Báo cáo dự toán ngân sách năm 2016 trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết chưa bố trí được nguồn để tăng lương cơ sở trong năm tới. Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo SGGP bên hành lang kỳ họp Quốc hội, TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội (ảnh) bình luận:
Tiền lương cơ sở cũng chính là đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động. Khu vực doanh nghiệp chúng ta đã áp dụng Bộ luật Lao động, theo đó lương khu vực này do cơ chế 3 bên quyết định và tư vấn cho Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở và năm 2017, 2018 chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được tiền lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp. Nếu năm 2016 nâng lên 12,4% xấp xỉ 80% rồi. Vì vậy, lộ trình 2017, 2018 chắc chắn đạt được. Tuy nhiên, tiền lương cơ sở với lương tối thiểu không như nhau mà hoàn toàn khác. Tiền lương cơ sở của khu vực nhà nước chỉ là mức để chúng ta tính lương bằng hệ số tiền lương. Có ai thực sự hưởng hơn 1 triệu đồng lương cơ sở đâu, mà đều nhân với hệ số. Nhưng khi nhân với hệ số thì tiền lương cơ sở của người mới tốt nghiệp đại học là 2,34 thì cũng chỉ tương đương với mức lương vùng 1 của khu vực doanh nghiệp. Nếu điều kiện cải cách để nâng lương cơ sở cho cán bộ công chức thì đó chính là đòn bẩy để tăng năng suất lao động.
* Phóng viên: Vậy ông suy nghĩ thế nào về việc chưa thể tăng lương cơ sở trong năm 2016. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có lưu ý tại phiên họp UBTVQH về vấn đề này, 2016 là năm thứ 4 lương cơ sở không tăng, trong khi đời sống của cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn rất nhiều khó khăn?
- TS BÙI SỸ LỢI: Bộ trưởng Tài chính đã nói rất rõ chưa thể tăng lương là do ngân sách chưa cân đối được, trong khi tiền lương khu vực công hoàn toàn do ngân sách chi trả. Chúng ta luôn xác định tăng lương đồng thời với thực hiện tinh giản biên chế, nhưng cho đến nay bộ máy của chúng ta vẫn chưa được tinh giản gọn nhẹ và năng suất lao động của khu vực công rõ ràng đang có vấn đề. Khi chất lượng công việc của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức không tốt thì làm sao cải cách tiền lương! Cũng phải nói thêm rằng trong những năm qua chúng ta thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và đã kiềm chế được lạm phát. Năm nay lạm phát chỉ tăng 2%. Giá cả không lên, đời sống đỡ khó khăn, còn giá tiêu dùng lên mà không cải cách tiền lương thì đời sống cán bộ, công nhân viên chức sẽ hết sức khó khăn.
Về mặt cơ bản chúng ta cố gắng giữ mức lương cơ sở như hiện nay nhưng có biện pháp cải cách toàn bộ hệ thống thang bảng lương để làm sao phần lương “cứng” chiếm 70% trở lên, còn phần “mềm” như các khoản phụ cấp chỉ chiếm 30% thôi. Hiện nay, trong cơ cấu lương của chúng ta phần cứng thậm chí thấp hơn cả phần mềm. Điều này là không đúng với nguyên tắc tiền lương.
* Muốn lương phần cứng nhiều hơn thì rõ ràng phải tăng lương cơ sở, thưa ông?
- Đúng vậy, nhưng chúng ta chưa làm được, lý do tôi đã giải thích ở trên. Nếu không thì sẽ phải tăng nợ công lên, phải đi vay để cải cách tiền lương. Tuy vậy, theo lộ trình nhất định là phải tăng lương cơ sở, nhưng hiện nay chúng ta chưa đủ căn cứ để nâng lương. Về lâu dài phải tìm ra các biện pháp cải cách tiền lương toàn diện, không chỉ là tăng lương cơ sở mà quan trọng là cải cách hệ thống thang bảng lương để làm sao tiền lương đúng ý nghĩa là đòn bẩy để tăng năng suất lao động.
* Xin cảm ơn ông!
ANH THƯ thực hiện