Ít người có thể nhớ hết hiện nay mình phải đóng bao nhiêu loại thuế và phí. Nghĩa vụ đóng thuế để Nhà nước trang trải các vấn đề an sinh là chuyện đương nhiên của một công dân ở bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, cần nhớ rằng quyết định nào liên quan đến túi tiền người dân đều rất nhạy cảm, nhất là trong hoàn cảnh “thắt lưng buộc bụng” hiện nay. Những ngày qua, việc đi lại của người dân bỗng trở thành chuyện thời sự trên mặt báo. Bởi bây giờ ra đường là bị phí bủa vây: qua trạm, ra vào cảng, trước bạ, cấp biển số xe, bảo hiểm, kiểm định và phí xăng dầu mà nay đã “thoát xác” thành thuế môi trường…
Chưa hết, từ ngày 1-6, người dân phải chịu phí bảo trì đường bộ, rồi hai loại phí mà Bộ GTVT đang trình Chính phủ thu là phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân tại 5 TP trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng và phí lưu thông ô tô trong đô thị giờ cao điểm.
Lẽ dĩ nhiên, người dân sẽ không so đo, tính toán khi biết rõ tiền của mình được sử dụng vào việc ích nước, lợi nhà. Thế nhưng, mức độ phản ứng của dư luận đối với các loại phí sắp thu cho thấy dường như cái khó đang được đẩy về phía dân.
Tại sao phải thu phí bảo trì đường bộ trong khi để tham gia giao thông người dân đã đóng quá nhiều loại thuế và phí? Hơn nữa, ngành giao thông chưa hề đảm bảo rằng sau cả “rừng phí” ấy chất lượng các tuyến giao thông sẽ đảm bảo như chi phí người dân bỏ ra. Rất khó thuyết phục người dân khi giải thích theo kiểu “mỗi loại phí khác nhau cả về mục tiêu thu, đối tượng thu”.
Có những cái nghịch lý đang tồn tại một cách khó hiểu. Nước ta vẫn thuộc nhóm nước nghèo, thu nhập bình quân đầu người trên dưới 1.000 USD nhưng giá ô tô, nhà đất lại cao nhất nhì thế giới. Rồi phí giao thông cũng trên trời, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương được khẳng định đạt chuẩn quốc tế dài 40km, có 4 làn xe và 2 làn đường khẩn cấp chỉ bằng 1/4 đường cao tốc chuẩn của Mỹ nhưng lại thu phí cao gấp 20 lần (đường cao tốc TPHCM - Trung Lương thu phí trung bình 8.000 đồng/km, còn phí đường cao tốc chuẩn của Mỹ trung bình 350 đồng/km). Đơn cử những con số này để thấy rằng khi thu phí và định ra mức phí cần nhìn một cách thấu đáo và toàn diện hơn.
Trong hội thảo tổng kết 5 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mới đây, khi đề cập năng lực cạnh tranh ở Việt Nam so với các nước, nguyên Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam Lương Văn Tự đã nêu hàng loạt khó khăn như chi phí vận tải ở nước ta chiếm tới trên 25% GDP, trong khi Thái Lan chỉ 20%... Điều này cho thấy năng lực cạnh tranh của nước ta yếu hơn các nước lân cận.
Còn theo GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, ngành tài chính trong nhiều năm đã thu thuế, phí vượt kế hoạch. Giai đoạn 2006 - 2010 chúng ta đã huy động vào ngân sách tới 28% GDP, trong khi mức chung các nước khoảng 15% - 16%. Nhiều chuyên gia cho rằng hệ lụy của việc tận thu làm người dân “cháy túi” nên không còn sức tiêu dùng để kích thích sản xuất.
Rõ ràng, việc thu phí giao thông không đơn thuần là chuyện của ngành giao thông để bảo trì cầu - đường hay hạn chế xe cá nhân, vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia. Do vậy, không thể tùy tiện muốn thu là đặt tên loại phí để thu, mà phải hỏi ý dân để tìm những giải pháp hợp lý, hiệu quả.
TRẦN TOÀN