Phải kiểm soát chặt nguồn vốn xã hội hóa

Huy động nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông là quyết định đúng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để sử dụng nguồn vốn này hiệu quả, tiết kiệm, Nhà nước nên có những giải pháp quản lý hữu hiệu hơn nữa

Huy động nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông là quyết định đúng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để sử dụng nguồn vốn này hiệu quả, tiết kiệm, Nhà nước nên có những giải pháp quản lý hữu hiệu hơn nữa

Tại sao? Câu trả lời nằm ngay trong quy trình về đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Quy trình này, theo một chuyên gia giao thông từng là một trong những lãnh đạo của ngành giao thông, thì về phía Nhà nước còn nhiều lỏng lẻo trong công tác quản lý chất lượng cũng như xác định tổng mức đầu tư công trình. Xây dựng dự toán công trình, thiết kế kỹ thuật, chọn lựa ký hợp đồng thi công với nhà thầu, với tư vấn giám sát… hoàn toàn do chủ đầu tư quyết định. Nhà nước chỉ tổ chức giám sát với nhiệm vụ chủ yếu là kiểm tra chủ đầu tư trong việc thực hiện thủ tục đầu tư. Còn công tác kỹ thuật - yếu tố quan trọng làm nên chất lượng công trình, Nhà nước không can thiệp sâu. Trong quá trình xây dựng, việc nghiệm thu từng hạng mục do tư vấn mà chủ đầu tư thuê thực hiện. Tư vấn giám sát về phía Nhà nước chỉ xem xét hồ sơ nghiệm thu và nếu cần có thể kiểm tra “đầu” công trình trên thực địa để xác nhận từng hạng mục mà chủ đầu tư đã thực hiện.

Cũng theo vị chuyên gia này, hơn 10 năm trước đây, Nhà nước gần như giao toàn bộ quyền kiểm soát chất lượng các công trình giao thông xây dựng theo hình thức BT, BOT… cho chủ đầu tư. Thời gian gần đây, Nhà nước đã bổ sung thêm nhiều quy định để kiểm soát chất lượng công trình hạ tầng giao thông thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Thế nhưng, việc “khoán” hầu hết các công đoạn kỹ thuật cho chủ đầu tư chịu trách nhiệm vẫn gây ra không ít lo ngại từ phía các nhà chuyên môn. Nhất là khi có nhiều công trình giao thông trên cả nước vừa được cải tạo, xây dựng mới theo hình thức xã hội hóa đã xuống cấp.

Cũng có nhiều công trình hạ tầng giao thông được xây dựng mới từ nguồn vốn ngân sách mau chóng hư hỏng, xuống cấp. Công tác kiểm tra, giám sát quá trình đầu tư xây dựng, vì thế, dù được đầu tư bằng nguồn vốn nào, cũng cần phải được tăng cường. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh cả nước nói chung và TPHCM nói riêng nỗ lực huy động các nguồn vốn xã hội hóa để phát triển công trình giao thông thì việc rà soát, đánh giá lại công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng bằng nguồn vốn này cần được thực hiện chặt chẽ. Tất cả để người dân, Nhà nước có được các công trình hạ tầng giao thông chất lượng, thiết thực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

TÂM ĐỨC

Tin cùng chuyên mục