(SGGPO).- Chiều 1-10, dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Qua thẩm tra dự luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Ủy ban Pháp luật cho rằng, để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò, trách nhiệm cần quy định cụ thể hơn các cơ chế để Mặt trận thực hiện các nhiệm vụ; làm rõ hơn cơ chế để MTTQVN tham gia hoạt động góp ý với Nhà nước, thực hiện giám sát, phản biện xã hội; quy định rõ trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa MTTQVN với các thành viên của Mặt trận; phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật này với các luật chuyên ngành có liên quan; xác định rõ những nội dung cần quy định trong Luật, những nội dung quy định trong Điều lệ.
Tuy nhiên, vẫn còn một số quan điểm khác nhau giữa cơ quan soạn thảo, thẩm tra, trong đó đáng lưu ý, là việc MTTQVN góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên; phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành với quy định của dự thảo Luật là không quy định việc Mặt trận tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên, phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng, vì Hiến pháp cũng như các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay của Nhà nước ta hầu như không có quy định cụ thể về vấn đề này mà do cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định.
Một số ý kiến khác cho rằng, một trong những điểm mới của Hiến pháp vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2013 là ghi nhận chức năng của Mặt trận trong việc “giám sát và phản biện xã hội” đồng thời quy định Đảng “chịu sự giám sát của nhân dân”. Như vậy, việc giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước của Mặt trận được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, áp dụng với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cả tổ chức Đảng, đảng viên cũng như đường lối, chính sách của Đảng. Do đó, ý kiến này đề nghị dự thảo Luật cần được bổ sung quy định về việc MTTQVN tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với cả dự thảo đường lối, chính sách của Đảng.
Bên cạnh đó, về hoạt động phản biện xã hội của MTTQVN, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra tán thành quy định của dự thảo Luật (giới hạn phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và trách nhiệm của MTTQVN). “Song, cũng có một số ý kiến cho rằng, mục tiêu của phản biện xã hội là để tham gia xây dựng Nhà nước, do đó không nên chỉ giới hạn phản biện đối với dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước mà phản biện cả những văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án đã được ban hành, phê duyệt. Bởi vì, chính trong quá trình tổ chức thực hiện các văn bản, chương trình, dự án này mới bộc lộ những hạn chế, bất cập, từ đó đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung để làm tốt hơn”, ông Phan Trung Lý giải thích.
Đồng thời, một số ý kiến cho rằng, quy định về cơ chế để thực hiện phản biện xã hội trong dự thảo Luật cần được cân nhắc. Dự thảo Luật cần làm rõ hơn giá trị pháp lý của hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận; bổ sung các nội dung cụ thể cần được phản biện xã hội, quy trình thực hiện phản biện xã hội; cần quy định cụ thể hình thức phản biện xã hội chứ không nêu chung chung là “các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật”…
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản bị phản biện xã hội đối với kiến nghị sau phản biện; mối quan hệ giữa phản biện xã hội với các quy trình, thủ tục xử lý, giải quyết công việc của Nhà nước cũng được đề nghị làm rõ, chẳng hạn trong quy trình lập pháp, phản biện xã hội ở giai đoạn nào, thủ tục ra sao, nếu không có phản biện xã hội của MTTQVN thì dự án Luật có đủ điều kiện để trình ra Quốc hội hay không?
- Xác định cụ thể mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đã “làm nóng” phiên họp sáng 1-10 của UBTVQH về kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế khi thẳng thắn bình luận rằng, ông kỳ vọng nhiều hơn ở bản báo cáo.
“Trong quá trình tái cơ cấu, chúng ta đã xác định được thể chế nào phù hợp, thể chế nào chưa? Tại sao chưa phù hợp, còn thiếu thể chế gì mới có thể thực hiện tái cơ cấu thành công? Báo cáo giám sát nếu chưa chỉ ra được trách nhiệm của từng bộ, ngành thì cũng phải nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ đến đâu, địa phương đến đâu… trong những mặt được và chưa được của tiến trình tái cơ cấu. Chẳng hạn ngay từ QH khóa trước đã có ý kiến nhận định rằng nền kinh tế của chúng ta nhỏ bé thế mà cứ ra ngõ là gặp ngân hàng. Bây giờ, qua quá trình tái cơ cấu thì kết quả thế nào”, ông Quyền phát biểu.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân ngay sau đó đã lưu ý Đoàn giám sát “gia công” thêm báo cáo, bởi “trách nhiệm phải rõ mới chuyển biến”.
Chia sẻ quan điểm với ông Nguyễn Đình Quyền, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận xét, dù đã được chuẩn bị rất công phu; nhưng “một báo cáo giám sát phải khác với báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, phải làm nổi bật kết quả giám sát và kiến nghị rất rõ, trong đó một nhận xét quan trọng, là việc triển khai tái cơ cấu không kiên quyết”.
Ông Phan Trung Lý phân tích, QH ra nghị quyết về tái cơ cấu năm 2011, năm 2013 Chính phủ mới trình Đề án, đến nay cũng mới triển khai thực hiện chưa được bao lâu. “Hình như chúng ta rất ngại nói về trách nhiệm, nặng nhất cũng chỉ phê bình là “chưa thể hiện quyết tâm cao!".
Đi vào các kiến nghị cụ thể trong Báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Phan Trung Lý yêu cầu xem xét lại một số kiến nghị đã chính xác chưa. Đơn cử như kiến nghị “dành 1 phần ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu” hay gỡ bỏ trần lãi suất ngân hàng.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cũng quan tâm đến một kiến nghị mà bà cho là chưa hợp lý: “Các đồng chí đề nghị nghiên cứu, ban hành sớm Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, nhưng dự án luật này vừa được rút ra khỏi chương trình xây dựng pháp luật rồi”.
Theo bà Tòng Thị Phóng, báo cáo giám sát phải làm rõ hơn nữa việc “chúng ta có do dự, ngại khó trong việc cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN hay không? Tại sao chỉ tiêu về lao động lại nhiều năm không đạt, cả về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực? Nếu do lỗi chủ quan thì cũng phải nói rõ vào đây”.
“Nên có báo cáo đánh giá chung, khẳng định rõ việc tiến hành tái cơ cấu đã đáp ứng yêu cầu hay chưa? Độ tin cậy của số liệu trong các báo cáo như thế nào, Đoàn giám sát đã thẩm tra chưa, hay chỉ dựa vào báo cáo của Chính phủ? Nếu đã thẩm tra thì nên khẳng định để ĐBQH yên tâm. Cần phải tìm hiểu xem tại sao một số nước trong khu vực vẫn tăng trưởng khá, trên 7%, lạm phát thấp, mặc dù chịu bị ảnh hưởng của kinh tế thế giới, dịch bệnh, thiên tai..., không biết họ có tái cơ cấu không mà khá thế?" - Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn bình luận.
Nhấn mạnh đây sẽ là nội dung giám sát tối cao của QH, báo cáo của Đoàn giám sát phải cung cấp chất liệu tốt để QH giám sát, ra nghị quyết, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: “Cần ghi rõ từ nay đến năm 2015 đặt ra mục tiêu tái cơ cấu cụ thể như thế nào? Chủ trương, giải pháp gì để thực hiện? Đừng nghĩ 5 năm 2011 – 2015 ta làm xong tái cơ cấu, đó là một quá trình dài và gian khổ, nhưng phải hình dung được kết quả năm 2015 đạt cái gì, đến 2020 thế nào? Nếu dự thảo Nghị quyết theo kiểu “cơ bản tán thành” thì sẽ rất khó thực hiện!”.
ANH PHƯƠNG