Phấn đấu trình dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 tại kỳ họp bất thường của Quốc hội đầu năm 2023

Đồng tình với việc thực hiện tiếp Nghị quyết 54 cho đến hết năm 2023, song ĐB Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, TPHCM đang chuẩn bị tích cực, cùng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị xây dựng Nghị quyết mới về phát triển Thành phố đến năm 2030, hướng đến năm 2045.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội chiều 28-10
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội chiều 28-10

Trong chiều 28-10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2022; dự kiến kế hoạch năm 2023 và tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Là người phát biểu cuối cùng tại phiên thảo luận kéo dài 2 ngày làm việc của Quốc hội trước khi các thành viên Chính phủ báo cáo giải trình, ĐB Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn ĐBQH TPHCM tham) khẳng định, sự ra đời của Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã có tác dụng rất quan trọng đối với sự phát triển của Thành phố gần 5 năm qua.

“Nếu không có Nghị quyết 54, tình hình của TPHCM về mặt xã hội, phòng chống dịch, phát triển kinh tế không được như ngày hôm nay”, ĐB Nguyễn Thiện Nhân nói. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thiện Nhân cũng thẳng thắn nhìn nhận, hạn chế là kết quả thực hiện Nghị quyết 54 chưa được như mong muốn. Có lý do khách quan là 2 năm vừa qua phải tập trung cho phòng chống dịch Covid-19; có nguyên nhân chủ quan là có những giai đoạn, một số việc Thành phố làm chưa thật sự quyết liệt. Cũng có lý do khác là sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan còn hạn chế.

Đồng tình với việc thực hiện tiếp Nghị quyết 54 cho đến hết năm 2023, song ĐB Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, TPHCM đang chuẩn bị tích cực, cùng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị xây dựng Nghị quyết mới về phát triển Thành phố đến năm 2030, hướng đến năm 2045.

“Khi có dự thảo nghị quyết này, TPHCM sẽ báo cáo UBTVQH để có thể trình Quốc hội trong kỳ họp bất thường sớm nhất, ví dụ tháng Giêng năm sau, để vừa phát huy những mặt đạt được, vừa bổ khuyết, khắc phục những hạn chế, đặc biệt liên quan đến mô hình chính quyền đô thị”, ĐB Nguyễn Thiện Nhân nói.

Vẫn theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM phấn đấu trở thành nơi điển hình giải quyết những khó khăn chung của cả nước trên địa bàn như: đầu tư công, nhà ở xã hội, phát triển giao thông, khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu, phát triển nhân lực, khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Phấn đấu trình dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 tại kỳ họp bất thường của Quốc hội đầu năm 2023 ảnh 1 Đoàn ĐBQH TPHCM tham dự phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách chiều 28-10. Ảnh: QUANG PHÚC


Tăng năng suất lao động để thịnh vượng trước khi già

Trước đó, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đã có băn khoăn về chỉ tiêu duy nhất trong số 15 chỉ tiêu phấn đấu năm 2022 - tăng năng suất lao động. ĐB Nguyễn Thị Việt Nga nhận định, hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước ASEAN. Trong năm 2023 và các năm tiếp theo, nếu không quyết tâm và nỗ lực để nâng cao hơn nữa năng suất lao động thì không thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia và điều này ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội; nhất là khi Việt Nam phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số, già hóa lao động trong vòng 20 năm tới.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Chính phủ rà soát, xem xét để bổ sung vào mục tiêu tổng quát “cải thiện rõ rệt năng suất lao động xã hội”, và đi cùng mục tiêu này là các giải pháp như đặc biệt nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng lao động, nâng cao kỷ luật kỷ cương lao động và nâng cao năng lực, tư duy của lao động để theo kịp với sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật. Gắn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với việc nâng cao năng suất lao động xã hội.
Phấn đấu trình dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 tại kỳ họp bất thường của Quốc hội đầu năm 2023 ảnh 2 Quang cảnh hội trường Diên Hồng chiều 28-10. Ảnh: QUANG PHÚC

“Việc thúc đẩy tăng năng suất lao động ở thời điểm này là cách tốt nhất giúp chúng ta đạt được thịnh vượng trước khi dân số già đi; là biện pháp hiệu quả để đạt được sự tăng trưởng bền vững; và cũng là giải pháp thiết thực để đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Vì năng suất lao động thấp so với đầu tư là có sự lãng phí không nhỏ về thời gian lao động, tiềm năng lao động và những đầu tư vào hạ tầng lao động”, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Phấn đấu trình dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 tại kỳ họp bất thường của Quốc hội đầu năm 2023 ảnh 3 ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng mối quan tâm, ĐB Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đề nghị xem xét thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia; đồng thời xây dựng hệ thống tiền lương phù hợp với thị trường. Cần có những nghiên cứu chi tiết hơn về năng suất lao động của từng địa phương, ngành, lĩnh vực để có giải pháp thúc đẩy hiệu quả hơn; khuyến khích và có hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp mua sắm, nâng cấp trang thiết bị khoa học công nghệ.

Chính phủ cần chuẩn bị nhiều kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá

ĐB Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh khó tiếp cận vốn vay, do ngân hàng thương mại hết room tín dụng; thiếu vốn cho vay chưa thu hồi được nợ đến hạn hoặc khó huy động tiền gửi.

