Văn học luôn là tấm gương phản chiếu đời sống đa dạng của xã hội. Văn học, đặc biệt là thể loại truyện ngắn vốn là người bạn đồng hành với cuộc sống. Những truyện ngắn hay, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao là điều mong đợi của nhiều độc giả. Truyện ngắn có tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần và diện mạo văn hóa hiện nay cũng như có ảnh hưởng đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người, đặc biệt là lớp trẻ. Cuộc sống hôm nay với xu thế hội nhập toàn cầu đòi hỏi con người phải được phát triển toàn diện, từ vật chất đến tinh thần.
Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường không khỏi tác động xấu đến đời sống xã hội. Trách nhiệm của văn học, nhất là truyện ngắn phải đi sâu vào đời sống, chiêm nghiệm và phân tích, giải mã những cái tốt - xấu đan xen trong xã hội, đồng thời dự báo xu hướng tình hình xã hội và cuộc sống mai sau. Chính vì thế, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức cuộc thi truyện ngắn “Con người và cuộc sống hôm nay” từ cuối tháng 7-2011 và kéo dài trong 1 năm.
Qua hơn 3 tháng nhận tác phẩm, ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 350 truyện ngắn dự thi của trên 200 tác giả ở 37 tỉnh, TP trong cả nước. TPHCM có nhiều tác giả dự thi nhất với 68 tác giả; thứ nhì là Hà Nội với 11 tác giả; thứ ba là Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận mỗi nơi 6 tác giả; thứ tư đến Lâm Đồng, Phú Yên, Huế mỗi nơi 4 tác giả… Có những tác giả một mình gửi dự thi nhiều tác phẩm. Trong số các tác giả gửi truyện ngắn dự thi có nhiều nhà văn là hội viên của các Hội Văn học nghệ thuật, Hội Nhà văn của TPHCM, Điện Biên, Cần Thơ, Bắc Cạn, Lào Cai, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Cà Mau, Khánh Hòa, Phú Yên…, một số tác giả là nhà báo, nhà giáo, sĩ quan quân đội, công nhân viên chức, người lao động, học sinh sinh viên…
Đa số truyện ngắn đã bộc bạch, lột tả được niềm tin cũng như những nỗi niềm của các tầng lớp trong xã hội đối với cuộc sống hôm nay, phản ánh đa dạng đa chiều các mảng đề tài: Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuổi trẻ trên đường mưu sinh lập nghiệp; những việc làm tốt đẹp; nếp sống văn minh đô thị; xây dựng nông thôn mới; gia đình Việt Nam thời hiện đại; Từ sinh hoạt trong quân ngũ đến cuộc sống của các cựu chiến binh trong thời bình; tình yêu với biển đảo và quê hương đất nước…
Ban tổ chức đã chọn đăng một số tác phẩm trên trang 3 Báo SGGP ra chủ nhật hàng tuần và trên báo SGGP điện tử, gồm các truyện ngắn: Mảng mây vỡ ngoài cửa sổ (Võ Thu Hương) 31-7; Dòng chảy (Phùng Phương Quý - Hội VHNT Tây Ninh) 7-8; Tình cha (Đỗ Tuấn Tơn - Hải Dương) 14-8; Mảnh trăng khờ (Nông Thị Tô Hường - Hội VHNT Bắc Cạn) 21-8; Mảnh đất nhà vàng (Xuân Hòa) 28-8; Ra ngõ gặp ba người (Vũ Đảm) 4-9; Cháu nội (Nguyễn Ngọc Mộc) 11-9; Lặng thầm (Hoàng Đình Chiến) 18-9; Biển thức (Mai Duy Quý - Phòng GDĐT Lý Sơn, Quảng Ngãi) 25-9; Bản lý lịch cá biệt (Ngô Phương Lan) 2-10; Gối lệ (Nguyễn Anh Sơn) 9-10; Tình yêu mùa nước nổi (Quý Thể) 16-10; Hồn biển (Trương Thanh Liêm - Hội VHNT Cần Thơ) 23-10; Cam sành lột vỏ còn the (Nguyễn Tường Lộc) 30-10; Chút buồn con gái (Nhật Hồng - Hội Nhà văn Cần Thơ) 6-11.
Nhìn chung, các tác giả đều chăm chút tác phẩm cẩn thận, chu đáo, một số tác giả yêu cầu được chỉnh chu thêm truyện ngắn của mình rồi gửi lại, sau khi đã gửi đến ban tổ chức cuộc thi bản đầu tiên. Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và lòng tự trọng của người cầm viết trước độc giả và dư luận xã hội. Có những tác giả mới vừa gửi tác phẩm đã sốt sắng email hỏi ban tổ chức có nhận được tác phẩm dự thi chưa mà chưa thấy tên trong hộp thư truyện ngắn…
Cuộc thi truyện ngắn “Con người và cuộc sống hôm nay” đã nhận được nhiều lời động viên, góp ý chân tình của độc giả. Nhiều bạn đọc nhận xét những tác phẩm đăng tải trên Báo SGGP đã bước đầu phản ánh chân thực và đa dạng cuộc sống, góp tiếng nói trao đổi, luận bàn những vấn đề khá tinh tế nhằm từng bước lý giải căn nguyên của những thành tựu và khó khăn trong xã hội đương thời, đồng thời khẳng định xu hướng phát triển cũng như vai trò và trách nhiệm của mọi thành viên trong cộng đồng xã hội hôm nay.
Xuân Thái