Phạm vi và mức độ “chuyển giá” ở Việt Nam khá phổ biến

Ngày 11-12, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo quốc tế “Quản lý hoạt động chuyển giá: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” do Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với Trung tâm Tài chính và phát triển châu Á (Bộ Tài chính Trung Quốc) tổ chức.

Ngày 11-12, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo quốc tế “Quản lý hoạt động chuyển giá: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” do Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với Trung tâm Tài chính và phát triển châu Á (Bộ Tài chính Trung Quốc) tổ chức.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh vấn đề “chuyển giá” trong nền kinh tế thị trường đang ngày càng gia tăng cả về mức độ và phạm vi, gây thiệt hại cho những nước nhận đầu tư về thuế, sự bất bình đẳng trong hình thành và phân phối thu nhập. Tại Việt Nam, “chuyển giá” diễn ra không phải mới đây mà đã từ nhiều năm trước khi các nguồn vốn FDI ồ ạt đổ vào một nền kinh tế mới nổi như nước ta. 

Ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng - Phó Trưởng ban cải cách, Tổng cục Thuế Việt Nam, thừa nhận phạm vi và mức độ “chuyển giá” ở Việt Nam hiện nay khá phổ biến. Có những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giày da, thành lập từ năm 1993 có doanh thu lên tới hơn 22.000 tỷ đồng, sử dụng khoảng 80.000 lao động tại Việt Nam nhưng vẫn lỗ, hay như trường hợp gần đây nhất của Công ty Coca Cola hoạt động tại Việt Nam hơn 10 năm, liên tục mở rộng kinh doanh nhưng không hề có lãi và được phát hiện có những dấu hiệu “chuyển giá”.

Nguyên nhân được đưa ra là giá nguyên phụ liệu quá cao, chiếm tới 70% trên giá trị sản phẩm này, trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực đồ uống thì tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 30% và giá thành lại được công ty mẹ áp đặt. Trong khi nguyên phụ liệu được mua độc quyền từ chính công ty mẹ ở nước ngoài nên chuyện giá thành cao thấp sẽ rất khó để kiểm tra.

Phân tích về việc để nhận diện Công ty Coca Cola có thực sự “chuyển giá” hay không, ông Nhan Đình, Giám đốc Viện Kế toán quốc gia Thượng Hải (Bộ Tài chính Trung Quốc) cho rằng nên sử dụng phương pháp phân tích so sánh giữa nguyên liệu của hãng này với hãng khác, đồng thời có thể sử dụng phương pháp phân tích lợi nhuận.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Tiến, Việt Nam chưa thể sử dụng được phương pháp so sánh với trường hợp của Công ty Coca Cola bởi chưa biết tỷ lệ sử dụng hương phụ liệu từ công ty mẹ, hay các công ty khác ở các thị trường khác ra sao. Hiện Việt Nam đã trao đổi với cơ quan thuế của Hoa Kỳ về vấn đề này để hợp tác trong việc tìm kiếm thông tin tại trụ sở chính của Coca Cola.

Theo ông Michael Palmer, chuyên gia thuế đến từ Australia, để quản lý hoạt động chuyển giá, Việt Nam cần xây dựng vững chắc nhóm các cán bộ chuyển nhượng chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn dựa trên phân khúc số đối tượng nộp thuế, các tập đoàn đa quốc gia lớn có rất nhiều vấn đề so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời tiếp cận các cơ sở dữ liệu bên ngoài và sử dụng các dữ liệu nước ngoài. “Đây là bài học của Australia và nhiều nước khác trên thế giới”, ông Michael Palmer nói.

Ông Nguyễn Quang Tiến cũng cho biết sẽ đưa vấn đề vốn mỏng và nhiều quy định để hạn chế việc chuyển giá, tăng cường rà soát, đánh giá rủi ro, thanh tra giá chuyển nhượng, đảm bảo 20% cuộc thanh tra giá chuyển nhượng tính trên tổng số cuộc thanh tra được thực hiện, đồng thời đẩy mạnh công tác hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ xác định giá thị trường và kê khai thuế.

T.Dương

Tin cùng chuyên mục