Báo SGGP số ra ngày 12-11 có đăng bài “Xe quá tải - thủ phạm hủy hoại cầu đường”. Sau khi báo đăng, một số ý kiến cho rằng, để kiểm soát xe quá tải, bảo vệ tuổi thọ công trình đường bộ cũng như đảm bảo vấn đề an toàn giao thông trên đường, cần kiểm soát chặt tình trạng xe chở quá tải ngay từ gốc.
Ong Nguyễn Khánh Toàn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết: Thời gian qua, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khuyến cáo các đơn vị doanh nghiệp vận tải không chở hàng hóa quá tải. Tuy nhiên, do tình trạng tiêu cực trong việc quản lý, xử lý xe vi phạm quá tải cũng như vấn đề giá cước chưa đảm bảo cho các đơn vị trong việc kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp đã cố tình cho các phương tiện chở hàng hóa quá tải lưu thông trên đường.
Do đó, để ngăn chặn tình trạng xe chở quá tải góp phần bảo vệ và duy trì tuổi thọ của công trình đường bộ cũng như giảm hư hỏng phương tiện do hạ tầng giao thông xuống cấp gây ra, hạn chế xảy ra tai nạn giao thông trên đường bộ, việc nhà nước ban hành quyết định quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ là hết sức cần thiết. Nhà nước cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, công khai minh bạch các trạm kiểm tra tải trọng xe để tránh phát sinh những tiêu cực như đã từng xảy ra ở trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai) thời gian qua.
Cụ thể, để hạn chế việc này, trạm kiểm tra tải trọng xe cố định phải được áp dụng các công nghệ hiện đại, bảo đảm kiểm soát tải trọng, khổ giới hạn xe nhanh chóng, chính xác và hiệu quả; hạn chế tối đa sự tác động, can thiệp trực tiếp của con người vào quá trình kiểm soát tải trọng, khổ giới hạn xe tại trạm. Ngoài ra, về vị trí đặt trạm, không nên đặt quá nhiều trạm trên các tuyến đường để nhằm mục đích tận thu sẽ dễ gây ra tiêu cực mà nên đặt trạm ngay ở vị trí ra vào các bến bãi, kho cảng lớn để kiểm tra tải trọng hàng hóa ngay từ gốc.
Về vấn đề này, luật sư Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, cho rằng: Hiện nay, tình trạng xe chở quá tải diễn ra hầu như phổ biến trên đường ở các tỉnh, thành và trở thành thói quen đối với các chủ hàng. Sở dĩ có tình trạng này là do xuất phát từ việc cạnh tranh không lành mạnh về giá. Vì vậy, kiểm soát tình trạng xe quá tải nhằm bảo vệ hệ thống cầu, đường bằng việc lập các trạm kiểm tra tải trọng xe là cần thiết. Tuy nhiên, việc lập quá nhiều các trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường chưa hẳn là giải pháp tốt để giải quyết triệt để xe quá tải.
Bởi lẽ, trạm kiểm tra tải trọng xe chỉ để kiểm tra tải trọng những xe có dấu hiệu vi phạm về tải trọng để làm cơ sở xử lý vi phạm chứ không thể kiểm tra hết được xe quá tải lưu thông trên đường. Để giải quyết triệt để tình trạng xe quá tải, ngoài lực lượng chức năng làm nhiệm vụ kiểm tra xử lý xe vi phạm như lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, cần gắn trách nhiệm cũng như có biện pháp chế tài mạnh đối với các chủ hàng, chủ xe, lãnh đạo các cảng, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc kiểm soát xe chở hàng quá tải nếu chở hàng quá tải.
Bên cạnh đó, cần tăng cường số lượng phương tiện vận tải cũng như nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông để giải phóng hàng hóa nhanh chóng, tránh tình trạng hàng hóa bị ứ đọng tại các kho bãi buộc các chủ hàng phải chở quá tải để giải tỏa hàng hóa.
Đình Lý