Hiện nay, cứ nói đến xã hội hóa giáo dục là người dân nghĩ ngay đến các khoản tiền phải đóng cho nhà trường và Hội Phụ huynh học sinh khi cho con đi học đến cách tạo quỹ cho học sinh nghèo, học sinh giỏi được học, được khen. Nhà quản lý giáo dục lại nghĩ cách đa dạng hóa loại hình trường và quy định học phí sao cho bảo đảm công bằng xã hội.
Hiện có cả một nhóm chuyên gia trong và ngoài nước đang nghiên cứu 3 phương án xã hội hóa giáo dục cho TP đến năm 2020 nhưng lại đặt nhiệm vụ trọng tâm là… thiết kế mức thu học phí. Như vậy xã hội hóa giáo dục tựu trung lại là huy động dân góp tiền cho trẻ em học. Cách hiểu đó đang làm méo mó chủ trương này.
Điều 12 của Luật Giáo dục năm 2005 về xã hội hóa sự nghiệp giáo dục ghi rõ: “Phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân”. Mục tiêu sâu xa của xã hội hóa giáo dục là xây dựng xã hội học tập nhằm thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục. Đối tượng của giáo dục giờ đây là toàn dân, là đại chúng nên giáo dục phải thỏa mãn yêu cầu được giáo dục của không chỉ trẻ em và thanh niên mà cả người lớn đã đi làm, người khuyết tật, người già.
Theo tôi, xã hội hóa giáo dục có 3 nội dung lớn. Đó là tạo ra phong trào học tập chính quy và không chính quy sâu rộng trong toàn xã hội, vận động toàn dân, trước hết là người trong độ tuổi lao động thực hiện học tập suốt đời. Thứ hai là vận động toàn dân chăm sóc thế hệ trẻ, tạo môi trường giáo dục tốt, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Cuối cùng là tăng cường trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với sự nghiệp giáo dục đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm và sự tham gia của toàn dân vào công tác này.
Vậy Việt Nam nên áp dụng hình thức xã hội hóa giáo dục nào? Trước hết, phải tổ chức cho người dân tham gia vào các quyết sách liên quan đến giáo dục như chiến lược phát triển giáo dục, chương trình dạy và học, sách giáo khoa… Phải khuyến khích người có trình độ phù hợp tham gia viết tài liệu và giảng dạy ở các lớp học chính quy và không chính quy. Tạo cơ chế huy động mọi tổ chức (trường học chính quy, doanh nghiệp, các câu lạc bộ và nhà văn hóa thể dục thể thao, các trung tâm, phương tiện thông tin đại chúng và bưu chính viễn thông, thư viện…) làm giáo dục không chính quy.
Phải lôi cuốn các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước vào hoạt động giáo dục như giao đất “sạch” để làm trường, ưu đãi tín dụng… Vay vốn nước ngoài để nâng cấp cơ sở vật chất cho giáo dục và đào tạo giáo viên, nhất là cho trường nghề và đại học. Đa dạng hóa các loại hình trường và các hình thức giáo dục.
Liên kết với các trường trong và ngoài nước, với doanh nghiệp trong thiết kế chương trình, sách giáo khoa, công tác quản lý trường và công tác đào tạo, thực tập. Củng cố các Hội Khuyến học, Hội Phụ huynh học sinh, đưa các tổ chức trên vào hoạt động quy củ, có thực chất và hiệu quả. Lập các quỹ khuyến học do cá nhân, tổ chức trong hay ngoài nước tài trợ cho người học có thành tích tốt, có hoàn cảnh đặc biệt. Có chính sách ưu tiên cho các vùng giáo dục kém phát triển, thành phần nghèo đi học, nâng cao tính bình đẳng trong cơ hội học chữ và học nghề ở các độ tuổi. Cuối cùng là khuyến khích du học bằng các nguồn khác nhau.
Khi thiết kế mức học phí, phải có những yêu cầu riêng. Một giáo viên nuôi 1 con dù dạy ở cấp bậc học nào phải có thu nhập tại trường không thấp hơn mức thu nhập trung bình trong dân. Chi phí dạy và học phải được tính đủ. Thiết kế mức học phí phải dựa trên thu nhập đầu người của nhóm dân cư có mức sống trung bình; thu nhập cần có của mỗi nhóm giáo viên theo cấp bậc học; mức tăng GDP trung bình hàng năm thuộc nhiệm kỳ đại hội; mức trượt giá; chỉ số giá tiêu dùng; tỷ lệ đóng góp nhà nước/người dân trong mọi chi phí của từng cấp, bậc học trường công lập. Nếu cách làm trên được HĐND chấp nhận sẽ có ngay mức học phí của từng giai đoạn.
Xã hội hóa giáo dục không chỉ là huy động tiền mà còn là huy động nhân lực, chất xám và tinh thần trong xã hội để lo cho giáo dục. Xã hội hóa giáo dục không chỉ là lo chuyện học cho trẻ em mà còn cho cả người lớn.
TS HỒ THIỆU HÙNG