Quan tâm tình trạng hàng gian, hàng giả tràn ngập thị trường, gây bức xúc trong dân, cuộc họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngày 7-1 đã đặt vấn đề này lên bàn hội nghị, khiến dư luận nóng lên. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương lưu ý: Ở bất cứ đâu người dân cũng mua được hàng lậu thì quản lý thị trường (QLTT) như vậy là vô hiệu và chừng nào còn sự vô hiệu này thì còn đất sống cho buôn lậu. Buôn lậu lộng hành như thế sẽ phá hoại cả nền kinh tế. Hầu hết các đại biểu cũng đều cho rằng có tiêu cực trong lực lượng phòng chống buôn lậu.
Những vấn đề đặt ra, những dẫn chứng xác đáng của các đại biểu Quốc hội tưởng chừng như đánh đúng vào nguyện vọng của dân. Nếu giải quyết các vấn đề này một cách nghiêm túc, sẽ chấn chỉnh được tiêu cực, ổn định thị trường. Thế nhưng, câu trả lời của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khiến nhiều người thất vọng. Nó mang tính biện hộ hơn là tiếp thu, chấn chỉnh. Dù thừa nhận: “Chắc chắn là có tình trạng tiêu cực trong hoạt động phòng chống buôn lậu”, nhưng ông cho rằng “chưa gây tác hại đến mức phá hoại cả nền kinh tế” như đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói, mà chỉ mới ở mức “gây tác động tiêu cực”. Rồi ông thừa nhận, có tình trạng tiêu cực trong hoạt động phòng chống buôn lậu, nhưng chỉ là số ít, nếu không thì khó mà đạt được những kết quả như vừa qua. Đó là con số từ năm 2010 đến nay lực lượng QLTT đã xử lý hơn 289.000 vụ buôn lậu. Thế nhưng, trong mắt người dân, có tiêu cực, có bảo kê cho buôn lậu, hàng gian, hàng giả hay không, không phải là số lượng vụ buôn lậu bắt được, mà là chất lượng công tác, số hàng lậu trên thị trường. Không thể nói rằng buôn lậu chưa phá hoại nền kinh tế, khi mà tính riêng mặt hàng thuốc lá thì hàng lậu chiếm đến 85% (theo con số đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đưa ra), việc bắt buôn lậu thì chỉ bắt những người mang vác nhỏ lẻ, mà chưa bắt được đầu nậu. Đó là chưa kể, không ít vụ kiểm tra, khám xét, chính cán bộ QLTT hợp tác với kẻ gian để hạ số lượng hàng giả xuống nhằm trục lợi, vi phạm lớn thì phạt nhỏ…
Trong mắt người dân, đi đâu cũng thấy hàng lậu, hàng giả. Ở lề đường thì thấy nón bảo hiểm giả, trong siêu thị hàng giả bày bán công khai. Một chiếc đồng hồ CK, Citizen chính hãng giá hàng chục triệu đồng nhưng ở siêu thị An Đông bày bán hàng giả với giá chỉ khoảng 2 triệu đồng. Các mặt hàng quần áo, túi xách, nước hoa lậu, không tem mác được bán khắp các gian hàng. Thậm chí, người bán cũng thừa nhận hàng không có hóa đơn chứng từ nên rẻ.
Chẳng hiểu Bộ trưởng Bộ Công thương nhìn nhận thị trường từ góc độ nào, khi mà người dân ai cũng thấy hàng lậu, hàng gian, hàng giả tràn ngập vậy mà ông vẫn cho rằng chưa phá hoại nền kinh tế. Người tiêu dùng bị lừa, doanh nghiệp làm ăn chân chính không thể sống được, muốn tồn lại phải cuốn vào thị trường “bẩn”, bằng cách giảm chất lượng, né thuế để kiếm lời. Phải nhìn từ thực tế thị trường để quy ra trách nhiệm, đừng né tránh trách nhiệm bằng cách biện hộ. Điều người dân mong đợi ở cán bộ là sự cầu thị, nếu không, cho dù lời biện hộ nghe có vẻ xuôi tai nhưng niềm tin trong dân lại bị đánh mất.
HÀN NI