Sau khi Báo SGGP ngày 17-6 đăng bài viết “Nợ thuế đổ đầu… tiểu thương”, đại diện Ban giám đốc Công ty CP Dược phẩm quận 10 (CT CPDP Q10) cho biết, thời gian trước đây, hàng tháng CT CPDP Q10 thu các khoản chi phí của các quầy hàng như thu BHYT, BHXH, thuế VAT, phí mặt bằng… Sau đó CT CPDP Q10 trừ đi các chi phí hoạt động công ty như lương nhân viên, trả lãi vốn huy động, chi phí mặt bằng, đóng bảo hiểm, các khoản phí khác… Số tiền còn lại sẽ là lợi nhuận doanh nghiệp của công ty. Trên cơ sở đó, CT CPDP Q10 sẽ trích 28% lợi nhuận để đóng thuế cho nhà nước.
Việc mức khai báo thuế của CT CPDP Q10 đưa ra thấp là vì mức thu theo kế hoạch 1,8% doanh thu quầy hàng là quy định đưa ra cách đây 10 năm. Đến nay, giá cả và các mức phí dịch vụ để duy trì hoạt động công ty đã thay đổi, trong khi mức thu thì không tăng. Vì vậy, sau khi trừ đi các chi phí khác thì mức lợi nhuận của công ty chỉ còn thấp. Việc kê chi phí quản lý doanh nghiệp, lãi suất, chi phí bán hàng mỗi năm lên đến hàng chục tỷ đồng và các nhân viên quầy hàng chỉ được ký tên mà không nhận… là do bộ phận kế toán tài chính công ty đã khấu trừ cho quầy hàng, tiểu thương luôn chứ công ty không khai khống. Bởi nếu không khấu trừ thì mức phí trung bình mỗi quầy sẽ phải đóng lên 30 triệu đồng/tháng (tổng số tiền thu thêm các khoản này sẽ gần 3 tỷ đồng/tháng/92 quầy), mà như vậy thì lại khó cho tiểu thương. Tuy nhiên, sau vụ việc này, trong thời gian tới công ty sẽ thắt chặt vấn đề kế toán, sổ sách. Công ty hiện đã ứng tiền đóng khoản thuế truy thu cho nhà nước và chi khoảng 1 tỷ đồng (lợi nhuận của công ty hàng năm) để góp vào cùng tiểu thương trả tiền truy thu.
Về vụ việc này, luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật, Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng mô hình CT CPDP Q10 áp dụng là “mới mẻ” đối với hệ thống luật VN. “Người” định ra mức thuế để thực hiện nộp nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho nhà nước, khoản lợi nhuận kế hoạch, các khoản thu trong kinh doanh khác là CT CPDP Q10. Trong phần thu nộp đối với các tiểu thương, CT CPDP Q10 đã thu cả phần lợi nhuận trong quá trình hoạt động của DN này.
Nay, nhà nước phát hiện ra việc sai trái và truy thu thì “mẹ” lại chuyển hoàn toàn trách nhiệm sang “con” chứ không tự gánh vác hoặc ít ra là chia sẻ là không công bằng. Bởi lỗi chính trường hợp này là CT CPDP Q10. Luật Thuế TNDN quy định rõ: thuế TNDN là khoản thuế mà DN phải nộp sau khi trừ phần chi phí (cũng như phần thu nhập miễn thuế và khoản lỗ trước) từ doanh thu. Xác định doanh thu trên cơ sở hóa đơn bán hàng. Nhưng ở đây, CT CPDP Q10 lại ấn định mức thuế cho từng tiểu thương. Như vậy hệ thống sổ sách kế toán của họ được thực hiện trên cơ sở đã xác định từ trước, gọi nôm na là “hợp thức hóa”. Như vậy, CT CPDP Q10 phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với nhà nước về hoạt động kinh doanh của 92 tiểu thương.
T.Đạt - A.Chân
- Thông tin liên quan:
- Nợ thuế đổ đầu... tiểu thương