Phạm pháp tăng, khám phá thấp

Năm 2011, nhiều tội phạm vẫn gia tăng mạnh, nhất là tội phạm về ma túy (tăng 20% với trên 12.000 vụ), môi trường (tăng 8,4% với gần 5.000 vụ) và trật tự quản lý kinh tế - chức vụ (tăng 4,38% với hơn 11.000 vụ).

Năm 2011, nhiều tội phạm vẫn gia tăng mạnh, nhất là tội phạm về ma túy (tăng 20% với trên 12.000 vụ), môi trường (tăng 8,4% với gần 5.000 vụ) và trật tự quản lý kinh tế - chức vụ (tăng 4,38% với hơn 11.000 vụ).

Đó là những con số được đại diện Bộ Công an cho biết tại Hội nghị giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố kiểm điểm 1 năm thực hiện Chỉ thị 48 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” diễn ra vào ngày 5-12 do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Đại diện Bộ Công an nhìn nhận: “Tình hình tội phạm năm 2011 đã được các cơ quan chức năng cố gắng kiềm chế nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Đã xảy ra 74.839 vụ phạm tội các loại và 4.808 vụ vi phạm về pháp luật môi trường”. Trong số tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, nổi lên là tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội (chiếm 92% tổng số vụ và tăng 5%), cướp giật tài sản nơi công cộng, đâm thuê, chém mướn, bảo kê, đòi nợ thuê (do vỡ nợ, hụi, tín dụng đen…). Nhiều đối tượng hình sự trong các băng nhóm đã triệt phá trước đây có biểu hiện hoạt động trở lại dưới các hình thức thành lập các doanh nghiệp, dịch vụ, nhà hàng, cho vay nặng lãi…

Đáng nói, tội phạm trộm cắp diễn ra nhiều, chiếm 51% tổng số vụ phạm pháp hình sự (tăng 5,11%) nhưng tỷ lệ khám phá thấp (dưới 60%). Có nhiều vụ sử dụng công nghệ cao để trộm cắp tiền trong các tài khoản cơ quan, cá nhân và trạm ATM. Tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên cũng tăng 11%, tội phạm mua bán người (chủ yếu phụ nữ) còn tiềm ẩn phức tạp và đã phát hiện gần 400 vụ. Nổi lên trong tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ngoại hối, xảy ra nhiều vụ lừa đảo tín dụng đen lớn. Đối với tình hình tội phạm về ma túy gia tăng phức tạp, nhất là các tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung và Tây Nam, đặc biệt là tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Riêng tội phạm tham nhũng được phát hiện thấp (220 vụ). 

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ phòng chống tham nhũng thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Để tội phạm lộng hành, gây tổn hại cho nhân dân thì lãnh đạo Đảng, chính quyền, Thủ trưởng cơ quan Công an địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân. Tuyệt đối không để tồn tại tình trạng dung túng, bao che, tiếp tay tội phạm”.

Xác định cụ thể 9 công việc trọng tâm phải thực hiện trong giai đoạn 2012-2015, trong đó đồng chí Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải xác định phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và phải huy động toàn dân tham gia, tạo phong trào rộng lớn về phòng chống tham nhũng, đồng thời cần tập trung giải quyết dứt điểm ở từng địa bàn cơ sở (xã, phường, thôn, xóm, bản, làng...). Các địa phương phải chăm lo đời sống cho người dân những khu vực khó khăn đồng thời quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần, giải trí của thanh thiếu niên, nhất là thanh thiếu niên chưa có nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định, lang thang…

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ trước mắt, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an và các địa phương trên cả nước mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 để bảo vệ bình yên cho nhân dân.

H.Hiệp - Q.Khánh

Tin cùng chuyên mục