Ông Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương:

"Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2012 đạt 1,8 tỷ USD - 2 tỷ USD"

"Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2012 đạt 1,8 tỷ USD - 2 tỷ USD"

Năm 2011 vừa qua là năm thành công của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khi mang về cho đất nước hơn 1,7  tỷ USD -  vượt kế hoạch đề ra. Trong lúc bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng còn nhiều biến động thì cá tra Việt Nam đã tạo một điểm sáng cho nền kinh tế nước nhà. Nhân dịp đầu năm 2012, chuyên trang đã có buổi nói chuyện cùng Ông Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương (HVG) về định hướng phát triển con cá tra trong năm 2012.

Ngoài việc phát triển con cá tra, năm 2012, HVG sẽ “lấn sân” sang con tôm bằng việc phát triển trại nuôi tôm giống tại Ninh Thuận với tổng số vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, quy mô lớn nhất cả nước. (Trong ảnh ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Vương - thứ hai từ trái sang, đang thị sát trại Nuôi tôm giống của HVB tại Ninh Thuận vào cuối năm 2011)

Ngoài việc phát triển con cá tra, năm 2012, HVG sẽ “lấn sân” sang con tôm bằng việc phát triển trại nuôi tôm giống tại Ninh Thuận với tổng số vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, quy mô lớn nhất cả nước. (Trong ảnh ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Vương - thứ hai từ trái sang, đang thị sát trại Nuôi tôm giống của HVB tại Ninh Thuận vào cuối năm 2011)

° Những dự báo cụ thể về khả năng phát triển của cá tra VN trong năm 2012?

Mặt tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn, cá tra VN vẫn đang là mặt hàng được chọn lựa ưu tiên số 1 của các đối tượng có thu nhập thấp, tức là chúng ta vẫn có nhiều cơ hội phát triển trong năm 2012. Tuy nhiên,  hiện nay có 2 vấn đề làm ảnh hưởng đến việc sản xuất và tiêu thụ cá tra.

Thứ nhất là lãi vay ngân hàng cao ảnh hưởng đến giá thành.

Thứ hai là các loại định phí trong kiểm nghiệm không cần thiết đưa đến việc đẩy giá thành sản xuất lên cao và kéo dài thời gian xuất khẩu, kết quả là doanh nghiệp mất dần cơ hội. Đơn cử là phí kiểm tra chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản theo Thông tư 55/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhiều DN thủy sản cho rằng trong khi thế giới đang khuyến khích kiểm soát hệ thống (giám sát chặt từ khâu nuôi trồng, thu mua, sản xuất, chế biến… tạo thành một chuỗi liên kết), giảm bớt kiểm tra lô hàng thì cơ quan chức năng trong nước lại tăng cường kiểm tra lô hàng mà bỏ quên giám sát hệ thống. Để có thể xuất khẩu, nhà sản xuất đã phải tuân thủ các điều kiện mà nhà nhập khẩu đưa ra cũng như quy định chặt chẽ của thị trường quốc tế nên việc kiểm tra chỉ gây tốn kém thêm cho doanh nghiệp xuất khẩu. Mặt khác, hiện tại những nước nhập khẩu không yêu cầu việc kiểm tra này.

Bên cạnh việc tăng thêm giá thành, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, các định phí không cần thiết này góp phần không nhỏ trong việc tạo ra ách tắc cho vấn đề lưu thông hàng hóa, làm cho giá thành hàng hóa cao hơn, sức hấp dẫn của cá tra Việt Nam vì thế cũng giảm sút đáng kể. Ngược lại, nếu vấn đề này được giải quyết, cơ hội phát triển cho con cá tra Việt Nam sẽ nhiều hơn, sức cạnh tranh sẽ cao hơn, sản lượng nuôi nhiều hơn và bán ra sẽ tốt hơn. Một điều quan trọng khác, cần có những kế hoạch cụ thể, những chính sách phù hợp phục vụ sự phát triển của ngành cá tra như quản lý nguồn tín dụng hỗ trợ để doanh nghiệp và nông dân đủ vốn để đầu tư nuôi trồng, xuất khẩu.

Dự báo giá thành đầu vào của năm 2012 sẽ không cao hơn 2011, thậm chí là thấp hơn 2011 do nguyên liệu đầu vào như bánh dầu đậu nành, lúa mì trên thế giới giảm giá bán trên 15%. Đây là cơ hội để giá thức ăn trong nước buộc phải giảm theo, cũng là một trong những tín hiệu cho ngành cá xuất khẩu 2012 phát triển. Dĩ nhiên, doanh nghiệp vẫn đang cố gắng, nhưng dù cố gắng vẫn rất cần các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của nhà nước.

