Phải sửa Luật đất đai, quy trách nhiệm cụ thể

Dưới góc nhìn chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực đất đai, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng, bất kỳ một sự đầu tư nào vào đô thị cũng sẽ làm giá đất tăng lên. Bài học rút ra là, cần phải có quy hoạch cụ thể, có lịch trình thực hiện quy hoạch đó sao cho chi phí thu hồi đất bồi thường, hỗ trợ tái định cư dù ít nhưng phải đảm bảo lợi ích cho những người thay đổi chỗ ở trong quá trình thực hiện quy hoạch. 

Từ đây, Nhà nước sẽ thu được giá trị đất tăng lên do chính sự đầu tư của Nhà nước mang lại. Đặc biệt, chia sẻ lợi ích với người bị thu hồi đất không chỉ bằng tiền, mà cả bằng những chính sách khác.

Ví dụ, một người có đất 100m2, bị thu hồi một nửa, thì diện tích đất để lại họ sẽ vui lòng hơn là Nhà nước lấy hết rồi chuyển cho nhà đầu tư khác. Rõ ràng bài toán chia sẻ lợi ích rất cần sự công bằng, minh bạch, không bị lợi ích cá nhân chi phối.

Rất tâm huyết với vấn đề này, một lãnh đạo Sở GTVT TPHCM (xin giấu tên) cho biết, có thực tế là, một dự án đang bị vướng đền bù, chỉ cần trả thêm một khoản tiền không lớn sẽ có mặt bằng thi công ngay. Nếu để kéo dài sang năm sau, năm sau nữa, giá đền bù sẽ tăng lên, vốn đầu tư công trình cũng đội lên, gấp nhiều lần so với giá đền bù ban đầu.

Chắc chắn, công trình đi vào vận hành sớm sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho xã hội. Ai cũng biết rõ như vậy nhưng không ai dám làm, nếu làm là sai luật, nặng hơn là bị truy tố vào “tội cố ý làm trái”. Do đó, muốn làm tốt công tác GPMB, phải sửa Luật đất đai, tất cả vướng mắc thực tiễn phải được giải quyết trong luật, đồng thời bảo vệ người thực thi pháp luật.

Vấn đề tiếp theo là phải quyết liệt, chịu trách nhiệm cụ thể trong công việc. Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đi trong nội đô, vướng nhà dân dày đặc. Nhằm thúc đẩy công tác GPMB, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, đã thường xuyên xuống hiện trường, khảo sát thực tiễn, liên tục họp giao ban với các đơn vị làm công tác GPMB.

Thậm chí làm tới đâu, vướng chỗ nào, vượt thẩm quyền của quận có thể gọi ngay cho đồng chí để xử lý. Nhờ đó, đến nay công tác GPMB đã gần về đích, rất nhanh chóng nếu so với các tuyến khác.

Từ thực tiễn này, vị lãnh đạo của Sở GTVT hiến kế, phải quy trách nhiệm cụ thể. Ví dụ, nếu dự án không đủ điều kiện duyệt giá, Sở GTVT chịu trách nhiệm; không đủ vốn bố trí cho dự án thì Sở KH-ĐT chịu trách nhiệm; GPMB không được thì Sở TN-MT chịu trách nhiệm; còn quy hoạch chưa xong là Sở QH-KT chịu trách nhiệm. Không hoàn thành trách nhiệm thì những người đứng đầu các cơ quan đó phải bị xem xét xử lý kỷ luật trước Đảng, trước nhân dân. Chắc chắn, giao trách nhiệm rõ ràng như thế việc GPMB sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Tin cùng chuyên mục