Phải xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm pháp luật với giáo viên

Thời gian gần đây, xã hội “nóng” với những vụ việc xảy ra trong ngành giáo dục, nhất là về văn hóa ứng xử trong trường học. 
Giáo sư Đào Trọng Thi
Giáo sư Đào Trọng Thi

Liên tục các vụ việc như: nữ giáo viên quỳ trước mặt phụ huynh, học sinh bóp cổ cô giáo, thầy giáo bị phụ huynh đánh gãy xương mũi... khiến nhiều người dân cảm thấy bất an ở chốn học đường. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với Giáo sư Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này. 

- PHÓNG VIÊN: Thưa Giáo sư! Ông nghĩ sao về những vụ việc gần đây của ngành giáo dục liên quan đến giáo viên phải quỳ, học sinh bóp cổ cô giáo…?

>> GS ĐÀO TRỌNG THI:  Các vụ việc xảy ra rất đau  xót vì đó là vấn đề đạo đức xã hội do văn hóa ứng xử kém. Có nhiều vấn đề cần phải nhìn nhận xoay quanh các câu chuyện này. Thứ nhất, giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống của chúng ta chưa được coi trọng, có phần sa sút. Thứ hai là xử lý không nghiêm minh.  Những sự việc này được xã hội bàn tán nhiều nhưng xem ra những người có trách nhiệm chỉ phản ứng “thế thôi”, “bức xúc thế thôi” chứ không nhìn nhận và giải quyết đúng bản chất sự việc. Tôi chưa thấy mấy người đề xuất được những giải pháp để xử lý từng trường hợp cụ thể cũng như những giải pháp để cải thiện tình hình. Nói chung vẫn là chỉ lên án khi sự việc xảy ra để thỏa mãn cảm xúc của mình chứ không phải là những giải pháp cần thiết. Và quan trọng là các cơ quan có trách nhiệm xử lý cũng chưa nghiêm minh, chủ yếu là đối phó nhiều hơn. Khi chuyện xảy ra thì xã hội “rùng rùng” lên, cấp trên chỉ đạo cấp dưới, cấp dưới nhiều khi lại giải quyết cho qua chứ không phải là làm cho đến nơi đến chốn, không phải làm để giải quyết dứt điểm tình hình. Tôi nghĩ tất cả những vấn đề này chúng ta phải nghiên cứu.

Tôi cũng cho rằng xã hội không nên bức xúc một cách không đi đến đâu, mà nên bình tình để xử lý. Khi đã xử lý thì phải kiên quyết, như thế mới tốt hơn, đặc biệt là về phía các cơ quan chức năng. Người dân có thể phản ứng chủ yếu xuất phát từ cảm xúc, trách nhiệm của họ không phải là đi sâu để giải quyết vấn đề, nhưng trách nhiệm của các cơ quan chức năng thì phải khác. Nhất là các cơ quan về văn hóa, giáo dục cần có những suy nghĩ, có tầm nhìn xa hơn để giải quyết vấn đề. Còn các cơ quan pháp luật thì cần phải vào cuộc xử lý nghiêm minh.

- Cụ thể những vụ việc gần đây cơ quan pháp luật nên vào cuộc thế nào thưa ông?

Tôi nghĩ một số vụ việc gần đây hoàn toàn có thể xử lý về mặt pháp luật, vì có nhiều vấn đề về mặt pháp luật. Các luật sư cần phân tích cụ thể các vụ việc này hơn, có thể xử lý thế nào, kiến nghị cụ thể ra sao. Tôi cho rằng, dư luận xã hội cũng như các cơ quan chức năng cần có thái độ nghiêm túc hơn, trách nhiệm hơn khi xử lý các vụ việc này. Ví dụ trường hợp cô giáo bị bắt quỳ hoàn toàn có thể xử lý về mặt pháp luật được. Đảng ủy xã đã khai từ đảng đối với phụ huynh bắt giáo viên quỳ, nhưng sau đó chưa thấy gì thêm. Trong khi vụ việc này, ngoài xử lý về mặt đảng thì cơ quan pháp luật cần vào cuộc để xử lý, có thể khởi tố vụ án, vì nếu trường hợp này phụ huynh không phải là đảng viên thì không bị xử lý gì sao!? 

