Trò chuyện Hà Nội

Phải làm gì cho Hà Nội?

* Nếu được quyền quyết định, việc đầu tiên ông sẽ làm cho Hà Nội là gì?

* GS Vũ Khiêu:
Tôi chỉ là một trí thức làm khoa học, nghiên cứu về Hà Nội. Tuy nhiên tôi thấy cần phải giữ gìn và phát huy những giá trị văn hiến Thăng Long – Hà Nội một cách mạnh mẽ hơn nữa. Bởi đó là thứ vô cùng quý giá, to lớn mà cha ông ta đã để lại cho chúng ta hôm nay.

* Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Điều đầu tiên theo tôi là tìm cách bảo tồn những giá trị văn hóa Hà Nội đúng nghĩa. Bởi việc mở rộng Hà Nội như hiện nay đang phai nhạt, mất dần những cái gì gọi là bản sắc của Thăng Long – Hà Nội. Để phát triển Hà Nội trên mọi phương diện có nhiều cách khác nhau, chứ không nhất thiết mở rộng địa bàn như hiện nay. Địa bàn Hà Nội đã được định hình sau cả ngàn năm, chúng ta cần phải cố gắng giữ nó để bảo lưu những giá trị vốn có. Khi chưa có điều kiện để giữ gìn tốt, thì chúng ta hãy cố gắng đừng để bị pha tạp, làm loãng đi những giá trị quý báu đó.

* Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc: Tôi nghĩ phải đưa tất cả vào nền nếp, trật tự. Từ trên xuống dưới. Bây giờ nhiều cái lộn xộn, xô bồ quá. Quy định pháp luật phải thật nghiêm túc, người thực hiện cũng vậy. Có như vậy, thì Hà Nội mới giữ được sự thanh lịch với giá trị truyền thống của mình. Phải làm nghiêm, phải thực sự thật lòng với Hà Nội mới có thể giữ gìn và phát triển những gì mà cha ông đã để lại cho Hà Nội hôm nay.

* Nhà văn Tô Hoài: Từ trước đến nay, tôi rất thích công tác đoàn hội. Bởi nó giúp mình tiếp xúc nhiều, học hỏi được nhiều từ đời sống thực tế để rồi viết lách hay hơn. Bây giờ mà còn sức khỏe, tôi sẽ làm việc gì đó ở ngay tổ dân phố của mình có ý nghĩa thiết thực với đời sống hôm nay. 

TRẦN LƯU (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục