Phải tổng lực tháo gỡ “nút thắt” cho nông nghiệp

Ngoài phần trả lời của lãnh đạo các bộ ngành liên quan về các vấn đề mà nông dân nêu ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đối thoại cởi mở, thẳng thắn với nông dân về nhiều vấn đề.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chiều 28-9, tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) diễn ra Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2020, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với tỉnh Đắk Lắk tổ chức, với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt, giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị, cùng với sự tham gia của lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương và hơn 300 nông dân. 

Phải tổng lực tháo gỡ “nút thắt” cho nông nghiệp ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thẳng thắn, cởi mở

Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong nông nghiệp, cơ bản năm nay, năm đại dịch Covid-19, chúng ta vẫn được mùa, trúng giá từ lúa gạo, thủy sản, trái cây… có thể nói, một nền nông nghiệp thắng lợi toàn diện trong năm nay. Tuy vậy, trách nhiệm của chúng ta còn nhiều việc cần làm; nhiều trăn trở của người nông dân về nông nghiệp, nông thôn cần giải pháp tháo gỡ. 

Tại hội nghị, nông dân đã đặt nhiều câu hỏi về phát triển cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu; giải pháp ngăn chặn phân bón giả; giải pháp khắc phục các cây trồng chủ lực mất giá; phát triển cây mắc ca; giải pháp hỗ trợ nông dân nuôi trồng thủy sản; giải pháp để phát triển cà phê xuất khẩu bền vững…

Ngoài phần trả lời của lãnh đạo các bộ ngành liên quan về các vấn đề mà nông dân nêu ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đối thoại cởi mở, thẳng thắn với nông dân về nhiều vấn đề. Trong đó, về vấn đề phát triển cây cà phê, Thủ tướng cho rằng, cà phê là mặt hàng chiến lược của Việt Nam. Để quy hoạch vùng cà phê bền vững, cần quy hoạch vùng sản xuất rõ ràng; thâm canh tốt hơn nữa, không được phá rừng tự nhiên trồng cà phê; nâng cao chất lượng trồng cà phê thâm canh. Về phía Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương tiếp tục mở rộng thị trường; Ngân hàng Nhà nước giải quyết vốn để tái canh cà phê. 

Về vấn đề “rất nhiều nông dân khốn khổ vì mắc ca không có quả” mà chị Vi Thị Thanh (dân tộc Thái, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) nêu, Thủ tướng cho biết, ngày 29-9 Thủ tướng chủ trì hội nghị 5 năm trồng mắc ca. Theo Thủ tướng, cây mắc ca là cây có hiệu quả. Việc mắc ca không quả hoặc ít quả, Thủ tướng yêu cầu phải kiểm tra ai cung cấp loại giống không có trái này. Thủ tướng mời chị Vi Thị Thanh tới dự hội nghị 5 năm trồng cây mắc ca để lắng nghe các nhà khoa học về vấn đề trồng cây mắc ca ở nước ta. 

Trường hợp nông dân Trần Hoàng Anh (tỉnh Gia Lai) hỏi về giải pháp để chấm dứt tình trạng phân bón giả, sau khi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT trả lời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Có ông Tuyến (Đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk - PV) ở đây, phải điều tra, truy tố, xét xử những tổ chức, cá nhân sản xuất, tiêu thụ phân bón giả. Phải xử từng vụ một… Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra, xử lý các vụ việc”.

Phải tổng lực tháo gỡ “nút thắt” cho nông nghiệp ảnh 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các nông dân tiêu biểu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Lắng nghe để phát huy tiềm năng

 Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta cần đẩy mạnh, tháo gỡ những nút thắt của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay, như: Chính sách đầu tư vốn cho nông nghiệp, chính sách tiếp cận đất đai sản xuất lớn, các giới hạn về hạn điền, ứng dụng công nghệ cao; vấn đề thực hành sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; vấn đề liên kết vùng giá trị; liên kết “6 nhà”… Trước hết cần giải quyết vốn cho bà con nông dân, cần có phương án giảm lãi suất cho những hộ nông dân ở những vùng bị thiên tai, bệnh tật để bà con có vốn tái sản xuất. Giải quyết các vướng mắc về đất đai cho bà con, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số; ngăn chặn hiệu quả tình trạng một số nông trường, lâm trường phát canh thu tô, gây khó khăn cho sản xuất của bà con. 

