Phải được học chỗ có chất lượng

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, bắt đầu từ ngày 20-8 này, các trường đại học mới bắt đầu được nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường đại học đã không thực hiện đúng quy chế và tự đưa ra thời hạn xét tuyển sớm để kết thúc xét tuyển sớm, trái với quy định của Bộ GD-ĐT. Một trong những nguyên do khiến các trường cố tình xé rào, tuyển nguyện vọng bổ sung sớm là để “tranh” thí sinh rớt nguyện vọng 1 đang tìm kiếm cơ hội vào một trường đại học phù hợp.

Đây cũng là thời điểm mà rất nhiều thí sinh có điểm thi ĐH-CĐ bằng điểm sàn và trên điểm sàn trong cả nước tới tấp nhận được giấy triệu tập, giấy mời nhập học của không chỉ một mà nhiều trường đại học. Thậm chí mới đây cô thợ may Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1977, ở thôn Đạo Ngạn 1, Xã Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang cùng lúc nhận được giấy báo trúng tuyển đại học của 2 trường ĐH Thành Đô và ĐH Hòa Bình.

Sự thật đúng là có thí sinh Nguyễn Thị Liên sinh năm 1994 (hộ khẩu thường trú ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) dự thi ĐH Sư phạm Hà Nội với tổng số điểm 3 môn là 14,25 điểm. Thí sinh này trượt nguyện vọng 1 ĐH Sư phạm Hà Nội và cùng lúc được vài trường đại học ngoài công lập gửi giấy mời chào nhập học (nhưng không may thư mời nhập học lại gửi cho cô thợ may). Nêu ví dụ đó để thấy, hàng ngàn thí sinh trượt đại học nguyện vọng 1 nhưng đủ điểm sàn đang là đích ngắm của hàng loạt các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, các trường nghề, thậm chí là vô số các chương trình liên kết đào tạo, các trung tâm tư vấn du học.

Năm nay, theo tính toán của Bộ GD-ĐT còn dư tới gần 240.000 thí sinh có điểm bằng và trên điểm sàn so với tổng chỉ tiêu của các trường. Đồng nghĩa, rất nhiều thí sinh trong số đó, cùng với cả những thí sinh có điểm thi dưới điểm sàn cũng sẽ được các trường ĐH-CĐ, trường nghề, thậm chí là vô số các chương trình liên kết đào tạo, các trung tâm tư vấn du học... trải thảm chào đón.

Một thực tế rất dễ nhận thấy, đó là “thị trường giáo dục đại học” đang ngày càng có sự phân hóa mạnh mẽ. Có những trường tốp trên, 27 điểm vẫn trượt đại học như thường trong khi với những trường đại học tốp dưới, nhất là các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, chỉ cần đủ điểm sàn là thí sinh chắc ăn một suất chỉ tiêu nếu có nhu cầu. Thí sinh dưới điểm sàn, thậm chí không cần thi ĐH-CĐ, chỉ cần tốt nghiệp THPT cũng hoàn toàn chắc ăn chỗ học ở các trường cao đẳng nghề, thậm chí đi du học ở cả nước phát triển (nếu có tiền).

Không quá khi nói cả một “thị trường giáo dục” sau phổ thông đang phát triển hết sức rầm rộ, mà ở đó, chỉ cần có tiền là thí sinh có chỗ học, còn chất lượng, hậu quả thì chưa bàn. Vì thế mà dẫn đến chuyện gần đây rất nhiều lưu học sinh ở Nhật Bản đã chia sẻ thực trạng, nhiều tổ chức tư vấn du học có hành vi lừa gạt, dụ dỗ nhiều thí sinh du học tự túc sang Nhật Bản. Khi sang tới nơi, các thí sinh bị “đem con bỏ chợ”, nhiều em lâm vào tình cảnh “đi cũng dở, ở không xong”, dẫn đến nhiều hành vi trộm cắp, gây rối, rốt cuộc là tiền mất tật mang.

Như vậy có thể thấy, với một thị trường giáo dục sau phổ thông đầy cạnh tranh hiện nay, thí sinh đang trở thành “thượng đế” của nhiều cơ sở đào tạo. Rất đáng tiếc, các “thượng đế” này tuy được lựa chọn nhiều nhưng lại chưa hẳn hài lòng. Bởi chất lượng của các cơ sở đào tạo đó thế nào, ai cũng hiểu. Chúng ta đều biết, phát triển giáo dục đại học (GDĐH) là để thực hiện sứ mạng công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, vì nếu không phát triển GDĐH thì không có chuyên gia, nhân lực chất lượng.

Nhưng GDĐH của Việt Nam hiện nay rất bất cập, rõ nhất là tình trạng thừa thầy thiếu thợ, bằng chứng là các doanh nghiệp nước ngoài không thể tuyển đủ kỹ sư ở Việt Nam dù giữa mênh mông các trường đào tạo kỹ sư đủ mọi ngành. Dư luận đã từng nhiều lần lên tiếng về tình trạng một bộ phận không nhỏ thí sinh học ĐH-CĐ xong, ra trường không tìm được việc làm do không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng cũng như không phù hợp với thị trường lao động. Điều đó rất lãng phí công sức, tiền bạc của xã hội và đòi hỏi ngành giáo dục phải nâng cao chất lượng GDĐH, nhất là GDĐH ngoài công lập.

Còn quá nhiều ý kiến khác nhau về phát triển GDĐH, nhất là GDĐH ngoài công lập hiện nay. Nhiều người cho rằng cần hạn chế để siết lại chất lượng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng không nên dè dặt trong mở trường ĐH, rằng ít nhất phải có từ 5 - 10 năm kinh nghiệm và phải đạt tới một quy mô nào đó thì trường thành lập mới có chất lượng. Trong khi đó, xã hội không cần biết Việt Nam có bao nhiêu trường đại học là đủ. Xã hội chỉ quan tâm người học có nhu cầu thì phải được học và phải là chỗ học có chất lượng, xứng đáng với “đồng tiền, bát gạo” mà họ đã bỏ ra. Bậc đại học phải tạo ra những con người biết làm việc, chứ không phải là để sinh viên ra trường bị thất nghiệp hoặc phải đào tạo lại.

Bởi thế, câu chuyện các trường đang tìm mọi cách để mời thí sinh đủ điểm sàn nhập học hay các tổ chức tư vấn du học dễ dàng đưa được học sinh Việt Nam ra nước ngoài rồi “đem con bỏ chợ”, đều là bài toán không dễ giải đối với ngành GD-ĐT. Nhưng ngành giáo dục bắt buộc phải giải nếu không muốn GDĐH Việt Nam ngày càng tụt hậu. Mà muốn giải, theo nhiều chuyên gia, phải phân hóa được học sinh. Phải có học sinh đủ chuẩn kiến thức để vào học trường ĐH bảo đảm chất lượng; và cũng phải có học sinh chưa đạt ngưỡng kiến thức cần thiết phải được phân loại sớm để học nghề, trở thành những người “thợ” giỏi mà xã hội đang rất thiếu.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục