Sau khi Báo SGGP số ra ngày 15 và 16-6 đăng loạt bài “Sông, kênh rạch ở TPHCM đang chết”, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, để trả lại chức năng nguyên thủy cho các sông, kênh rạch, TPHCM cần có những biện pháp xử lý kiên quyết đối với các hành vi lấn chiếm sông, kênh rạch. Đồng thời có những giải pháp đồng bộ trong việc thực hiện các dự án nạo vét.
Tuyên truyền nhiều, xử lý mạnh
Theo GS-TSKH Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Trường ĐH Công nghiệp TPHCM), nguyên nhân của tình trạng bồi lắng, tắc nghẽn sông, kênh rạch ở TPHCM hiện nay ngoài yếu tố tự nhiên, chủ yếu là do ý thức của con người gây ra. Do đó, nếu chỉ dừng ở việc cải tạo, nạo vét, vớt rác ở các hệ thống sông, kênh rạch mà không giải quyết dứt điểm tình trạng xả rác bừa bãi ra các dòng sông, kênh rạch thì hiệu quả của các công trình cũng như “muối đổ biển”.
Vì thế, bên cạnh việc triển khai các công trình, dự án nạo vét sông, kênh rạch, TP và các quận, huyện cần tăng cường biện pháp tuyên truyền, giáo dục đối với người dân để hạn chế tình trạng xả rác thải ra các dòng sông, kênh rạch làm bồi lắng lòng sông và gây tắc nghẽn dòng chảy. Bên cạnh việc tuyên truyền, cần giám sát thật kỹ và xử lý thật nặng các đối tượng xả rác thải, lấn chiếm sông, kênh rạch làm tắc nghẽn dòng chảy để răn đe.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Hoàng Trí, Phó Giám đốc Khu Đường sông (Sở GTVT TPHCM), cho rằng: “Để hệ thống sông, kênh rạch trở lại đúng chức năng nguyên thủy của nó, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần thống kê tình trạng lấn chiếm sông, kênh rạch để có những biện pháp xử lý kiên quyết và phù hợp. Ngoài ra, các quận, huyện cần tăng cường biện pháp tuyên truyền để người dân đừng xả rác thải xuống sông, kênh rạch làm tắc nghẽn dòng chảy và ô nhiễm môi trường”.
Còn ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, khuyến nghị: Để hạn chế và tiến tới loại bỏ tình trạng xả rác, lấn chiếm sông, kênh rạch, ngoài biện pháp tuyên truyền, vận động người dân không xả rác thải ra sông, kênh rạch như chúng ta đã làm thời gian qua, TP cần phối hợp với các sở, ngành đưa vấn đề chống xả rác vào giáo dục phổ cập trong cộng đồng, trường học để tăng ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người.
Cần giải pháp đồng bộ
Bên cạnh biện pháp tuyên truyền, xử phạt, các ý kiến cũng cho rằng TP và các cơ quan liên quan cần có những giải pháp đồng bộ trong việc thực hiện các dự án nạo vét. Ông Phan Hoàng Trí đặt vấn đề: Dù năm 2004 UBND TP đã ban hành Quyết định số 150/2004/QĐ-UB để quản lý hệ thống sông, kênh rạch, song đây chỉ là quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh rạch nên nó chưa giải quyết dứt điểm được các công trình xây dựng lấn chiếm sông, kênh rạch trước cũng như sau thời điểm quyết định có hiệu lực. Bởi lẽ, có những công trình dù xây dựng sau thời điểm quyết định có hiệu lực rõ ràng nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch nhưng trên thực tế phần đất mà họ xây dựng công trình được quy hoạch và cấp phép trước thời điểm quyết định có hiệu lực. Do đó, về mặt pháp lý các công trình này không nằm trong diện lấn chiếm hành lang sông, kênh rạch nên các địa phương không thể xử lý. Vì vậy, để giữ được diện tích khoảng cách hành lang hai bên bờ sông phục vụ xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc sông, kênh rạch cần xây dựng các công trình phục vụ lợi ích công cộng, công viên, cây xanh nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị TP.
GS-TSKH Lê Huy Bá cho rằng: Dù những năm qua, TPHCM đã triển khai một số công trình nạo vét sông, kênh rạch nhằm tiêu thoát nước mưa và phục vụ giao thông thủy nhưng làm cục bộ nên hiệu quả không cao. Cụ thể, có một số dự án nạo vét tuyến sông chính nhưng các tuyến kênh, rạch xương cá không nạo vét nên việc tiêu thoát nước bị tắc nghẽn. Ngoài ra, với kiểu nạo vét xong lấy đất bùn đắp lên bờ (thay vì đưa đi đổ chỗ khác) sẽ rất dễ xảy ra tình trạng trời mưa đất, bùn lại trôi xuống lòng sông và tiếp tục gây nghẽn dòng chảy. Do đó, trong các dự án nạo vét sông, kênh rạch cần phải làm một cách đồng bộ và hệ thống. Đất, bùn sau khi nạo vét từ dưới lòng sông, kênh rạch phải được chở đi xử lý ở một nơi khác. Muốn làm được điều này, cần phải có một người tổng chỉ huy và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban ngành, quận huyện.
Đình Lý
- Sông, kênh rạch ở TPHCM đang chết