“Chính phủ đặt ra yêu cầu đến năm 2020, Việt Nam phải có khoảng 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ (KH-CN). Chúng tôi đang hy vọng với những chính sách mới, quyết liệt và cởi mở hơn, số lượng doanh nghiệp KH-CN ở Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới, để từ đó doanh nghiệp KH-CN có những đóng góp lớn hơn đối với sự phát triển của đất nước” - Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân đã chia sẻ như vậy.
Dồn sức xây dựng doanh nghiệp
Khoảng 7 năm qua, Chính phủ Việt Nam trực tiếp là Bộ KH-CN đã quan tâm và chủ trương hình thành một hệ thống doanh nghiệp KH-CN của đất nước. Theo số liệu của Bộ KH-CN, đến nay có khoảng 2.000 doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhóm đối tượng này, đáp ứng được các tiêu chí về doanh nghiệp KH-CN. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn, vướng mắc khác nhau, chỉ mới chưa đến 200 doanh nghiệp chính thức được công nhận, cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN. Lý do là còn nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được những chính sách ưu đãi của Chính phủ, cũng như chưa có đủ thông tin về mô hình hoạt động này. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính của còn rất nhiều vướng mắc, nhất là ở địa phương, cho nên việc cấp giấy chứng nhận chưa nhiều.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ các tổ chức KH-CN chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hình thành các doanh nghiệp KH-CN. Chương trình sẽ được khởi động trong năm nay. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho các tổ chức KH-CN, tức các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học khi có kết quả nghiên cứu thì chuyển ngay sang thành lập các doanh nghiệp trực thuộc mình, hoặc chuyển đổi chính các tổ chức ấy thành doanh nghiệp KH-CN nhằm thương mại hóa, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào đời sống kinh tế - xã hội.
Hiện nay ngành KH-CN cũng đã xây dựng các chương trình, dự án hợp tác quốc tế nhằm tìm các nguồn lực hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi này. Trong đó phải kể đến dự án đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH-CN do Ngân hàng thế giới tài trợ (dự án FIRST) đã dành một lượng kinh phí lớn, khoảng 30 triệu USD trên tổng số 100 triệu USD của dự án để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới, hướng tới trở thành doanh nghiệp KH-CN; hay dự án hợp tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan IPP giai đoạn 2 với nguồn tài trợ khoảng 10 triệu EUR của Phần Lan… cũng hướng tới mục tiêu nói trên.
Trân trọng tri thức người Việt ở nước ngoài
Có thể nói để đạt được mục tiêu 5.000 doanh nghiệp KH-CN, một trong những nhiệm vụ của ngành KH-CN trong thời gian tới là xây dựng cơ chế, chính sách thiết thực và hiệu quả để thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài hợp tác tham gia hoạt động KH-CN ở nước ta. Theo số liệu chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng 400.000 trí thức Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, chiếm hơn 10% người Việt Nam ở nước ngoài. Trong số đó, có những chuyên gia giỏi đang làm việc ở những lĩnh vực công nghệ cao như: điện tử, sinh học, vật liệu mới, hàng không vũ trụ và các lĩnh vực quan trọng khác. Nhiều người nắm giữ những vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, công ty kinh doanh của các nước và các tổ chức quốc tế. Đây là tài sản quý giá của đất nước, rất cần được phát huy và tạo điều kiện để họ góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Cũng cần thấy rõ, trong những năm gần đây, người Việt Nam rất tự hào về nền toán học, vật lý của Việt Nam đã đạt được thứ hạng cao trong khu vực, thậm chí trên thế giới với các nhà khoa học trẻ tài năng như GS Ngô Bảo Châu, GS Đàm Thanh Sơn, GS Vũ Hà Văn... Thế nhưng trừ trường hợp GS Ngô Bảo Châu, hầu hết những người còn lại đều chưa có điều kiện trực tiếp về Việt Nam giảng dạy hay làm khoa học. Đó là một điều đáng tiếc cho nền KH-CN Việt Nam.
Chính vì thế tại cuộc hội thảo “Người Việt khởi nghiệp bằng KH-CN” do Bộ KH-CN và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân đã nhấn mạnh: Trí tuệ người Việt tại nước ngoài là tài sản lớn, cần được kết nối và phát triển, cùng góp phần xây dựng đất nước. Hội thảo này đã giới thiệu Dự án FIRST cùng các khoản tài trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp và chuyên gia Việt kiều, đây là hoạt động nhằm khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển doanh nghiệp KH-CN, đồng thời thu hút cộng đồng tri thức người Việt ở nước ngoài đóng góp vào sự phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam… Điều này đã tiếp tục khẳng định Việt Nam thực sự tôn trọng, đánh giá cao tiềm năng, luôn coi trọng cộng đồng tri thức người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời và là nguồn lực quan trọng của đất nước.
TRẦN LƯU