LTS: Trong các số báo ra ngày 27 và 28-9-2013, Báo SGGP đã đăng tải loạt bài “Đổi mới lâm trường quốc doanh: Bình mới rượu cũ?”. Trong đó, qua quá trình đi thực tế phóng viên đã ghi nhận, phản ánh nhiều bất cập trong việc quản lý rừng ở một số tỉnh. Báo SGGP xin giới thiệu một số ý kiến đề xuất về các giải pháp đối với vấn đề này.
GS-TS ĐẶNG HÙNG VÕ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường: Giải quyết triệt để mâu thuẫn đất rừng
Một yếu tố dẫn đến việc sắp xếp, đổi mới lâm trường quốc doanh (LTQD) chưa bài bản là do một số chính sách được đưa ra dựa trên cơ sở dữ liệu không đúng. Số liệu báo cáo về tranh chấp đất rừng chưa phản ánh đúng với thực tế nên các nhà quản lý và hoạch định chính sách chưa đánh giá đúng tầm vấn đề. Để việc thực hiện Nghị quyết 28 về “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh” (viết tắt NQ 28) một cách hiệu quả, cần phải có những chính sách cũng như sự tham gia của các bên liên quan nhằm giải quyết một cách triệt để tranh chấp đất rừng, nếu không việc đổi mới LTQD vẫn chưa thể có một bước tiến mới.
NQ 28 kỳ vọng các lâm trường giữ được vai trò nòng cốt đối với kinh tế - xã hội của địa phương, tạo ra những vùng chuyên canh nguyên liệu để người dân tham gia, đảm bảo kết nối được chuỗi sản xuất từ sử dụng đất đến tiếp cận thị trường để tạo đầu ra cho sản phẩm nhưng các lâm trường vẫn chưa làm được. Những công ty nông, lâm nghiệp nếu đổi mới nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo hướng tổng hợp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường sẽ đem lại thành công. Thực tế nhiều công ty nông nghiệp đã thành công với mô hình “4 nhà”: nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nông dân, các công ty lâm nghiệp (CTLN) có thể tham khảo mô hình này.
Ông PHẠM QUANG TÚ, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển - CODE): Nên thu gọn mô hình CTLN
Trong bối cảnh hiện nay, nên quy hoạch gọn quy mô cũng như diện tích đất rừng của CTLN, tiếp tục giải thể những CTLN hoạt động không hiệu quả, số còn lại phải đổi mới phương thức hoạt động. Các CTLN quản lý chủ yếu rừng tự nhiên nên chuyển thành ban quản lý rừng và nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ đầu tư thỏa đáng cho công tác bảo vệ rừng. Những CTLN ở những khu vực có điều kiện thuận lợi kinh doanh lâm sản thì chuyển thành công ty kinh doanh theo cơ chế đặc thù của ngành lâm nghiệp. Đối với những CTLN chủ yếu sản xuất kinh doanh trồng rừng nguyên liệu nên giải thể để trả lại đất cho địa phương. Trong trường hợp các CTLN có cơ sở chế biến và hoạt động dịch vụ kỹ thuật thì chuyển sang công ty chế biến lâm sản và dịch vụ kỹ thuật lâm sinh, chỉ giữ một phần diện tích đủ đảm bảo về cơ sở hạ tầng, khoảng 1.000 - 2.000ha.
Ông TÔ XUÂN PHÚC, Trưởng đại diện Tổ chức Forest Trends: Cho thuê đất dựa trên nguyên tắc bình đẳng
Nên tách các phần diện tích đất tranh chấp, lấn chiếm trả lại cho địa phương làm cơ sở giao cho các hộ dân đảm bảo đủ diện tích đất canh tác. Khi thực hiện giao đất trồng rừng hoặc khoán bảo vệ rừng cũng cần phải ưu tiên cho người dân tại chỗ, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trước khi giao, khoán cho các đối tượng bên ngoài cộng đồng. Đối với phần đất của lâm trường phải cho thuê đất trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng giữa các nhóm đối tượng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đất và rừng. Bên cạnh đó các thông tin liên quan đến thay đổi sử dụng đất và tài nguyên rừng (khoán, bảo vệ rừng) cần phải được công khai, minh bạch.
Ông NGUYỄN CHÍ THUNG, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông: Giao đất cho địa phương quản lý tốt hơn
Trước thực trạng rừng vẫn bị mất, dân vẫn lấn chiếm và chặt phá, trong khi nhà nước vẫn phải dành một khoản kinh phí nhất định để duy trì một mô hình không hiệu quả thì rất lãng phí. Các CTLN nên rà soát, bàn giao lại một phần đất cho địa phương để quản lý và phân chia lại cho các hộ dân trên cơ sở từ chính nhu cầu cần đất để sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống. Khi giao về địa phương, công tác bảo vệ rừng, địa phương cũng sẽ làm tốt hơn: vừa kiểm tra, đôn đốc, thậm chí quản lý người dân trong công tác bảo vệ rừng.
>> Đổi mới lâm trường quốc doanh: Bình mới rượu cũ? Bài 2: Nghịch lý thiếu - thừa