Phấn đấu trình dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 tại kỳ họp bất thường của Quốc hội đầu năm 2023 ảnh 4 ĐB Nguyễn Thành Trung (Yên Bái). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thành Trung nhận định, chi phí vốn tăng cao do cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Chỉ tiêu dư nợ tín dụng ngân hàng trên GDP của Việt Nam ở mức khá cao, cao hơn mức trung bình của thế giới. Trong khi hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều rủi ro, thiếu các công cụ giám sát an toàn, hệ thống giao dịch thiếu lành mạnh. Để đảm bảo ổn định thị trường tài chính, ổn định thị trường vốn, góp phần phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, ĐB đề xuất Chính phủ chuẩn bị các kịch bản chủ động trong điều hành lãi suất, tỷ giá để vừa đảm bảo huy động, khơi thông các nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, vừa kiểm soát lạm phát.

Khẩn trương rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập thời gian qua để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng là kiến nghị từ ĐB Nguyễn Thành Trung.

Doanh nghiệp đang thực sự khát vốn sau hai sự cố FLC, Tân Hoàng Minh

Có cùng nỗi băn khoăn, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) nói: "Trên thực tế doanh nghiệp đang khát vốn, nhiều dự án đang bị đình trệ vì không thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng trong bối cảnh thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đối mặt rất nhiều khó khăn sau sự cố của FLC và Tân Hoàng Minh".

Phấn đấu trình dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 tại kỳ họp bất thường của Quốc hội đầu năm 2023 ảnh 5 ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ). Ảnh: QUANG PHÚC 

Theo ĐB Nguyễn Mạnh Hùng, trong bối cảnh nhiều thách thức như hiện nay, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, cung ứng đầy đủ nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần có cơ chế điều chỉnh dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ổn định, bền vững. Các dự án cần được rà soát kỹ, có tính khả thi cao; tránh cung tiền vào các lĩnh vực rủi ro cao, gây hệ lụy nợ xấu, tạo bất ổn cho nền kinh tế.

Đặc biệt, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục tăng lên, các tổ chức tín dụng cần chia sẻ khó khăn chung của nền kinh tế, nâng cao năng lực quản trị tài chính, đẩy mạnh đầu tư để cắt giảm chi phí và đảm bảo ổn định lãi suất cho vay, đồng thời giảm lãi suất ở một số các lĩnh vực như Bộ trưởng Bộ Công thương đã nói ở lĩnh vực xăng dầu. Bên cạnh đó, sớm có giải pháp triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ phục hồi theo Nghị quyết 43, phục hồi, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.

Đối phó với thiên tai là thách thức gay gắt, phức tạp và mang tính sống còn


“Sáng nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà có nhấn mạnh thêm thiên tai là thách thức “gay gắt, phức tạp và mang tính sống còn. Tôi tin, không chỉ riêng tôi mà tất cả chúng ta đều lo ngại mỗi khi mùa mưa bão đến, đặc biệt là người dân ở địa phương như chúng tôi. Đó không còn là cảm giác lo ngại mà là luôn lo sợ, có lẽ cụm từ "sống chung với lũ" đã bắt nguồn từ các tỉnh miền Trung, khúc ruột của dải đất hình chữ S mà mỗi lần quặn đau thì trái tim cả nước ứa máu”, ĐB Võ Thị Minh Sinh (Nghệ An) chia sẻ. 

Phấn đấu trình dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 tại kỳ họp bất thường của Quốc hội đầu năm 2023 ảnh 6 ĐB Võ Thị Minh Sinh (Nghệ An)


Đến từ địa phương thường xuyên phải ứng phó với thiên tai, bão lũ, ĐB Võ Thị Minh Sinh bày tỏ lo lắng trước những dự báo rủi ro về biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan tại phiên họp toàn thể chiều 28-10 của Quốc hội.

Theo ĐB Võ Thị Minh Sinh, điều mong muốn thiết tha nhất của người dân Nghệ An cũng như ở miền Trung là an cư, lập nghiệp. Đối với huyện Kỳ Sơn, Nghệ An thì trong thời gian từ năm 2011 đến nay có đến 5 cơn lũ quét trong đó có 3 cơn lũ quét kinh hoàng vào các năm 2011, 2018 và ngày 2-10 vừa qua.

ĐB kiến nghị Chính phủ có giải pháp mang tính chiến lược, căn cơ đối với địa phương thường xuyên chịu nhiều ảnh hưởng của bão lũ, ngập mặn để người dân không sống chung với lũ, với ngập mặn, mà thích nghi để sống chung với biến đổi khí hậu bền vững.

Nữ ĐB đề nghị đánh giá nghiêm túc về chất lượng công tác thông tin, dự báo thiên tai và tổ chức thực hiện Luật Phòng chống thiên tai; Luật Đê điều gắn với Luật Phòng thủ dân sự; kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong việc thành lập sử dụng và quản lý Quỹ phòng chống thiên tai theo Nghị định 78. Cần có sự phối hợp lồng ghép nhịp nhàng trong việc phân bổ các nguồn lực.

ĐB cũng kiến nghị thống kê về thiệt hại do thiên tai gây ra chiếm bao nhiêu % trong tổng GDP mỗi năm để có cơ sở thuyết phục hơn khi lập và phân bổ dự toán tăng chi dự phòng ngân sách Nhà nước để thực hiện phòng chống thiên tai, đồng thời có tiêu chí đặc thù ưu tiên phân bổ nội dung này cho địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của khí hậu.

Tin cùng chuyên mục