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT có chính sách đẩy mạnh chế biến, nhất là ở những vùng sản xuất lớn, giúp ổn định tiêu thụ, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá thì mất mùa. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đi liền với đó là quy hoạch sản xuất, đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các bộ ngành, nhất là Bộ NN-PTNT tiếp tục hướng dẫn bà con sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Lãnh đạo địa phương cần thường xuyên đối thoại với bà con nông dân; với các cấp Hội Nông dân để lắng nghe, tìm hiểu tâm tư của bà con, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Đặc biệt, các hợp tác xã (HTX) có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp. Liên minh HTX Việt Nam, các địa phương tích cực hỗ trợ bà con tham gia vào HTX. Đó cũng là tạo thuận lợi để bà con nông dân tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng dễ hơn. Các bộ ngành trung ương tạo điều kiện để các chính sách, chế độ đến với bà con tốt hơn. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Công thương tham gia tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, triển khai tốt các Hiệp định CPTPP, EVFTA. Các bộ ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình; bám sát các vấn đề bà con nông dân đưa ra để có giải pháp tháo gỡ, nhất là giảm lãi suất, giúp bà con vay vốn thuận lợi. 

Thủ tướng đề nghị Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương và bà con để kịp thời giải quyết vướng mắc như dạy nghề, tạo việc làm… Chính phủ sẽ mở các kênh để lắng nghe nhiều hơn nữa ý kiến đóng góp, kiến nghị của nông dân, giúp bà con phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sản xuất kinh doanh để nâng cao đời sống, xây dựng đất nước văn minh giàu đẹp.

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú: Giãn nợ, cho vay mới để bà con có vốn sản xuất

 Chính sách hỗ trợ sản xuất cây công nghiệp chủ lực và các cây trồng có tiềm năng ở Tây Nguyên như cà phê, tiêu, điều, bơ, cây ăn quả khác hiện vẫn đang được thực hiện theo Nghị định 55, có sửa đổi năm 2018, đã mở ra rất nhiều điều kiện thuận lợi về vay vốn. Theo đó, bà con nông dân không cần tài sản thế chấp vẫn có thể được vay lên đến 3 tỷ đồng. Đi kèm với đó là các chính sách bảo hộ, hỗ trợ rủi ro thiên tai khách quan. Tuy nhiên, đối với chuyện cây tiêu chết hàng loạt năm 2018 vừa qua, đặc biệt là ở địa bàn Gia Lai, Đắk Lắk khiến ngân hàng đang có tới 2.400 tỷ đồng thuộc diện khó đòi. Chúng tôi biết rằng khó khăn này của bà con là do mưa dài ngày làm tiêu chết, sản phẩm không tiêu thụ được. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã ngay lập tức có văn bản chỉ đạo giãn nợ, cho vay mới để bà con tiếp tục có vốn đầu tư sản xuất, chuyển đổi cây khác.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải: Đầu ra sản phẩm hết sức quan trọng

Về vấn đề tiêu thụ sản phẩm phải dựa trên cung - cầu thị trường. Chúng tôi xác định, đầu ra là hết sức quan trọng nên đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân sản xuất kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn, kể cả những mặt hàng có thế mạnh. Xác định rõ những vướng mắc về thị trường, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương vào cuộc tháo gỡ.

Một trong những giải pháp mà Chính phủ thúc đẩy là xúc tiến, đẩy mạnh ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA. Làm thế nào để tận dụng được thế mạnh từ các FTA? Đây là việc Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ ngành tích cực triển khai, cung cấp thông tin về các FTA cho doanh nghiệp và người dân, để doanh nghiệp có thể tận dụng tốt cơ hội về ưu đãi thuế quan. 

Đối với từng thị trường, chúng tôi có chương trình xúc tiến thương mại riêng, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Tin cùng chuyên mục