Phản hồi bài “Cầu vượt vắng người đi” - Tuyên truyền kết hợp xử phạt nghiêm

Phản hồi bài “Cầu vượt vắng người đi” - Tuyên truyền kết hợp xử phạt nghiêm

Trên Báo SGGP số ra ngày 21-2 đăng bài “Cầu vượt vắng người đi”. Sau khi báo đăng, chúng tôi nhận được ý kiến phản hồi của một số người có trách nhiệm ở các cơ quan, đơn vị có liên quan.

TPHCM sẽ có giải pháp khuyến khích khách bộ hành sử dụng cầu vượt. Ảnh: Kim Ngân

TPHCM sẽ có giải pháp khuyến khích khách bộ hành sử dụng cầu vượt. Ảnh: Kim Ngân

  • Ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TPHCM: Mấu chốt là tuyên truyền

Sở GTVT từng sử dụng biện pháp bắt buộc xây dựng hàng rào chắn dọc 2 bên đường dưới chân cầu vượt để người dân phải sang đường bằng cầu này trước Bệnh viện Ung Bướu và một số nơi khác. Nhưng vẫn còn nhiều người bất chấp nguy hiểm, vô tư qua ngang qua đường. Hiện nay hệ thống cầu vượt, hầm chui cho người đi bộ qua đường ở TPHCM còn rất thiếu. Do đó, sở sẽ tiếp tục đầu tư xây thêm nhiều cầu nữa trong thời gian tới. Tại điểm có cầu vượt, chúng tôi đề nghị các quận huyện cấm và xử phạt thích đáng người lấn chiếm buôn bán, tạo điều kiện cho người đi bộ trên cầu.

Theo luật, người lái xe đi trên đường cần phải ưu tiên nhường đường cho người đi bộ băng đường. Còn người đi bộ đi trên vỉa hè và khi đến đầu đường có vạch sơn mới được băng đường; tại những đường đã có cầu vượt thì nên đi trên cầu, không nên băng qua đường để bị phạt. Hiện nay, người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn diễn ra khá phổ biến, nhưng số biên bản xử lý các trường hợp vi phạm rất ít, không đáng kể.

Các cầu vượt bộ hành tại TPHCM chủ yếu phục vụ cho việc qua đường của người dân tại các bệnh viện, một số ở khu vực phương tiện giao thông đông đúc. Song, do thói quen của người dân muốn cho nhanh, cho tiện nên không chịu sử dụng cầu. Vì vậy, việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân là vấn đề mấu chốt.

  • Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban An toàn giao thông TPHCM: Người đi bộ vi phạm bị xử lý quá ít

Lâu nay người đi bộ tham gia lưu thông qua đường không đúng nơi quy định rất phổ biến, hầu như họ chưa có thói quen đi đúng nơi quy định. Vì thế, để người đi bộ đi đúng phần đường dành cho mình cần phải tuyên truyền, gắn băng rôn ngay tại những nơi có cầu bộ hành. Đồng thời lắp các dải phân cách cao lên để hạn chế người đi bộ băng ngang qua đường.

Mặc dù nhiều nơi có cầu vượt hầm chui cho người đi bộ nhưng họ vẫn cứ băng ngang qua đường một cách tùy tiện. Song việc xử phạt hành chính đối với người đi bộ vi phạm ít được lực lượng chức năng quan tâm. Thống kê tại các đơn vị cảnh sát giao thông đường bộ cho thấy, số biên bản xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến người đi bộ chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng số các vi phạm bị xử lý.

Theo quy định, người đi bộ tham gia giao thông có hành vi vi phạm, dù cố ý hay vô ý, đều phải bị cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mặc dù thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông được chỉ đạo phải quyết liệt, xử lý nghiêm các vi phạm trật tự an toàn giao thông, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, triển khai Nghị định 34/2010/NĐ-CP, việc xử lý người đi bộ vi phạm gặp không ít khó khăn.

Song song với việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ trên các phương tiện truyền thông, ở trường học, cơ quan, xí nghiệp, cộng đồng dân cư để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng tham gia giao thông để bảo vệ mình, cũng cần xử phạt nghiêm để nâng cao ý thức của người đi bộ.

Quốc Hùng - Lương Thiện

Tin cùng chuyên mục