Báo SGGP ngày 10-3 đã phản ánh tình trạng hạn và xâm nhập mặn đang gây khó khăn nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp cũng như nguồn nước sinh hoạt của hàng triệu nông dân ở khu vực ĐBSCL. Làm sao để giúp nông dân ngăn mặn, trữ nguồn nước ngọt là câu hỏi được PV Báo SGGP nêu ra với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học.
* PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL hiện nay?
* Thứ trưởng ĐÀO XUÂN HỌC: Năm nay, tình trạng xâm mặn ở ĐBSCL và cả khu vực Đông Nam bộ đang diễn ra khốc liệt hơn hẳn năm trước. Bình thường, phải từ giữa tháng 3 và tháng 4 hạn hán, xâm nhập mặn mới diễn ra gay gắt nhưng năm nay, ngay từ trung tuần tháng 2, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã phải gồng mình đối phó với hạn và mặn.
* Hiện Bộ NN-PTNT đã thống kê được thiệt hại chưa, thưa Thứ trưởng?
* Hiện chúng tôi vẫn chưa có thống kê đầy đủ diện tích bị khô hạn và xâm nhập mặn. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo các địa phương ở ĐBSCL, miền Trung và Tây Nguyên thống kê chi tiết diện tích cũng như tình trạng khô hạn, thiệt hại để báo cáo và có thể kiến nghị Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ nông dân.
* Tại sao năm nào xâm nhập mặn cũng xảy ra ở ĐBSCL. Phải chăng hệ thống thủy lợi của chúng ta không đáp ứng được yêu cầu ngăn mặn?
* Các công trình thủy lợi lớn của ĐBSCL mặc dù chưa hoàn thiện nhưng đã phát huy khá hiệu quả, giúp cải tạo được diện tích đất phèn lớn, cải tạo đất mặn, nâng cao năng suất cây trồng. Nhưng do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa nhanh nên hệ thống thủy lợi ở đây chưa phát huy hết hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt.
* Vậy làm sao để giúp nông dân ĐBSCL cũng như các vùng đang phải đối mặt với nguy cơ khô hạn và xâm nhập mặn?
* Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát lại vùng quy hoạch để khuyến cáo nông dân những khu vực nào có thể trồng lúa bình thường, vùng nào phải chủ động tích trữ nước ngọt để tránh ảnh hưởng của quá trình xâm nhập mặn.
Về lâu dài, Chính phủ sẽ đấu tranh, đề nghị hạn chế việc xây dựng thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong để giảm tác động của việc khô hạn, đảm bảo đủ nguồn nước ngọt cho khu vực ĐBSCL. Dẫu vậy chúng ta vẫn phải chủ động ngăn mặn, trữ ngọt là chính. Hiện Chính phủ đã giao cho Bộ NN-PTNT quy hoạch thủy lợi khu vực ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các vụ, viện nghiên cứu các giải pháp khả dụng nhất để chủ động ngăn hiện tượng nước biển dâng, triều cường, ngăn mặn xâm nhập sâu vào nội đồng và thậm chí có thể xây dựng các hồ chứa nước ngọt, xây đập tích nước ngọt ở cửa sông.
* Cảm ơn ông!
VĂN PHÚC