Vụ việc này không chỉ là vấn đề tư cách đảng viên, đó còn là vấn đề pháp luật, nên phải xử nghiêm. Tôi chưa thấy cơ quan pháp luật có hành động gì để tương xứng với trách nhiệm của mình. Cơ quan giáo dục cũng thế, thấy xã hội phản ứng thì cấp trên chỉ đạo cấp dưới rồi xử lý cho qua, chưa bao giờ thấy làm một cách bài bản và đúng trách nhiệm của mình cả. Từng vụ việc cụ thể phải được xử lý đúng tính chất, đừng chỉ dừng ở việc phản ứng ầm ĩ lên một lúc rồi thôi. Nhất là thái độ của các cơ quan chức năng khi thấy xã hội không nói nữa là thôi, không giải quyết thêm gì nữa, tôi cho rằng họ cần phải làm hết trách nhiệm của mình đối với xã hội.

- Thưa ông, xoay quanh những câu chuyện này cũng đặt ra vấn đề ứng xử của giáo viên trong nhà trường. Bởi đôi khi sự cứng nhắc của người thầy trong hành xử với học sinh đã dẫn đến những câu chuyện buồn?

Tất nhiên, điều đó đặt ra vấn đề ứng xử của giáo viên. Học sinh với thầy giáo, rộng ra là của người với người chứ không chỉ là trong phạm vi văn hóa học đường, nhưng tôi cho rằng đó lại là khía cạnh khác của vấn đề. Còn ở đây trực tiếp theo tôi vẫn là những vấn đề về pháp lý. Những vụ việc vừa qua đều có những vi phạm về pháp luật, dĩ nhiên cũng có những vi phạm chỉ ở mức hành chính. 

Còn vấn đề đạo đức thì dư luận đã lên án. Nhưng theo tôi, bản chất vấn đề là phải xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội, đúng tính chất vấn đề chứ không chỉ dừng ở nêu bức xúc với thái độ tôn sư trọng đạo. Nếu mà nói công bằng thì qua những vụ việc này, xã hội cũng cần nhìn nhận lại ngay thái độ của mình với các thầy cô giáo - một vấn đề cần phải xem xét hiện nay. Đôi khi tôi có cảm giác xã hội rộ lên phong trào bôi nhọ giáo viên. Rất nhiều người phát biểu vô trách nhiệm với thầy cô giáo, điều đó ảnh hưởng đến thái độ của xã hội, của học sinh đối với thầy cô giáo. Tôi khẳng định một điều, học sinh đối xử vô lễ với thầy cô giáo thì chắc chắn cha mẹ các em có vấn đề. Đó là chưa kể một số trường hợp thì phụ huynh đã biểu hiện rất rõ “vấn đề” của họ khi ứng xử với thầy cô giáo. Chúng ta nên nhớ thái độ của học sinh trước hết bắt nguồn từ cha mẹ, rồi mới mới đến ảnh hưởng từ xã hội, nên khi các em có vấn đề gì thì trách nhiệm của cha mẹ các em là rất lớn.

Dĩ nhiên giáo viên sai, có những hành động phản giáo dục trong đối xử với học sinh thì ngành giáo dục phải xử lý giáo viên. Các vụ việc vừa qua như giáo viên phạt học sinh phải quỳ nhiều lần, thầy giáo tát học sinh… thì thầy cô giáo cũng có lỗi và tất nhiên họ phải bị xử lý theo đúng quy định của ngành giáo dục. Khi giáo viên có những hành vi phản giáo dục mà không bị nhà trường, không bị ngành giáo dục xử lý thì sẽ dẫn đến phản ứng tiêu cực của xã hội. Khi giáo viên sai, phụ huynh chờ trường, chờ ngành xử lý mà anh không xử lý thì người ta tự xử lý.  

Nhưng dù sao thì không thể lấy lý do vì thầy cô đối xử với con tôi như thế nên tôi đối xử lại với thầy cô như thế. Giáo viên xử lý sai với học sinh thì sẽ bị trường, bị ngành giáo dục xử lý chứ không ai được phép xử lý giáo viên như các vụ việc vừa qua. Đó là cách tiếp cận vô trách nhiệm và nguy hiểm. Vì thế, tôi cho rằng, trong những vụ việc vừa qua, cả nhà trường, ngành giáo dục và cơ quan chức năng đều chưa xử lý một cách nghiêm túc các sai phạm. 

- Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục