm được. Hơn nữa, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng diễn biến phức tạp theo đà phát triển kinh tế - xã hội của TP. Việc nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình xả thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm nguồn nước trong thời gian qua đang thực sự là mối đe dọa lớn và dẫn đến nguy cơ phát triển thiếu bền vững của TP.

Do vậy, để duy trì và phát triển bền vững, TP cần xây dựng và triển khai kế hoạch thiết thực. Cụ thể, bảo vệ môi trường gắn kết với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP; thống kê thực trạng cũng như dự báo diễn biến ô nhiễm môi trường đến năm 2020; xây dựng cơ sở pháp lý từ trung ương đến các địa phương nhằm ngăn chặn nguy cơ phát sinh ô nhiễm.

Đặc biệt, trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của TP, phải có chương trình hành động bảo vệ môi trường. Trong đó, phải thiết lập dự án ưu tiên bảo vệ môi trường với các giải pháp, lộ trình và nguồn vốn cụ thể; lồng ghép chương trình bảo vệ môi trường với các chương trình trọng điểm quốc gia; tập hợp sức mạnh của các nhà khoa học tâm huyết với lĩnh vực bảo vệ môi trường…

Ngay từ bây giờ, TP nên dốc sức cho vấn đề bảo vệ môi trường. Việc bảo vệ môi trường không thể đợi cho đến khi phát triển kinh tế mạnh mới tính đến. Vì đến lúc đó, môi trường đã bị hủy hoại, tài nguyên bị cạn kiệt. Và khi đó, việc đầu tư để cải thiện, khôi phục lại môi trường sẽ tốn kém và khó khăn hơn rất nhiều. 

GS LÂM MINH TRIẾT
(Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia TPHCM)

Tin cùng chuyên mục