Phải vì quyền lợi người bệnh

Phải vì quyền lợi người bệnh

Luật Dược (sửa đổi)

Hiện còn nhiều nội dung lớn trong lĩnh vực dược chưa được đưa vào phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật Dược sửa đổi  (Luật Dược). Cần bổ sung để đáp ứng tình hình mới, phải giải quyết những vấn đề cốt lõi, tạo nền pháp lý và bệ phóng cho ngành dược phát triển, ít nhất là trong 10 năm tới.

Thúc đẩy sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu

Luật Dược 2005 đã bước đầu xác định các chính sách vĩ mô để ưu tiên phát triển công nghiệp dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 tầm nhìn năm 2020. Tuy nhiên, việc thực thi chưa hiệu quả do hạn chế của các văn bản dưới luật (còn nợ hoặc không cụ thể hóa được các chính sách vĩ mô); việc đánh giá kết quả thực tiễn không được thực hiện nghiêm túc, làm cho những chủ trương chính sách đúng đắn về phát triển công nghiệp dược nội địa chưa đi vào cuộc sống. Luật Dược 2005 đã quy định các chính sách nhằm tạo cơ chế cho việc phát triển ngành dược. Tuy nhiên, các chính sách này còn chung chung, thiếu tính đột phá, thiếu sự đầu tư của Nhà nước (về vốn, bao gồm cả vốn ODA), thiếu cơ chế thực hiện việc xã hội hóa, chưa quy định chính sách tạo động lực cho việc phát triển công nghiệp dược...

Dự thảo Luật Dược sửa đổi chưa đưa ra được (hoặc có đề cập nhưng chưa đủ) những chính sách cụ thể để tạo bứt phá cho sự phát triển công nghiệp dược Việt Nam, vốn đã “ì ạch” trong suốt hơn 10 năm qua. Khoản 1 Điều 3 của Luật Dược 2005 “Phát triển ngành dược thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn, ưu tiên phát triển công nghiệp Dược” đã được bỏ đi nhưng trong Luật Dược sửa đổi không đưa ra những mệnh đề thay thế, cụ thể hơn, mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn. Trong khi, các quy định nhằm xử lý, khằc phục thực trạng dư thừa nhà máy, đầu tư sản phẩm trùng lặp, thị trường manh mún, cạnh tranh không lành mạnh (cạnh tranh về giá và tiêu cực, thay vì cạnh tranh bằng chất lượng); dư thừa công ty phân phối, nhiều tầng nấc trung gian, nhập khẩu tràn lan, cắt lô, độc quyền, nâng giá… chưa được cụ thể hóa trong Luật Dược sửa đổi.

Người bệnh mua thuốc tại một nhà thuốc bệnh viện.

Cần xác định các mũi nhọn trong công nghiệp dược để ưu tiên phát triển trong giai đoạn 5 năm đầu sau khi áp dụng Luật Dược mới. Không thể trải rộng và dàn đều tất cả các lĩnh vực về dược sẽ làm phân tán nguồn lực và dẫn tới đầu tư dàn trải kém hiệu quả như thực trạng của 10 năm qua. Cần có chính sách hỗ trợ xuất khẩu, khuyến khích đầu tư công nghệ cao đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, sản xuất các thuốc đặc trị, phát triển nguyên liệu dược liệu. Nói cách khác phải xác định phát triển bền vững theo chiều sâu chứ không phải phát triển tự phát bằng số lượng. Chính sách này phải ban hành song song với định hướng có các hàng rào kỹ thuật để hạn chế thuốc nhập khẩu cùng loại.

Giá thuốc nhập khẩu quá… bất ổn!

Dự thảo Luật Dược sửa đổi không có gì mới trong quản lý giá thuốc, chưa có cơ sở để xác định giá kê khai như thế nào là hợp lý, chỉ quản chặt sản phẩm trong nước trong khi đối với thuốc nhập khẩu không quản được công đoạn xây dựng giá CIF trước khi vào Việt Nam. Thực tế, thị trường giá thuốc bất ổn tập trung ở các thuốc nhập khẩu. Phải thừa nhận và tìm cách khắc phục các nguyên nhân bất ổn giá thuốc trên một thị trường quá phức tạp: Độc quyền và câu kết nâng giá của một số thuốc nhập khẩu; mua bán lòng vòng, tầng nấc trung gian đẩy giá lên; mua chuộc bác sĩ kê đơn (hoa hồng, chiết khấu)… Cần quy định hạn chế số lượng các tầng nấc trung gian, thặng số tối đa, trên cơ sở giá kê khai được kiểm soát chống kê khống. Việc in giá thuốc đăng ký lên bao bì cũng là một giải pháp, nhưng phải khắc phục được tình trạng kê khống đối phó đã từng xảy ra.

Luật Dược sửa đổi là kim chỉ nam, là căn cứ pháp lý để làm bệ phóng cho sự phát triển của ngành dược Việt Nam trong các thập kỷ tới, do vậy phải đưa ra những định hướng chiến lược có thể bảo đảm thực hiện được các nguyên tắc phát triển. Thực tế hiện nay nhà nước không đầu tư, doanh nghiệp tự bươn chải nhưng vẫn có những tên tuổi tiên phong, không thua kém nước ngoài. Luật Dược sửa đổi rất cần có cơ chế tạo môi trường thuận lợi, giúp doanh nghiệp trong nước đầu tư sâu về chất lượng, có thể cạnh tranh công bằng ngay trên sân nhà cũng như xuất khẩu. Điều quan trọng nữa là bảo đảm đủ thuốc cho nhu cầu của nhân dân. Cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân với chất lượng bảo đảm, giá hợp lý; phù hợp với cơ cấu bệnh tật, đáp ứng kịp thời yêu cầu an ninh, quốc phòng, thiên tai, dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp khác. Và hơn hết là chính sách phải công khai, minh bạch, cải cách hành chính, đẩy mạnh chống tiêu cực, phải có giải pháp quyết liệt để hạn chế sự bành trướng của “lợi ích nhóm” trong lĩnh vực quản lý dược.

Sau 10 năm thực hiện Luật Dược (2005), ngành dược vẫn chưa trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn. Trên thực tế, giá trị thuốc sản xuất trong nước tính đến năm 2014 mới chiếm 0,72% GDP của Việt Nam, 2,18% so với tổng doanh thu ngành công nghiệp sản xuất quốc gia. Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân. Sản xuất thuốc ở trong nước mới đáp ứng được 50% nhu cầu sử dụng thuốc (mà chủ yếu là các thuốc generic, nhóm thông thường nhiều hơn nhóm đặc trị). Riêng nguyên liệu, bao bì sử dụng để sản xuất thuốc trong nước, Việt Nam vẫn phải nhập tới 90% từ nước ngoài.

ĐBQH-PGS-TS
PHẠM KHÁNH PHONG LAN

Tin cùng chuyên mục