Chúng tôi rất bất ngờ và đau buồn trước sự ra đi khá đột ngột của chú Ba Quang. Mới tháng trước, chú còn khỏe - tất nhiên là cái khỏe của người ở tuổi 86 - vẫn đi lại và thăm hỏi nhiều người, vẫn còn trăn trở với bao vấn đề của đất nước, của thành phố. Vậy mà…
Những người công tác từng được làm việc, cộng tác, gặp gỡ với chú Ba luôn cảm thấy học được rất nhiều điều từ chú. Chúng tôi học ở chú Ba tinh thần của một đảng viên kiên trung, bất khuất, trong lao tù, trong tranh đấu vẫn không hề nao núng. Chúng tôi học ở chú tinh thần cầu thị, lắng nghe, bất kể người đó có tuổi tác, vị trí công tác thế nào.
Là người làm công tác tuyên giáo qua hai cuộc kháng chiến, chú Phạm Quang luôn nhắc nhở chúng tôi trong công tác tư tưởng - văn hóa phải chú ý đến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, của cán bộ, đảng viên - tức là những người được coi là đối tượng tác động của công tác tuyên truyền nói riêng và tuyên giáo nói chung. Một trong những câu chuyện mà chú hay kể chúng tôi nghe như là một “kinh nghiệm xương máu” của người làm công tác này chính là một lần “thất bại” của chú. Hồi 20 tuổi, lúc là Ủy viên Tuyên truyền của Quận bộ Việt Minh huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, có lần nói chuyện trước nhân sĩ, trí thức, chú hăng hái trình bày suốt một tiếng đồng hồ, cả về lý luận lẫn tình hình thực tế. Mọi người chăm chú lắng nghe, nhưng đến khi mọi người bắt đầu đặt câu hỏi thì nhiều vấn đề chú không biết trả lời sao! Chú kết luận: “Như vậy chính mình còn chưa thông thì làm sao làm cho người khác thông?”.
Chú Ba đã nhiều lần dùng ngòi bút đề đạt với lãnh đạo các cấp phải quan tâm đến vấn đề “ý Đảng lòng dân”. Kỷ niệm ngày truyền thống công tác dân vận năm 2010, chú nêu ý kiến: “…Bảo đảm vai trò nòng cốt giáo dục, vận động cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng và chính quyền, của Mặt trận và các đoàn thể. Nói chung là làm thế nào để ý Đảng hợp với lòng dân, tạo nên sự đồng thuận trong cộng đồng xã hội, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân…”.
Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng năm 2011, chú nêu 3 vấn đề tâm đắc và cần được nghiên cứu sâu, đó là “dân chủ trong Đảng và dân chủ trong nhân dân”, “cơ chế tổ chức và hoạt động của Đảng, chính quyền” và “vấn đề cán bộ”. Trong đó, về vấn đề dân chủ, chú viết: “Dân chủ với dân là phải gần gũi với dân, thông cảm với dân, đối thoại trực tiếp với dân, lắng nghe những ý kiến, kiến nghị chính đáng của dân để tổng hợp báo cáo với Đảng; góp phần xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng. Đồng thời phải tận tình giải thích những ý kiến, kiến nghị chưa thật đúng đắn, những phát biểu sai lầm của một số người trong dân. Riêng đối với những ý kiến phản động, xuyên tạc sự thật của những phần tử xấu thì phải phản kích quyết liệt và bác bỏ. Có như thế mới làm cho ý Đảng hợp với lòng dân…”.
Để bảo đảm được “ý Đảng lòng dân”, theo chú là phải thực sự phát huy dân chủ. Nhân kỷ niệm ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng, tháng 8-2008, chia sẻ kinh nghiệm công tác với cán bộ, chuyên viên của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, chú đúc kết: Một trong những điều mà chú “ngộ” được của công tác tuyên giáo là phải thực sự dân chủ, không dân chủ thì không bàn bạc, thảo luận được những chủ trương hay, không phát huy được ý kiến tập thể.
Cũng trên tinh thần đó, nhân triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, chú nêu giải pháp: “Phải phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng và trong nhân dân. Trong Đảng là tự phê bình và phê bình, đấu tranh nội bộ thật sự trung thực và thẳng thắn, bảo đảm đoàn kết nội bộ chặt chẽ ở từng cấp ủy, từng đảng bộ, chi bộ - cơ quan. Trong dân tức là trong các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và Mặt trận Tổ quốc cần phát huy tinh thần yêu Đảng, góp ý, phản ánh với Đảng về phẩm chất của cán bộ, đảng viên ở cả hai mặt tốt và xấu, nhất là những cán bộ lãnh đạo đứng đầu các cơ quan Đảng và chính quyền. Những nhận xét, góp ý của nhân dân cần được tổ chức tổng hợp, phân loại ở từng cấp để nghiên cứu, kiểm tra xác minh đúng sai”.
Với chúng tôi, chú Ba Quang thực sự là một nhà cách mạng gắn chặt lý luận với thực tiễn; giải quyết các vấn đề thực tiễn trên cơ sở vận dụng lý luận, sau đó tổng kết thực tiễn để bổ sung, làm phong phú thêm cho lý luận. Nói cách khác, ở chú, chúng tôi học được tinh thần “nói đi đôi với làm”. Mà cách nói, cách làm của chú luôn giản dị, dễ hiểu nhưng không kém phần sâu sắc và hiệu quả.
Xin nghiêng mình kính tiễn chú!
NGUYỄN MINH HẢI