>> Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Ngày 23-11, kỳ họp thứ 4 Quốc hội (QH) khóa XIII đã bế mạc sau 1 tháng làm việc. Trong kỳ họp này các đại biểu Quốc hội đã tập trung trí tuệ tham gia tích cực, tâm huyết vào các nội dung của kỳ họp, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, được cử tri và đồng bào cả nước đặc biệt quan tâm.
Về kinh tế - xã hội, QH đã dành thời gian phân tích, đánh giá một cách sâu sắc thực trạng tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và nhận thấy, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực phấn đấu, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. QH cũng chỉ ra những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân và các bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013. Nhiệm vụ tổng quát cho năm 2013 là phải tiếp tục phấn đấu ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm lạm phát thấp hơn, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; tạo nền tảng phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
| |
QH hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong việc chuẩn bị trình dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại kỳ họp này.
Điều đặc biệt, tại kỳ họp này, QH đã thảo luận, thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ quan trọng nhất của nhà nước các cấp được QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đây là bước đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, góp phần nâng cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua thực hiện quyền giám sát của QH, HĐND đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước.
Trước phiên bế mạc, QH đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng và một số nghị quyết quan trọng với đa số phiếu thuận.
Chưa thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng được QH thông qua với nhiều quy định tăng cường công khai, minh bạch trong công tác này. Một nội dung quan trọng khác là bỏ mô hình Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu; thay vào đó sẽ lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Tổ chức, hoạt động của ban sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng, không quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng; bảo đảm nguyên tắc Đảng không làm thay chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước và vẫn phù hợp với Hiến pháp, pháp luật.
Liên quan đến đề xuất lập cơ quan chống tham nhũng độc lập trực thuộc QH hoặc Chủ tịch nước, thay mặt Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH giải trình trước QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết đây là vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm nhưng cũng là vấn đề đổi mới quan trọng có liên quan tới quy định của Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Vì vậy, UBTVQH đề nghị QH giao Chính phủ, các cơ quan hữu quan nghiên cứu đề xuất phương án cụ thể khi sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Về minh bạch tài sản, thu nhập, UBTVQH cho rằng việc xác định phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai, minh bạch tài sản phải phù hợp với thực tiễn, năng lực quản lý và kiểm soát hiện nay của nhà nước ta thì mới bảo đảm tính khả thi. Vì vậy, trong điều kiện nhà nước ta chưa kiểm soát được thu nhập, tài sản của mọi đối tượng trong xã hội, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị QH cho giữ phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản như quy định của luật hiện hành để tập trung làm cho thật tốt và sẽ tiếp tục tổng kết, nghiên cứu để mở rộng diện phải kê khai khi sửa đổi cơ bản, toàn diện luật này.
Liên quan đến đề xuất bổ sung quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, ông Nguyễn Văn Hiện cho hay, cần có thời gian nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng về mọi mặt nên luật hiện hành đã quy định giao Chính phủ chuẩn bị đề án trình QH xem xét, quyết định.
Theo Nghị quyết về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm được QH thông qua, năm 2012 dù kinh tế - xã hội diễn biến phức tạp nhưng công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, công tác phòng ngừa còn có những hạn chế, vi phạm pháp luật, tham nhũng phức tạp, một số lĩnh vực có dấu hiệu gia tăng, hiệu lực răn đe, phòng ngừa thấp, tranh tụng tại phiên tòa còn hạn chế, chưa triển khai án tử hình bằng tiêm thuốc độc; năng lực trách nhiệm một số cán bộ tư pháp còn yếu... Nghị quyết yêu cầu tạo sự chuyển biến rõ rệt trong năm 2013, tạo đà ngăn chặn, từng bước đẩy lùi vi phạm pháp luật, tội phạm tham nhũng trong những năm tiếp theo. Những điểm đáng chú ý trong nghị quyết là việc yêu cầu tòa án đẩy mạnh việc tranh tụng tại tòa; không để xảy ra kết án oan; Bộ Công an khẩn trương thi hành án tử hình theo quy định pháp luật.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các “tư lệnh ngành”
Tại Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, QH đã giao một loạt nhiệm vụ cụ thể cho các vị bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này. Cụ thể, QH yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương tiếp tục có các biện pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài; khuyến khích tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất, quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa, hạn chế nhập siêu, chống buôn lậu, hàng lậu; giải quyết hàng tồn kho, bảo đảm sang năm 2013 hàng tồn kho sẽ giảm dần theo cơ cấu ngành; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, khơi thông nguồn hàng, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm nâng cao đời sống của nhân dân.
Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện để báo cáo QH tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2013). Trong năm 2013, Chính phủ ban hành chính sách đặc thù cho đồng bào vùng tái định cư các công trình thủy điện; tập trung giải quyết vấn đề đền bù, tái định cư các công trình thủy điện, bao gồm cả những tồn tại, vướng mắc của các dự án thủy điện Hòa Bình, Sơn La.
QH yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng tập trung giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản, xử lý đất bỏ hoang, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu và xử lý nợ xấu; có kế hoạch giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho sinh viên, người lao động có thu nhập thấp; bảo đảm từ nay đến cuối năm 2013 tạo được sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này.
QH yêu cầu Thống đốc NHNN Việt Nam trong năm 2013 phải tạo được chuyển biến tích cực trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính gắn với thị trường chứng khoán, thị trường tài chính, bảo đảm đến năm 2015 có một hệ thống ngân hàng lành mạnh. Điều hành hoạt động của thị trường tín dụng, bảo đảm cung ứng vốn cho sản xuất những ngành sản xuất, mặt hàng quan trọng, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế; đồng thời kiềm chế lạm phát theo chỉ tiêu đã được QH xác định; cơ cấu lại hệ thống ngân hàng phải gắn với giải quyết chất lượng hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, công ty tài chính và giải quyết nợ xấu, giảm nợ xấu. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động ngân hàng, thị trường tiền tệ, thị trường vàng. Làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng; bảo đảm lợi ích của người dân; không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế được giao triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân từ cấp xã đến cấp trung ương, tạo chuyển biến trong việc nâng cao y đức trong ngành y tế; khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quản lý khám, chữa bệnh, nhất là dịch vụ khám, chữa bệnh tư nhân. Trong năm 2013, tăng cường quản lý thuốc, giá thuốc, viện phí để bảo đảm chi phí hợp lý, có lộ trình phù hợp với điều kiện và thu nhập của người dân.
Giải quyết cơ bản 528 vụ khiếu kiện đất đai trong năm 2012
Theo Nghị quyết về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, QH yêu cầu tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai, nghiên cứu mở rộng thẩm quyền của Tòa án nhân dân về việc giải quyết các tranh chấp về đất đai, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan. Trước năm 2015 cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo bản đồ địa chính, trích đo địa chính có tọa độ. Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước theo thẩm quyền chủ động xem xét từng vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai trong phạm vi quản lý để giải quyết kịp thời, dứt điểm, công bố công khai kết quả giải quyết, không để khiếu kiện vượt cấp, diễn biến phức tạp, khiếu kiện đông người; chịu trách nhiệm về việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo. Nâng cao vai trò của Tòa án nhân dân các cấp trong việc giải quyết các khiếu kiện đối với các quyết định hành chính về đất đai. Từ nay đến cuối năm 2012 tập trung rà soát, có phương án giải quyết cơ bản 528 vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài.
Liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai, nghị quyết nhấn mạnh việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá, đấu thầu; điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, bảo đảm hài hòa lợi ích. Quy định về giá đất cần được sửa đổi theo hướng do nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, phù hợp với thị trường; khung, bảng giá đất linh hoạt; có cơ chế xử lý chênh lệch giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng quy định của pháp luật.
QH cũng đã thông qua nghị quyết giao Chính phủ tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại TPHCM và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác đến hết ngày 31-12-2015. Kết thúc thời gian thí điểm, Chính phủ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm và báo cáo QH xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối của nhiệm kỳ khóa XIII.
| |
BẢO MINH – NGỌC QUANG