Năm 2011 cá tra VN đạt doanh số xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD, VASEP dự báo đây sẽ là mặt hàng có sự tăng trưởng trong năm 2012. Dự kiến mặt hàng cá tra XK sẽ mang về cho VN 1,8 – 2 tỷ USD. Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề về vốn cho chuỗi SX-XK cá tra, lãi vay không quá 15% đối với tiền đồng, USD không quá 6%/năm thì việc phát triển cá tra 2012 sẽ tốt hơn nữa.

° Những thị trường xuất khẩu chính yếu của cá tra VN trong năm 2012, thưa ông?

Cá tra VN sẽ phát triển mạnh ở thị trường Nam Mỹ. Đây là một trong những thị trường mới nhưng có nhiều cơ hội phát triển mạnh với những quốc gia ưa chuộng sản phẩm cá tra VN như Mehico, Brazil, Chile, Peru… Một thị trường mới khác đang nổi là Bắc Phi, với các quốc gia như Algeria, Angola.. đang có sức hút mạnh về con cá tra. Bên cạnh đó là những thị trường sẽ phát triển tương đối bền vững như châu Âu và Mỹ cũng giúp cho sản lượng tiêu thụ cá tra VN tăng lên. Hiện tại sản lượng cá catfish Mỹ đang giảm do người nông dân chuyển qua trồng bắp, bông vải. Đây cũng là cơ hội lớn để chúng ta mở rộng XK sang thị trường Mỹ. Tương tự với thị trường châu Âu, giá cả hợp lý của cá tra VN đặt trong bối cảnh kinh tế vẫn khó khăn đã tạo sức cạnh tranh hấp dẫn và cơ hội tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra VN.

° Về phía Hùng Vương (HVG), đâu là ưu tiên hàng đầu trong năm 2012?

Mục tiêu năm 2012 HVG sẽ đạt mốc doanh số 10.000 tỷ, trong đó doanh số xuất khẩu đạt 250-300 triệu USD. Kế hoạch doanh thu đạt 8.000-10.000 tỷ đồng. Hiện nay HVG đã chủ động được việc sản xuất từ năm 2011, kể cả việc đã xây dựng xong giá thành sản phẩm, trong đó có yếu tố tăng chi phí gồm lương CBCNV và điện SX lên đến 10%.

Trong tình hình khó khăn hiện nay, việc đầu tiên trong năm 2012 của HVG là ưu  tiên chăm lo cho người lao động. Đồng thời các sản phẩm do HVG làm ra phải được quản lý theo quy trình khép kín và đạt đủ các tiêu chuẩn quốc tế. Hai việc ưu tiên này sẽ đảm bảo cho vấn đề công ăn việc làm, việc tiêu thụ hàng hóa của Công ty Hùng Vương, và là yếu tố chính tạo sức cạnh tranh hấp dẫn cho mặt hàng cá tra VN trên thế giới về chất lượng và giá cả. Những quyền lợi HVG đạt được trong năm 2012 sẽ tiếp tục được phân bổ cho 3 nhóm: CB-CNV công ty; nhà đầu tư, cổ đông và khách hàng tiêu thụ sản phẩm của công ty.

Bên cạnh đó, năm 2012 việc bôi nhọ con cá tra sẽ không còn nữa. Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF (World Wide Fund For Nature) đã công nhận việc nuôi trồng cá tra VN mang tính chất phát triển bền vững, có sự quản lý chặt chẽ. Về phía Hùng Vương, WWF đã công nhận 2 vùng nuôi rộng 60ha đạt được chứng chỉ ASC trước mốc quy định vào tháng 6 - 2012. Hiện hai vùng nuôi này cung cấp mức sản lượng 60.000 tấn /năm. Quy trình nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu của Hùng Vương đang được thực hiện theo mô hình ASC và được tài trợ 50% chi phí từ tổ chức WWF. Chi phí tài trợ này được sử dụng cho các hoạt động cải tạo, nâng cấp, xử lý nước thải của ao nuôi và vùng nuôi cá tra. Đây cũng là những hoạt động chính giúp cho những tổ chức quốc tế như Global GAP, ASC và Viet GAP công nhận sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra VN. Và đó là một trong hướng phát triển con cá tra mà HVG ưu tiên trong năm nay.

Ngoài việc phát triển con cá tra, năm 2012, HVG sẽ “lấn sân” sang con tôm bằng việc phát triển trại nuôi tôm giống tại Ninh Thuận với tổng số vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, quy mô lớn nhất cả nước,  cung cấp cho thị trường các tỉnh ĐBSCL khoảng 10 tỷ con tôm giống và nuôi trồng hơn 800 héc ta tại Bến Tre. Dự kiến năm 2012 thu hoạch hơn 20.000 tấn tôm, tăng cường xuất khẩu mặt hàng mới của Hùng Vương tại Công ty Lâm Thủy Sản Bến Tre.  

HỒNG MINH-MINH TUYẾT

Tin cùng chuyên mục